Cách viết CV

Trình bày hồ sơ năng lực và đơn ứng tuyển chuyên nghiệp

| tháng 8 25 2020

| bởiCTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
image

Ngày nay, đã có những phần mềm tuyển dụng có thể quét CV của bạn để tìm kiếm các từ khóa và kỹ năng được yêu cầu trong thông báo tuyển dụng. Phần mềm này được sử dụng bởi các đơn vị cung ứng dịch vụ tuyển dụng và một số nhà tuyển dụng. Điều này có nghĩa là bạn nên điều chỉnh CV để phù hợp với từng vị trí công việc, bằng cách sử dụng những từ khóa trong thông báo tuyển dụng của công ty.

Gợi ý: Bạn có thể sử dụng các công cụ trực tuyến như CV Builder để thay đổi CV cho phù hợp với từng vị trí công việc khác nhau.

Hai loại CV

Có hai loại CV chủ yếu:

  1. CV kỹ năng – phù hợp cho những người muốn thay đổi ngành nghề chuyên môn, sinh viên sắp tốt nghiệp hoặc người có khoảng trống trong lịch sử công việc.
  2. CV kinh nghiệm –hữu ích trong việc thể hiện những kinh nghiệm làm việc và phù hợp cho những người đang chuẩn bị bước lên vị trí cao hơn trên nấc thang của sự nghiệp.

Hãy tham khảo thêm các mẫu CV kỹ năng và CV kinh nghiệm trên mạng trước khi bắt đầu.

Làm cho CV của bạn thật dễ đọc

Thường thì nhà tuyển dụng sẽ giành 15 - 20 giây để đọc lướt CV của bạn. Nếu bạn tạo được ấn tượng tốt thì họ sẽ đọc kỹ CV của bạn hơn. Do đó, để tạo được một CV đẹp, bạn nên:

  • Sử dụng phông chữ dễ đọc, chữ màu đen và có cùng kích cỡ
  • Sử dụng các câu ngắn và chia thành từng phần nhỏ.
  • Sử dụng dấu đầu dòng để liệt kê thông tin
  • Sử dụng ngôn ngữ trang trọng
  • Tránh sử dụng từ viết tắt, tiếng lóng hoặc từ ngữ chuyên ngành
  • Tránh sử dụng hình ảnh
  • Có đề mục rõ ràng và chừa nhiều khoảng trắng
  • Soạn CV không quá 2 trang

Hãy lưu tập tin CV của bạn dưới dạng Word và đặt tên tập tin gồm tên của bạn, ngày và vị trí công việc ứng tuyển.

Những mục nên có trong CV

Một bản CV nên bao gồm:

  • Họ tên và thông tin liên lạc chi tiết
  • Kỹ năng chuyên môn (kỹ năng cứng) và kỹ năng mềm
  • Kinh nghiệm làm việc, hoạt động cộng đồng và công việc tình nguyện.
  • Trình độ học vấn, bằng cấp và chứng chỉ
  • Người tham khảo hay người tham chiếu (Bạn cũng có thể ghi chú trong mục này là “Sẽ cung cấp khi có yêu cầu”)

Một bản CV cũng nên có thêm những điểm sau:

  • Mục tiêu công việc và tuyên bố cá nhân
  • Thành tựu
  • Sở thích
  • Thông tin trực tiếp liên quan đến nghề nghiệp (ví dụ, CV của giáo viên sẽ thêm triết lý giáo dục của họ)
Những mục không nên có trong CV

CV không nên bao gồm:

  • Hình ảnh
  • Phông chữ hoặc thiết kế màu mè, kiểu cọ
  • Tình trạng hôn nhân, tôn giáo hoặc tài khoản ngân hàng
  • Chữ quá to, sai chính tả hoặc lỗi đánh máy
  • Địa chỉ email khôi hài hoặc khiếm nhã
  • Kinh nghiệm làm việc hoặc sở thích không liên quan đến vị trí công việc
  • Nói dối về kinh nghiệm làm việc và kỹ năng
Họ tên và thông tin liên lạc chi tiết

Mục này bao gồm:

  • Họ và tên đầy đủ (nên có cỡ chữ to và được in đậm)
  • Số điện thoại cá nhân
  • Địa chỉ email
  • Bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm vào mục này:
  • Địa chỉ liên kết đến hồ sơ trực tuyến trên các trang tuyển dụng như LinkedIn hay Behance
  • Địa chỉ liên kết đến trang web chuyên nghiệp hoặc kênh Youtube về chuyên môn của cá nhân bạn

Hãy chắc chắn rằng:

  • Địa chỉ email của bạn phù hợp cho công việc. Ví dụ: kowhaijoneswork@email.com
  • Điện thoại bạn có đoạn nhạc chờ chuyên nghiệp hoặc đoạn tin nhắn thoại gồm tên của bạn và yêu cầu người gọi để lại lời nhắn.
Mục tiêu công việc và tuyên bố cá nhân

Mục tiêu công việc mô tả ngắn gọn về chi tiết loại hình công việc, lĩnh vực ngành nghề và vị trí công việc mà bạn muốn theo đuổi. Trong khi đó, tuyên bố cá nhân giúp nhà tuyển dụng hình dung xem là ai trong 3 đến 4 câu.

Bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm vào mục này một số thông tin sau:

  • Ngành học hoặc công việc hiện tại của bạn 
  • Điểm hấp dẫn về vị trí công việc mà bạn ứng tuyển
  • Lý do bạn ứng tuyển vào vị trí công việc đó
  • Mục tiêu nghề nghiệp của bạn

Mục tiêu công việc và tuyên bố cá nhân là nội dung tùy chọn bổ sung cho CV, và được đặt dưới phần thông tin liên lạc chi tiết, nếu có.

Kỹ năng

Những kỹ năng bạn liệt kê trong CV nên giống với những kỹ năng trong thông báo tuyển dụng.

Kỹ năng chuyên môn (Kỹ năng cứng) nên bao gồm những kỹ năng liên quan đến:

  • Bằng lái xe
  • Ngôn ngữ
  • Tin học: các ứng dụng, phần mềm trên máy tính

Ví dụ về cách viết mục “Kỹ năng” trong CV:


Đối với loại CV kỹ năng, hãy liệt kê lại các kỹ năng trong thông báo tuyển dụng kèm theo ví dụ minh hoạ cách bạn vận dụng kỹ năng đó. Phần này bạn nên để ở đầu CV. 

Ví dụ:

Kỹ năng giao tiếp tốt

  • Thành viên Câu lạc bộ Hùng biện của Khoa Khoa học chính trị
  • Chủ tịch 02 nhiệm kỳ của Câu lạc bộ Công tác xã hội

Đối với loại CV kinh nghiệm, hãy thể hiện những kỹ năng của bạn trong lịch sử công việc.

Ví dụ:

2015-2017 Trưởng Bộ phận Chăm sóc Khách hàng, Dịch vụ cho thuê xe Beluga

  • Thể hiện kỹ năng giao tiếp tốt khi giới thiệu với khách hàng về dịch vụ bảo hiểm xe.
  • Lưu ý: Cũng đừng quên tìm hiểu thêm trên mạng cách để thể hiện kỹ năng của bạn trong CV.

 

Lịch sử công việc, kinh nghiệm làm việc hoặc hoạt động tình nguyện

Đầu tiên hãy liệt kê những công việc, hoạt động tình nguyện gần đây nhất bạn đã làm. Lịch sử công việc nên bao gồm:

  • Tên đầy đủ của đơn vị
  • Vị trí công việc
  • Địa điểm làm việc
  • Thời gian bắt đầu và kết thúc

Ví dụ về cách viết “Lịch sử công việc” trong CV:


Đối với loại CV kỹ năng: 

Ví dụ:

Tháng 7/2017 – Tháng 8/2018 Trợ lí quản lý cửa hàng – Cửa hàng bánh Sione, Auckland.

  • Dịch vụ chăm sóc khách hàng
  • Tăng doanh số bán cà phê lên đến 10%

Đối với loại CV kinh nghiệm, bạn nên miêu tả các kỹ năng nhiều hơn:

Ví dụ:

Tháng 7/2017 – Tháng 8/2018 Trợ lí quản lý cửa hàng – Cửa hàng bánh Sione, Auckland.

  • Chịu trách nhiệm về phần thức ăn và đồ uống và dịch vụ khách hàng tại cửa hàng.
  • Thể hiện xuất sắc kỹ năng dịch vụ chăm sóc khách hàng khi nhận đơn hàng
  • Dẫn đầu doanh số bán cà phê, lên đến 10%

Một số lưu ý:

  • Ngay dưới những thông tin này, hãy liệt kê nhiệm vụ công việc và một số thành tích mà bạn đã đạt được.
  • Nếu bạn có thay đổi vị trí công việc trong nội bộ đơn vị, bạn cũng nên đề cập vào mục này.
  • Bạn không cần phải liệt kê tất cả các công việc đã từng làm, hãy để cho CV của bạn được ngắn gọn và đúng trọng tâm.
  • Hãy bắt đầu bằng động từ để mô tả về lịch sử công việc và kỹ năng của bạn như: thể hiện, quản lý, dẫn dắt, phát triển, tổ chức,… Bạn cũng có thể tham khảo các công cụ như Live Career để tìm những động từ phù hợp cho CV của bạn.

Nếu bạn có một khoảng thời gian trống trong lịch sử công việc mà không làm bất cứ công việc được trả công nào, bạn nên:

  • Sử dụng loại CV kỹ năng
  • Thể hiện những kỹ năng bạn đã học được trong quá trình tạm nghỉ, như kỹ năng lên kế hoạch, lập ngân sách chi tiêu hay chăm sóc gia đình.
  • Đề cập đến những kinh nghiệm làm việc, những hoạt động tình nguyện vào phần lịch sử công việc.
  • Giải thích lý do vì sao bạn tạm nghỉ việc trong thư ứng tuyển.
Trình độ học vấn, bằng cấp và chứng chỉ

Liệt kê những bằng cấp, chứng chỉ và khóa đào tạo, tập huấn bạn đã tham gia vào trong phần “Trình độ học vấn” trong CV của bạn. Bạn có thể đề cập đến những nội dung sau:

  • Bằng Đại học, Cao đẳng
  • Chứng chỉ, bằng cấp, giấy chứng nhận
  • Các khóa học ngắn hạn hỗ trợ cho công việc
  • Chương trình tập huấn
  • Các khóa học phát triển nghiệp vụ, hội nghị, hội thảo
  • Các khóa học trực tuyến

Cách viết mục “Trình độ học vấn” trong CV:

Đầu tiên, hãy liệt kê những bằng cấp và chứng chỉ mới nhất và có liên quan nhất đến công việc. Các bằng cấp và chứng chỉ trong mục này cần bao gồm:

  • Tên khóa học hoặc chương trình học mà bạn đã hoàn thành
  • Tên đơn vị đào tạo
  • Nơi bạn đã học
  • Thời gian bắt đầu, kết thúc khoá học hoặc năm bạn tốt nghiệp
Thành tích

Hãy bổ sung một mục riêng cho những thành tích bạn đã đạt được nếu bạn chưa có cơ hội nhắc đến những thành tích quan trọng ở mục “Kỹ năng” hoặc “Lịch sử công việc”.

  • Bạn có thể đề cập đến những nội dung sau:
  • Giải thưởng, khen thưởng
  • Chứng nhận hoàn thành xuất sắc dự án
  • Minh chứng về việc bạn đã làm để giúp công ty trước đây đạt được mục tiêu
  • Những đóng góp tích cực cho cộng đồng

Lưu ý: Với mỗi thành tích, hãy ghi chú cụ thể nội dung thành tích đạt được, thời gian và địa điểm bạn đạt được những thành tích đấy.

Sở thích

Mục “Sở thích” là không bắt buộc trong CV, nếu bạn có mục “Sở thích” trong CV thì hãy đảm bảo rằng bạn:

  • Đề cập đến các sở thích thể hiện được kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, ví dụ như Kỹ năng lãnh đạo
  • Tránh việc đề cập những sở thích chung chung như: xem TV hay đi chơi cùng bạn bè.
Người tham khảo (Người tham chiếu)

Người tham khảo (người tham chiếu) là người có thể nói cho nhà tuyển dụng biết về những kỹ năng, lịch sử công việc và tính cách của bạn.

Bạn cần có trong CV ít nhất hai người tham khảo (người tham chiếu):

  • Một người nên là Quản lý hiện tại, Trưởng nhóm hoặc Giám sát của bạn.
  • Người tham chiếu còn lại có thể là Sếp cũ, Huấn luyện viên thể thao, Giáo viên bộ môn hoặc Cố vấn học tập, Người có tiếng nói trong cộng đồng, v.v

Thông tin liên lạc của của Người tham chiếu cần bao gồm:

  • Họ và tên
  • Chức danh
  • Đơn vị công tác
  • Số điện thoại
  • Địa chỉ email

Ghi chú: Bạn cũng có thể ghi chú trong mục “Người tham khảo (người tham chiếu)” rằng bạn “sẽ cung cấp thông tin liên lạc khi có yêu cầu”.

Mẫu CV và ví dụ minh hoạ

Hãy tham khảo mẫu CV của sinh viên mới tốt nghiệp (tân cử nhân), mẫu CV loại CV kỹ năng, CV kinh nghiệm hoặc sử dụng các mẫu CV có sẵn của chúng tôi.

Tìm hiểu thêm
  • Sổ tay hướng dẫn tìm việc cho người mới bắt đầu
  • Cẩm nang điện tử dành cho người tìm việc
  • Cách viết thư ứng tuyển
Bài viết liên quan