Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn: “Có điều gì bạn muốn chúng tôi biết thêm về bạn không?”

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và tham dự phỏng vấn

| 28 tháng 10 2021

| bởi CTW.vn

image

Nếu bạn đã từng tìm việc làm và tham dự nhiều buổi phỏng vấn, bạn sẽ thấy có một số câu hỏi tương tự liên tục xuất hiện. Một trong những câu hỏi mà người phỏng vấn thường hỏi trước khi kết thúc buổi phỏng vấn là “Bạn có muốn chia sẻ thêm điều gì khác không?” hay “Bạn muốn người phỏng vấn biết thêm điều gì về bạn không?”

Hầu như vào thời điểm bạn được hỏi câu này, bạn đã trả lời nhiều câu hỏi về kỹ năng và kinh nghiệm rồi. Có thể bạn sẽ bị cám dỗ với suy nghĩ chỉ cần đơn giản đáp lại một cách lịch sự rằng bạn cảm thấy như mọi thứ chưa được đề cập. Hãy kiềm chế ý nghĩ này. Thay vào đó, hãy xem đây là một cơ hội để tạo ấn tượng mạnh mẽ vào cuối buổi phỏng vấn.

Tip: Hãy coi câu trả lời của bạn giống như lời tuyên bố kết thúc phiên tòa: Bạn cần tổng hợp những điểm chính được đề cập trước đó và đưa ra một câu chốt hạ mang tính thuyết phục.

Cũng giống như câu hỏi "Hãy cho tôi biết đôi điều về bạn", câu hỏi mở này cho phép bạn kiểm soát cuộc trò chuyện và chia sẻ thông tin có ích cho quá trình ứng tuyển của bạn.

Người phỏng vấn muốn biết điều gì

Những câu hỏi mở này giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ tính cách, kiến ​​thức cá nhân và khả năng giao tiếp hiệu quả của bạn.
Họ cũng sẽ ấn tượng nếu khi kết thúc một buổi phỏng vấn căng thẳng, bạn có thiện chí muốn tiếp tục cuộc đối thoại để tạo ấn tượng lâu dài.

Tip: Người phỏng vấn muốn thấy liệu bạn có thể thể hiện sự tự tin về tiềm năng của mình đối với công việc đang ứng tuyển hay không.

Cách trả lời mở “Có điều gì bạn muốn chúng tôi biết thêm về bạn không?”

Bắt đầu câu trả lời bằng cách tóm tắt một số điểm mạnh chủ yếu mà bạn đã chia sẻ trước đó. Điều này sẽ gợi nhắc người phỏng vấn về lý do tại sao bạn là một ứng viên sáng giá cho vị trí này.

Sau khi bạn tóm tắt kỹ năng và kinh nghiệm của mình, hãy thêm 1-2 ý bạn chưa đề cập. Đây có thể là những kỹ năng hay khả năng bạn chưa nhắc đến, hoặc những kinh nghiệm có thể giúp bạn trở nên nổi bật hơn, đồng thời có giá trị và mang đến sự mới mẻ.

Tip: Đảm bảo rằng bất cứ điều gì bạn đề cập đều phải liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển. Thông tin bạn chia sẻ càng phù hợp với yêu cầu công việc, cơ hội nhận việc sẽ càng cao.

Nếu còn thời gian, hãy đề cập đến một ví dụ cụ thể về cách bạn thể hiện phẩm chất hoặc đặc điểm bạn muốn làm nổi bật. Nếu có thể, hãy lý giải cách đặc điểm này đã làm tăng giá trị cho công ty trước đó của bạn. Sau đó, hãy nhấn mạnh một lần nữa sự quan tâm mạnh mẽ đối với vị trí ứng tuyển và cơ hội được gắn bó với tổ chức.

Kiểu trả lời này giúp bạn:

  • Tóm tắt lý do tại sao bạn là một ứng viên sáng giá
  • Cho thấy rằng bạn có thái độ nhiệt tình với vị trí ứng tuyển

Hãy nhớ rằng, đây là câu chốt hạ, nên bạn sẽ muốn người phỏng vấn thấy được lý do vì sao bạn lại là một ứng viên lý tưởng cho vị trí tuyển dụng.

Các câu trả lời hay nhất

Dưới đây là các câu trả lời mẫu, bạn có thể điều chỉnh để phù hợp với kinh nghiệm và kiến thức nền tảng riêng của mình.

1. “Chúng ta đã bàn nhiều về điểm mạnh, kỹ năng viết, thuyết trình và máy tính của tôi, nhưng tôi chưa có cơ hội để nói với anh, chị về kỹ năng bán hàng của mình. Khả năng thuyết phục của tôi đã tạo ra nhiều giá trị cho công việc lúc trước. Ví dụ, tôi đã thuyết phục thành công 7 doanh nghiệp địa phương tài trợ cho một hoạt động từ thiện mà tôi tổ chức cho hội của mình, và tôi cũng đã thành công quảng bá nhiều câu chuyện về một đối tác trên các phương tiện truyền thông khi còn là thực tập sinh ngành quan hệ công chúng.”

Lý do cách trả lời này lại hiệu quả: Ứng viên này đã thể hiện sự nhạy bén khi gợi nhắc được một số điểm mạnh chưa được đề cập trong buổi phỏng vấn, anh cũng đưa ra 2 ví dụ minh họa để hỗ trợ phát ngôn của mình.

2. “Anh chị thật tinh tế. Chúng ta đã nói về những điểm mạnh chính của tôi như kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc giữa các phòng ban và kinh nghiệm về quan hệ công chúng. Tuy nhiên, có một kỹ năng quan trọng mà tôi chưa đề cập đến đó là thiết kế web. Gần đây tôi đã hoàn thành khóa thực tập tại công ty Quan hệ công chúng Z, tôi đã thiết kế một trang web mới cho một khách hàng. Khách hàng vô cùng hài lòng với bản thiết kế và thậm chí còn gửi thư cho CEO để khen ngợi kỹ năng của tôi. Tôi có kinh nghiệm làm việc trên một số nền tảng thiết kế web như Squarespace, Wordpress, Webflow và Wix. Tôi vinh dự được dùng kỹ năng này để hỗ trợ cho công ty anh, chị.”

Lý do cách trả lời này lại hiệu quả: Câu trả lời này làm tăng giá trị cho những gì ứng viên có thể mang đến cho nhà tuyển dụng (cụ thể trong trường hợp này là kỹ năng thiết kế web). Ngay cả khi thiết kế web không phải là một kỹ năng được yêu cầu trong danh mục việc làm, nó sẽ trở thành một tài năng bổ trợ hữu ích mà không phải ứng viên nào cũng có. Hầu hết các ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn đều có những bằng cấp, trình độ cơ bản đáp ứng được công việc. Vậy nên, nêu ra các kỹ năng bổ sung là một chiến lược thông minh mà bạn có thể trình bày ở buổi phỏng vấn.

3. “Tôi nghĩ chúng ta đã đề cập đến những kinh nghiệm phong phú khiến tôi phù hợp với vị trí tuyển dụng như có 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm làm việc hành chính và kỹ năng giao tiếp. Và tôi muốn nói thêm rằng tôi cũng có kinh nghiệm điều phối các hoạt động sau giờ học cho các em thanh thiếu niên. Khi còn làm công việc trước đây, tôi đã dẫn dắt 2 chương trình sau giờ học: Tờ báo của trường với sự tham gia của 25 học sinh và tạp chí văn học với số lượng thành viên chủ chốt là 15 người. Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được trao cho cơ hội này. Tôi thực sự rất mong chờ và quyết tâm theo đuổi công việc này và sẽ dành mức năng lượng tối đa để thành công nếu được tuyển dụng.”

Lý do cách trả lời này lại hiệu quả: Vì nó gợi nhắc số năm kinh nghiệm của ứng viên, cung cấp thêm ví dụ về những kinh nghiệm hữu ích và có liên quan trong quá khứ, đồng thời nhấn mạnh sự nhiệt tình đối với vị trí việc làm cũng như nhà tuyển dụng.

4. “Chúng ta đã thảo luận về những kỹ năng, khả năng và kinh nghiệm giúp tôi trở thành một ứng viên phù hợp với vị trí như kinh nghiệm làm việc với khách hàng, kỹ năng giao tiếp bằng văn bản và giao tiếp miệng. Tôi cũng muốn nói thêm rằng hiện tôi đang phát triển một kỹ năng khác có thể giúp tôi cống hiến nhiều hơn cho công ty nếu được tuyển dụng. Tôi đã đăng ký khóa học lập trình máy tính và hiện đang học SQL và Java. Tôi vô cùng đam mê với cơ hội việc làm này và tin rằng các kỹ năng hiện có cũng như đang phát triển có thể giúp tôi trở thành một ứng viên vô cùng phù hợp với vị trí tuyển dụng.”

Lý do cách trả lời này lại hiệu quả: Đôi khi, các ứng viên có thể không có mọi kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu trong tin tuyển dụng. Đặc biệt là các kỹ năng kỹ thuật, luôn duy trì học tập và đào tạo sẽ là một bước đi sáng suốt. Điều này cũng cho nhà tuyển dụng thấy được khả năng chủ động độc lập của bạn để tiếp tục phát triển thêm các kỹ năng giúp cải thiện hiệu suất.

Tip đưa ra câu trả lời hay nhất

Chuẩn bị một “túi thần kỳ” chứa khoảng 10 “bảo bối” giúp bạn thể hiện xuất sắc trong công việc. Bước đầu tiên để chuẩn bị cho loại câu hỏi này là phải hiểu rõ những thông tin bạn cung cấp. Hãy xem lại tin tuyển dụng và lập danh sách các kỹ năng của bạn (cứng và mềm), thành tích, lĩnh vực kiến ​​thức, kinh nghiệm, phẩm chất có thể giúp bạn đáp ứng các tiêu chuẩn cho công việc mà bạn ứng tuyển. Trong danh sách của bạn, hãy cố gắng bao gồm các từ khóa xuất hiện trong tin tuyển dụng. Bộ phận nhân sự sẽ tập trung vào các kỹ năng hoặc từ khóa nhất định để thu hẹp phạm vi chọn lọc ứng viên.

“Túi thần kỳ” sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi về điểm mạnh trong suốt buổi phỏng vấn. Thêm vào đó, khi được hỏi “có điều gì bạn muốn chúng tôi biết thêm về bạn không?”, bạn sẽ sẵn sàng nêu ra bất kỳ phẩm chất nào mà bạn chưa đề cập trước đó.

Tip: Hãy sẵn sàng cung cấp những ví dụ từ lịch sử làm việc, tình nguyện hoặc học tập để chứng minh rằng bạn đã dùng những kỹ năng đó để tạo thêm nhiều giá trị cho các công ty bạn từng làm việc trong quá khứ.

Nghiên cứu về nhà tuyển dụng để tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp, các giá trị và tuyên bố sứ mệnh của công ty. Sau đó, trong “túi thần kỳ” của bạn, hãy đánh dấu “*” những điểm mạnh phù hợp trực tiếp nhất với văn hóa công ty và cố gắng đưa những điểm mạnh này vào câu trả lời của bạn.

Bạn không nên nói điều gì?

1. “Tôi không còn điều gì để nói thêm”.

Nếu bạn chọn không trả lời vì lo lắng hoặc khiêm tốn, người phỏng vấn có thể xem đây là một dấu hiệu cho thấy sau khi đã trao đổi, hiểu thêm về công việc và công ty trong buổi phỏng vấn, bạn không còn hứng thú với vị trí nữa. Thay vào đó, hãy trả lời một cách hợp lý để thể hiện sự háo hức của bạn nếu được tuyển dụng.

2. Nói về những gì bạn muốn có.

Đặc biệt nếu bạn đang ở vòng phỏng vấn đầu tiên, thì đây không phải là lúc nói về tiền lương, phúc lợi hoặc sắp xếp lịch trình linh hoạt. Bạn vẫn đang ở giai đoạn “rao bán” kỹ năng của mình. Vì vậy, bạn cần tập trung vào những gì bạn có thể mang đến cho nhà tuyển dụng.

3. Chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân.

Đừng đề cập đến chính trị, tôn giáo hoặc sở thích cá nhân, bởi những điều đó có thể dự đoán được bạn sẽ xin nghỉ nhiều. Bạn sẽ không muốn để nhà tuyển dụng có lý do không tuyển dụng bạn vì họ bất đồng với quan điểm hay lối sống của bạn.

Bài học rút ra

1. Thể hiện kỹ năng của bạn:

Sử dụng cơ hội này để thể hiện các kỹ năng và kinh nghiệm độc đáo có thể khiến bạn nổi bật hơn các ứng viên khác.

2. Thể hiện sự nhiệt tình của bạn: 

Đưa ra câu trả lời cho thấy rằng bạn thậm chí còn hào hứng với khả năng làm việc cho nhà tuyển dụng hơn so với lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn.

3. Cảm ơn những người phỏng vấn:

Kết thúc buổi phỏng vấn bằng lời cảm ơn chân thành và sau đó tiếp tục (trong 24 giờ tới) bằng một email hoặc thư cảm ơn được viết một cách có chiến lược.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Cố vấn việc làm

Bạn cần được cố vấn việc làm và tìm việc, hãy click vào đây

Ngoài ra, để luôn được cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất, hãy tham gia vào nhóm 𝗭𝗮𝗹𝗼 của 𝗖𝗮𝗻𝗧𝗵𝗼𝗪𝗼𝗿𝗸.𝘃𝗻 cho từng lĩnh vực:

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan