Trình tự một cuộc phỏng vấn

Bạn cần biết về quy trình tuyển dụng

| tháng 3 01 2021

| bởiCTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
image

Phỏng vấn tuyển dụng không chỉ nhằm tìm hiểu thêm trình độ, kĩ năng của ứng viên mà còn là sự quan sát, tìm hiểu kĩ năng giao tiếp, tính cách của ứng viên đó. Do vậy việc nắm bắt rõ trình tự một cuộc phảng vấn tuyển dụng ứng viên là điều rất quan trọng đối với những người đang và sẽ tìm việc làm.

Nhìn chung một cuộc phỏng vấn tuyển dụng ứng viên gồm 3 phần và 7 bước sau:

Phần 1: Màn chào hỏi

Có thể coi như đây là phần khởi động. Trong những phút đầu tiên, nhà tuyển dụng có vẻ như không có “ý đồ” gì, nhưng thực ra họ đang ngầm quan sát bạn đấy. Cách chào hỏi, cái bắt tay chuyên nghiệp, cách ăn mặc, thậm chí cả hương thơm của bạn, sẽ tạo ra ấn tượng ban đầu.

Bước 1: Giới thiệu những người phỏng vấn và trình tự làm việc của buổi phỏng vấn.

Đối với những người được phỏng vấn thì việc chú ý những thông tin này là rất quan trọng. Nó bước đầu tạo cho bạn sự chủ động trong cuộc phảng vấn. Và có thể bạn sẽ có những nhận định chủ quan ban đầu về tính cách của những người phỏng vấn và cảm nhận được bầu không khí của buổi phỏng vấn.

Ngoài ra, nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi liên quan đến sở thích của bạn, về thời tiết ngày hôm đó thế nào, bạn đi bằng phương tiện gì, bạn nghĩ gì về quang cảnh của buổi phỏng vấn hôm nay,… Một số người luôn vào đề bằng câu hỏi: “Có thể nói cho tôi biết thêm về bản thân bạn không?”.

Những câu hỏi tưởng như vô thưởng vô phạt đấy, những cử chỉ, hành vi không lời của bạn thực chất lại rất có ý nghĩa đối với sự thành bại của buổi nói chuyện. Đây là lúc để bạn thể hiện trí thông minh, tài giao tiếp, khả năng phân tích câu hỏi của bạn đấy.

Bước 2: Người phỏng vấn giới thiệu về doanh nghiệp và giải thích về công việc.

Người được phỏng vấn cũng cần chú ý đến những thông tin này. Bởi những thông tin về doanh nghiệp và công việc thường là những câu hỏi hay gặp trong nội dung chính của cuộc phỏng vấn. Ví dụ: Anh/ chị biết được gì về công ty chúng tôi? Anh/ chị có biết nhiệm vụ chính của công việc này là gì không?

Phần 2: Trao đổi thông tin

Đây mới là lúc “vào trận” thật sự. Nhà tuyển dụng sẽ tận dụng triệt để thời gian để khai thác bạn. Họ sẽ lật bạn qua lại như đang lật một chú cá trên chảo lửa. Vì vậy, bạn cần hết sức bản lĩnh, cứng rắn, sẵn sàng với mọi thử thách.

Bước 3: Người phỏng vấn đặt các câu hỏi nhằm làm rõ thông tin trong hồ sơ ứng viên.

Đây là bước để các nhà tuyển dụng thẩm định lại độ chính xác các thông tin trong hồ sơ xin việc của bạn. Câu trả lời của bạn ăn khớp với những thông tin trong hồ sơ sẽ tạo được ấn tượng tốt ban đầu đối với nhà tuyển dụng.

Bước 4: Phần chính của cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn đặt các câu hỏi

Câu hỏi có thể là câu hỏi hành vi hoặc câu hỏi tình huống, nhằm đánh giá khả năng và sự phù hợp của ứng viên. Đây là lúc quan trọng nhất để bạn thể hiện mình. Bạn ứng xử một cách thông minh, nhạy bén, tự tin chắc chắn sẽ ghi điểm rất cao đốI vớI các nhà tuyển dụng. Bạn nên chú ý trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, tránh vòng vo.

Để vượt qua được các bước này của Phần 2 này, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường thì các câu hỏi đều quen thuộc, bạn có thể học trong các cuốn sách hướng dẫn xin việc làm. Đây cũng là lúc bạn thể hiện khả năng, chuyên môn, năng lực của mình. Đừng bỏ lỡ cơ hội “khoe” tài năng trước nhà tuyển dụng nhé.

Phần 3: Tổng kết

Sau khi đã thỏa mãn mọi điều muốn biết, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn: “Bạn có câu hỏi nào không?”. Nhớ là hãy chủ động đặt câu hỏi, càng liên quan đến chuyên môn và công ty càng tốt, điều đó chứng tỏ bạn quan tâm thật sự tới công việc này. Nếu bạn im lặng, rụt rè lắc đầu hoặc e lệ: “Dạ không ạ”, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn thiếu tự tin và không chủ động trong công việc.

Bước 5: Ứng viên đặt câu hỏi.

Viêc bạn đặt câu hỏi cũng phải thật khéo léo. Bạn cần chú ý thể hiện đươc sự quan tâm của bạn đến sự phát triển của công ty - nơi bạn xin việc.

Đây cũng có thể là cơ hội bàn về chuyện lương bổng. Tốt hơn hết là đợi nhà tuyển dụng tự mở lời. Nếu bạn muốn là người chủ động thì cũng nên học cách nói thật tế nhị, lịch sự, đừng tỏ ra là người quá đam mê tiền bạc.

Bước 6: Kết thúc phỏng vấn

Kết thúc phỏng vấn, người phỏng vấn tóm lại các thông tin và thông báo với ứng viên về bước tiếp theo.

Bạn cũng nên lợi dụng thời gian ở những bước cuối này để nói lời cảm ơn với người phỏng vấn bạn. Đừng để đến lúc ra đến cửa rồi mới vội vàng quay lại: “À quên, tôi rất muốn nói lời cảm ơn…” - thật bất lịch sự!

Bước 7: Người phỏng vấn dẫn ứng viên đi thăm doanh nghiệp (nếu thích hợp).

Thông thường thường rất ít xảy ra ở Việt Nam. Chỉ khi bạn đươc hội đồng tuyển dụng quyết định tuyển chọn thì khi đó việc dẫn ứng viên đi thăm doanh nghiệp sẽ là giai đoạn hướng dẫn ứng viên hội nhập trong quá trình tuyển dụng.

Nguồn bài viết
Bài viết cùng chủ đề
Bài viết liên quan