5 bước lập kế hoạch chuẩn xác tránh tốn công, mất thời gian

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 09 tháng 1 2021

| bởi CTW.vn

image
Bước 1: Chọn ra những mục tiêu khả thi nhất

Khi lập kế hoạch, số mục tiêu tốt nhất là không nên quá số lượng ngón trên bàn tay. Bạn biết đó, nếu càng cố gắng đặt thật nhiều mục tiêu thì bạn càng dễ phát hoảng mỗi khi nhìn lại bản kế hoạch của chính mình. Vậy hãy cố gắng đơn giản tối đa kế hoạch cho năm mới chỉ với vài mục tiêu chủ chốt và lên kế hoạch bài bản, dài hơi cho những mục tiêu đó, bạn sẽ thấy phần trăm thành công của mình tăng lên rõ rệt.

Bạn có thể đặt mục tiêu theo các nhóm lĩnh vực, ví dụ như sự nghiệp, sức khỏe, sắc đẹp, tài chính… khi lập kế hoạch và ở mỗi lĩnh vực chỉ tóm gọn lại một mục tiêu phổ quát nhất, ví dụ nhân đôi mức lương hiện tại. Việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường và khả thi chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định sự thành công trong kế hoạch 2020 của bạn.

Bước 2: Viết ra từng bước để hoàn thành mỗi mục tiêu

Sau khi đã có vài mục tiêu cụ thể trên mặt giấy, hãy tiến hành bước tiếp theo trả lời cho câu hỏi “Bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó?”

Ví dụ bạn muốn nhân đôi lương của năm cũ, hãy suy nghĩ ra một vài hướng, như nhận thêm việc làm, đầu tư tài chính sinh lợi, hoặc tìm kiếm một công việc mới với mức lương bạn mong muốn, tiếp đó dần chọn lựa cách để hoàn thành như ứng tuyển và những công ty nào, hay chọn đầu tư vào món gì. Và cứ thế cụ thể hóa từng bước cho đến khi dẫn đến bước mà bạn có thể bắt tay ngay vào làm.

Bước 3: Phân bổ việc cần làm

Sau khi đã có đầy đủ những bước cụ thể của từng mục tiêu, việc cần làm bây giờ chính là phân bổ vào lịch trình của năm, tuần tự theo năm, tháng, tuần và ngày để bạn có thể hình dung sơ bộ được năm 2020 của mình cơ bản sẽ trải qua như thế nào và bạn sẽ đạt được gì vào mỗi thời điểm khác nhau.

Đây là một bước quan trọng để khiến bạn bắt đầu nhìn ra được kết quả của những việc mình dự định làm trong năm mới, đồng thời cũng tạo một vài cột mốc để bạn có thể tính ra được khi nào thì cần hoàn thành một nhiệm vụ nào đó.

Bước 4: Đưa ra các chỉ số đánh giá

Một kế hoạch không thể hoàn hảo và phát huy hết tác dụng nếu thiếu đi các chỉ số đánh giá hoặc các tham chiếu để bạn biết mình đang đi đến đâu, có đạt đúng tiến độ hay không, hoặc để nhận ra mình đang thiếu sót chỗ nào để có thể thay đổi kế hoạch và chọn ra cách tiến hành có khả năng giúp bạn hoàn thành mục tiêu một cách suôn sẻ.

Bước 5: Quyết tâm thực hiện kế hoạch

Một kế hoạch không có giá trị khi nó chỉ mãi mãi nằm trên giấy, hãy tự đưa ra cam kết cho bản thân, tìm mọi cách để luôn nhắc nhở rằng mình có những mục tiêu phải hoàn thành, hoặc đơn giản chỉ là đưa ra những phần thưởng cho chính mình để tự động viên khi hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan