14 lời khuyên của các nhà sử dụng lao động hàng đầu giúp thiết lập một môi trường làm việc lý tưởng

Kỹ năng lãnh đạo, quản lý

| 03 tháng 4 2021

| bởi CTW.vn

image

Việc đạt giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất” có thể giúp bạn thu hút những nhân tài mới và củng cố niềm tự hào về công ty cho những nhân viên hiện tại.
Vậy làm thế nào để biến công ty của bạn trở thành một nơi làm việc lý tưởng nhất?

Đạt giải thưởng này không phải là tất cả. Vì vậy, các công ty nên bắt đầu bằng việc ứng dụng thực tế. Điều chúng ta đang thực sự nỗ lực khám phá là làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc mà mọi người muốn trở thành một phần của nó. Vậy bí quyết để xây dựng một môi trường làm việc hấp dẫn là gì? Có giải pháp nào tạo điều kiện cho các tiềm năng của nhân viên phát triển không?

Để trả lời những câu hỏi đó, chúng tôi đã phỏng vấn 14 doanh nghiệp đoạt giải “Nơi làm việc lý tưởng nhất” và các chủ doanh nghiệp nhỏ, lẻ về những giải pháp thực tế đã giúp họ trở thành nhà sử dụng lao động tốt nhất.
Và đây là những gì họ chia sẻ.

1. Bắt đầu bằng một tầm nhìn rõ ràng về mục đích kinh doanh

Mọi thứ sẽ bắt đầu bằng việc có một tầm nhìn rõ ràng về mục đích của doanh nghiệp, về những gì mọi người trong đội ngũ của bạn cùng nhau hoàn thành và cách bạn đạt được mục đích đó. Hãy tuyển những người hăng hái, năng nổ để cùng nhau hoàn thành mục tiêu đó. Triển khai nhiều chương trình (chế độ lương thưởng, giải thưởng và phát triển/đào tạo liên tục) để kích thích từng thành viên trong đội ngũ làm việc một cách đầy ý nghĩa. Cuối cùng, đó là việc làm cho mọi người cảm thấy họ thuộc về công ty, tổ chức và được công nhận mỗi ngày, theo những cách lớn, nhỏ khác nhau. Hãy nói lời cảm ơn, dành thời gian để hỏi thăm về gia đình của nhân viên. Việc ăn mừng thắng lợi của một nhân viên khi lần đầu tiên chốt được hợp đồng 10 nghìn đô cũng quan trọng không kém gì so với việc thăng chức cho họ.

Theo Nicole Spracale, Coaching and Consulting.

2. Lắng nghe và hành động

Nơi làm việc lý tưởng nhất thực sự bắt đầu bằng việc lắng nghe nhân viên. Nếu bạn nghe thấy nhân viên của mình cứ lặp đi lặp lại những lời phàn nàn giống nhau, thì đó chính là lúc bạn cần phải hành động! Nếu bạn nghe tin mẹ của một nhân viên vừa bị đau tim, hãy để họ nghỉ phép một tuần. Nếu một nhân viên vừa kỷ niệm 5 năm làm việc tại công ty, hãy viết một lá thư cảm ơn vì tất cả những gì họ đã cống hiến. Hãy lắng nghe nhu cầu của nhân viên để có những hành động thiết thực một cách kịp thời.

Theo Chris Dunkin, Portable Air

3. Lắng nghe và thấu hiểu

Những người lãnh đạo cần phải lắng nghe và thấu hiểu toàn thể đội ngũ nhân viên. Đồng thời, các đội, nhóm cũng cần lắng nghe lẫn nhau. Để lắng nghe và thấu hiểu một cách có ý nghĩa, mỗi thành viên trong đội, nhóm phải có những dự định tích cực. Việc các nhà lãnh đạo cần làm là tạo không gian cho các sai lầm ít khi phạm phải. Không gian này phải dựa trên sự sáng tạo và thấu đáo. Quyền tự do phê bình một cách cởi mở và mang tính xây dựng bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc sẽ thách thức những chuẩn mực đang cản trở sự tiến bộ. Những nơi làm việc lý tưởng nhất sẽ bao gồm các thông tin được cập nhật thường xuyên giúp hỗ trợ đội, nhóm tìm ra những phương pháp tối ưu hơn để làm việc một cách chất lượng. Việc yêu cầu phản hồi đồng ý "có, và .." là một kỹ thuật đơn giản mà người làm lãnh đạo có thể lấy làm gương. Kỹ thuật này cũng công nhận những điều đã góp phần mở ra cánh cửa cho những triển vọng sắp tới. Những nơi làm việc tốt nhất sẽ bao hàm và phải dựa trên sự đa dạng về tư tưởng, tính thực tế và sự đại diện, cuối cùng phải dẫn đến sự đổi mới và tăng trưởng.

Theo Nadine Mullings, Công ty phục hồi Bedford Stuyvesant 

4. Văn hóa về quyền sở hữu

Phát triển văn hóa về quyền sở hữu là đặc điểm then chốt dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp. Hãy làm việc với các nhà lãnh đạo - những người tạo điều kiện cho quyền tự do ngôn luận và cho phép tất cả mọi người đóng góp những điều tốt nhất cho công ty. Khi ý kiến đóng góp của một nhân viên được xem trọng, nó sẽ khởi động quá trình làm việc nhóm cũng như tư duy sở hữu để giúp định hình công ty, tổ chức. Những công ty thành công nhất mà tôi từng làm việc là những công ty luôn xem trọng văn hóa cộng tác.

Theo Candace Cotton, HALO Branded Solutions

5. Phần mềm khảo sát nhân viên ẩn danh

Thường xuyên và liên tục tìm hiểu những phản hồi ẩn danh từ nhân viên. Nhiều giải thưởng “Nơi làm việc lý tưởng nhất” được trao dựa trên các cuộc khảo sát nhân viên. Bằng cách khảo sát nhân viên, công ty sẽ nhận thức được những khuyết điểm hiện có trong tổ chức mà họ cần khắc phục. Mặt khác, việc áp dụng hình thức khảo sát này cũng sẽ giúp công ty có những hành động thiết thực để quan tâm đội ngũ nhân viên. Do đó, khi gửi khảo sát về giải thưởng “Nơi làm việc lý tưởng nhất” đến một nhân viên, họ cũng sẽ không ngần ngại để nói những điều tích cực về công ty. Hãy trải nghiệm ngay phần mềm này, sau đó chú ý giải quyết những phản hồi của nhân viên.

Theo Brett Farmiloe, Markitors

6. Chứng minh sự tin cậy và tính minh bạch

Công ty của chúng tôi luôn minh bạch về các kế hoạch của công ty, luôn mong muốn giúp các đội, nhóm đạt thành công trong công việc và tạo niềm tin giữa tất cả các thành viên trong nhóm với nhau. Chính điều này đã giúp chúng tôi đạt được giải thưởng “Nơi làm việc lý tưởng nhất” 4 năm liên tiếp. Những thành tích trên đã làm cho các thành viên trong đội ngũ cảm thấy được khích lệ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chứng minh rằng công ty tin tưởng nhân viên bằng cách tạo điều kiện cho họ làm việc ở bất kỳ đâu, bất kỳ khung giờ nào, miễn là công việc được hoàn thành đúng giờ và đảm bảo chất lượng.

Theo Abhijeet Narvekar, FerVID Group

7. Đầu tư vào nhân viên

Để trở thành nơi làm việc tốt nhất, trước tiên một công ty phải tuyển dụng những người có năng lực nhất, sau đó đào tạo và đầu tư vào họ. Đầu tư cho đội ngũ nhân viên bắt đầu bằng việc đào tạo giai đoạn đầu và sau đó tiếp tục đào tạo xuyên suốt sự nghiệp của họ. Hãy cung cấp cho nhân viên một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong khi giao cho họ những mục tiêu và kỳ vọng cao hơn nhưng vẫn mang tính khả thi. Nếu đầu tư đúng đắn và thành công, bạn sẽ sở hữu một đội ngũ nhân viên hạnh phúc và gắn bó - những người vẫn có thể thực hiện tốt công việc mà không cần phải giám sát quá nhiều.

Theo Ron Kubitz, công ty Forms+Surfaces

8. Tuyển dụng và giữ chân những nhân viên xuất sắc hạng “A”

Các đồng nghiệp của bạn có cảm thấy rằng những ý kiến ​​và ý tưởng của họ được công nhận là có giá trị cũng như được hiệu đính không? Họ có cảm thấy an toàn khi nói lên quan điểm không? Tôi đã bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một kiểm toán viên (CPA). Kiểu môi trường làm việc này không những không động viên hay thúc đẩy mà còn làm tôi cảm thấy không được xem trọng. Trước mắt, tôi biết cái giá đắt của cảm giác không thuộc về tổ chức và không được mọi người phản hồi một cách tích cực, hoặc thậm chí là những phản hồi chỉ mang tính trung lập. Cái giá ấy có thể là sự mất tinh thần. Một bài học từ đại dịch là tất cả chúng ta phải có 100% đội ngũ gồm các nhân viên xuất sắc hạng “A”. Nếu bạn muốn giữ chân họ, bạn phải tạo ra một kiểu môi trường mà họ thấy an toàn để tiến lên và nói lên quan điểm. Điều này chính là điều kiện cho sự đổi mới - chính điều này lại là động lực thúc đẩy sự phát triển của công ty.

Theo Katharine Halpin, The Halpin Companies Inc.

9. Đầu tư vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Để trở thành nơi làm việc lý tưởng nhất, doanh nghiệp của bạn phải là một môi trường mà mọi người muốn làm việc, cần phải quyết sống chết, hết lòng vì các giá trị cốt lõi của công ty. Điều này cũng chứng tỏ rằng bạn đang theo đuổi một giá trị khác chứ không phải chỉ là lợi nhuận. Các nhân viên nên thực sự đầu tư vào những giá trị đó và nhận thức được bản thân đang hành động vì nhiều điều hơn chứ không đơn thuần chỉ là làm việc. Họ đang đóng góp công sức cho một mục tiêu xa hơn. Văn hóa công ty vững chắc sẽ thúc đẩy các nhân viên gắn bó lâu dài hơn và là nền tảng để các công ty có thể cân nhắc, xem xét trải nghiệm của nhân viên một cách tổng thể. Trở thành nơi làm việc lý tưởng nhất nghĩa là tạo ra một môi trường làm việc mà nhân viên cảm thấy được kết nối với doanh nghiệp và muốn đến làm việc tại đó mỗi ngày.

Theo Eric Mochnacz, Red Clover

10. Tránh quản lý vi mô

Cho phép đội ngũ nhân viên làm việc từ xa và theo lịch của họ. Công ty chúng tôi có hơn 80 nhân viên và họ ở nhiều múi giờ khác nhau. Chúng tôi có những nhiệm vụ và công việc cần phải hoàn thành trong các khung thời gian cụ thể. Nhưng ngoài ra, công ty không cần theo dõi hay giám sát thời gian cụ thể mà các nhân viên bắt đầu hay kết thúc công việc. Điều này cho phép các thành viên trong đội ngũ của chúng tôi làm việc vào những khoảng thời gian họ thấy hiệu quả và tràn đầy năng lượng nhất, ngay cả khi đó là nửa đêm hay là vào Chủ nhật (nếu họ thực sự muốn). Mặt khác, điều này cũng cho phép họ dành thời gian cho các mục tiêu cá nhân cũng như cho gia đình. Đây là một thực tế đang diễn ra tại nơi làm việc của chúng tôi và tôi thấy rằng nó đang vận hành rất hiệu quả.

Theo Syed Balkhi, WPBeginner

11. Có chiến lược độc nhất để lắng nghe phản ánh của nhân viên

Mọi thứ bắt đầu bằng việc lắng nghe đội ngũ nhân viên của bạn và chân thành hỏi ý kiến ​​của họ về cách làm công ty của bạn trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn. Và sau đó hãy nỗ lực hết sức để hành động vì những điều đó, chứ không phải chỉ là những lời nói suông. Các hình thức công nhận giá trị của nhân viên (thường là với mục đích tích cực) phải được thực hiện thường xuyên, dù là đưa ra một chế độ lương thưởng đáng mơ ước hay đang cố gắng noi gương một "nơi làm việc lý tưởng nhất" nào khác. Nhưng với mỗi công ty, yếu tố “văn hóa” và “con người” của công ty đều là độc nhất. Do đó, các chiến lược mà công ty sử dụng để cải thiện đội ngũ nhân viên cũng nên là độc nhất.

Theo Christina Zurek, ITA Group

12. Thực hiện Mô hình tự quản (Holacracy) thay vì Mô hình quản lý phân cấp (Hierarchy)

Theo kinh nghiệm của tôi, văn hóa tin tưởng và giao tiếp, truyền thông trung thực là các giá trị cơ bản góp phần xây dựng một công ty vững mạnh, nơi mọi người thích trở thành một phần của nó. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải cung cấp cho các đồng đội khả năng đóng góp vào quy trình làm việc cũng như văn hóa công ty. Tại công ty datarockets, chúng tôi đạt được điều này bằng cách chuyển sang Mô hình tự quản. Do đó, thay vì một hệ thống phân cấp quản lý cổ điển, giờ đây việc ra quyết định và tự tổ chức được phân bổ cho tất cả các nhân viên. Vì vậy, mọi nhân viên đều cảm thấy mình được xem trọng và có trách nhiệm đối với văn hóa cũng như sự phát triển của công ty. Để biến công ty thành nơi làm việc tốt nhất, bạn nên quan tâm đến đội ngũ nhân viên của bạn: Bỏ công việc ngoài giờ, chấp nhận sự thật rằng những ngày tồi tệ và không hiệu quả luôn có thể xảy ra, tổ chức các buổi nói chuyện riêng để cung cấp phản hồi và cho nhân viên quyền tự do đưa ra quyết định.

Theo Yulia Garanok, datarockets

13. Tạo ra một con đường rõ ràng để phát triển sự nghiệp

Các nhân viên sẽ luôn muốn trở thành một phần của một tổ chức nơi thiết kế ra một con đường phát triển công bằng, rõ ràng cho người lao động. Abraham Maslow mô tả khao khát này trong “tháp nhu cầu” của ông là "nhu cầu thể hiện bản thân". Một công ty hoạt động theo hướng giúp nhân viên thỏa mãn nhu cầu này chắc chắn sẽ thu hút được lực lượng lao động. Chủ doanh nghiệp và Giám đốc nhân sự nên thiết kế một lộ trình rõ ràng để phát triển sự nghiệp thông qua việc tổ chức các hội thảo đào tạo, khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học nâng cao và mở các chương trình cố vấn cho nhân viên.

Theo Chioma Iwunze, Time Doctor

14. Tôn trọng

Khi chúng ta vinh danh và tôn trọng những khác biệt mà nhân viên mang đến nơi làm việc và nhìn nhận những khác biệt này là thế mạnh, chúng ta sẽ tạo dựng được sự hòa nhập và văn hóa về quyền sở hữu. “Nơi làm việc tốt nhất” coi sai lầm là cơ hội học tập và thừa nhận trách nhiệm xã hội đối với việc trang bị các kỹ năng cần thiết cho nhân viên để có thể làm việc suốt đời.

Theo Sonja Talley, AZ SHRM

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan