Cách thu hút ứng viên Gen Z gia nhập tổ chức của bạn

Kỹ năng lãnh đạo, quản lý

| 02 tháng 4 2021

| bởi CTW.vn

image

Thế hệ Z (Gen Z) là thế hệ mới nhất tham gia lực lượng lao động.

Với độ tuổi từ 9-24 tuổi (sinh từ năm 1997 đến 2012), Gen Z được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn thế hệ Boomer trong lực lượng lao động toàn cầu (24% so với 6%).

Theo đó, làm thế nào nhà tuyển dụng có thể thu hút các ứng viên Gen Z đến làm việc cho tổ chức của họ?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tham khảo các chuyên gia nhân sự và những nhà tuyển dụng có lực lượng lao động thuộc Gen Z về các bí quyết hay nhất của họ để thu hút nhân tài.

Dưới đây là 10 bí quyết để thu hút các ứng viên Gen Z đến với tổ chức của bạn.

1. Đầu tư vào văn hóa của công ty

Các ứng viên Gen Z không chỉ muốn tìm một công việc có mức lương và phúc lợi cao. Các ứng viên thuộc thế hệ này cực kì quan tâm đến văn hóa của một doanh nghiệp và mong muốn tìm kiếm ở đó những giá trị sâu sắc mà họ có thể tiếp cận được. Để thu hút họ đến với công ty của bạn, bạn cần phải có một thương hiệu lớn và đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Bạn có thể làm điều này bằng cách lập ra các ERG (Employee Resource Group - Nhóm những nhân viên có chung đặc điểm), tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân viên thường xuyên và áp dụng thêm những chiến thuật khác.

Theo Jeanne Kolpek, Giám đốc Tiếp thị tại Cadence Education

2. Quy trình ứng dụng công nghệ hiệu quả

Với tư cách là một nhà tuyển dụng, tôi hiểu việc thu hút ứng viên mới khó khăn ra sao bất kể họ đang ở độ tuổi nào, có vô vàn lý do khác nhau có thể khiến nguồn nhân lực của bạn trở nên cạn kiệt hoặc thậm chí là biến mất. Với việc Gen Z là thế hệ tiếp theo tham gia vào lực lượng lao động, các vị trí đòi hỏi sự am hiểu công nghệ đang vô cùng được săn đón và hiện nay, tiếp thị trên các mạng xã hội là điều bắt buộc. Các ứng viên Gen Z không tìm kiếm việc làm trên báo chí hoặc tạp chí quảng cáo. Họ chọn ứng tuyển vào các vị trí thu hút sự chú ý của họ thông qua chiến dịch mạnh mẽ trên ứng dụng đã quen thuộc với họ.

Sử dụng các mạng xã hội LinkedIn, Instagram, Facebook và TikTok để đưa ra những phúc lợi khi làm việc tại tổ chức của bạn là các cách thu hút không chỉ các ứng viên Gen Z mà còn chia sẻ và giới thiệu công việc đến bạn bè của họ một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc nâng cấp quy trình ứng tuyển của bạn thành một quy trình trực tuyến nhanh chóng, thân thiện với người dùng có thể hoàn thành trên điện thoại cũng sẽ giúp bạn có thêm nhiều ứng viên Gen Z hơn. Hẳn là bạn không muốn các ứng viên phải chờ đợi để ứng tuyển hoặc hoàn toàn không thể nộp được hồ sơ vì trang web của công ty quá chậm, quy trình ứng tuyển quá tốn thời gian hoặc vì nó không tương thích với thiết bị di động đâu.

Theo Kiana Jones, Chuyên viên tuyển dụng và thu hút nhân tài tại Amazon

3. Giới thiệu nội bộ

Các chiến lược giới thiệu nội bộ (nhờ nhân viên giới thiệu các ứng viên mới) có xu hướng trở thành cách tốt nhất để tìm các ứng viên chất lượng, đặc biệt là những ứng viên thuộc Thế hệ Z. Chúng tôi may mắn có một đội ngũ trẻ tuổi và rất tài năng, vì vậy chúng tôi khuyến khích nhân viên giới thiệu bạn bè và mời họ làm việc với chúng tôi. Chúng tôi tránh việc yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm trong bản mô tả công việc và đánh giá mọi ứng viên dựa trên tính cách và tiềm năng, chứ không dựa vào tuổi tác hoặc thâm niên của họ.

Theo Zack McCarty, Giám đốc phát triển tại Qwick

4. Bắt đầu đúng ngay từ bản mô tả công việc

Khi nghĩ đến việc thu hút nhân tài Thế hệ Z, quan trọng là phải nhấn mạnh việc phát triển sự nghiệp và nâng cao chuyên môn, bắt đầu từ bản mô tả công việc! Hơn bao giờ hết, sự ổn định và tiềm năng phát triển sự nghiệp dường như là tiêu chí hàng đầu của các ứng viên Gen Z. Bao gồm các đề xuất phúc lợi như trợ cấp giáo dục, quỹ phát triển nghề nghiệp thậm chí thêm một đoạn mô tả ngắn về con đường thăng tiến điển hình cho vị trí cần tuyển trong mô tả công việc thực tế như đã quảng cáo có thể thuyết phục hoàn toàn các ứng viên tham gia lực lượng lao động trong những thời điểm chưa từng có này. Việc cung cấp loại thông tin này được liên kết với yếu tố văn hóa công ty đã đề cập trước đó, một văn hóa chú trọng việc học hỏi và phát triển nghề nghiệp lâu dài.

Theo Joanna Payton, Chuyên gia thu hút nhân tài tại Trung tâm Tài nguyên & Nghiên cứu Chứng tự kỷ Tây Nam (SARRC)

5. Năng lực cạnh tranh

Sinh năm 1996, tôi hầu như không bị coi là một millennial nữa và nằm ở giai đoạn chuyển giao tới Gen Z. Một đặc điểm chung mà tôi đồng thuận là nhu cầu cạnh tranh. Lớn lên cùng mạng xã hội, để so sánh và đối chiếu cuộc sống của tôi với những người khác thật dễ dàng. Điều này khiến tôi tập trung cao độ để vượt qua những người bạn cũng đang làm việc như mình nhằm hoàn thành “những cột mốc quan trọng trong đời” trước họ. Có thể đúng hoặc sai, đôi khi chúng ta coi thành công của người khác là thất bại của chính mình hoặc thất bại của họ là thành công của ta. Được làm việc cho một công ty coi trọng sự phát triển, giao cho những người trẻ tuổi các vị trí quản lý và tầm quan trọng của việc thăng tiến trong sự nghiệp chính là động lực cạnh tranh của tôi và rất nhiều người thuộc Gen Z khác.

Theo Kayla Centeno, Giám đốc Dịch vụ Khách hàng tại Markitors

6. Thúc đẩy sự phát triển trong văn hóa công ty

Là một nhà tuyển dụng, tôi nhìn vào vô số các cơ hội việc làm cả ngày. Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi nghĩ rằng các công ty mắc phải trong việc thu hút nhân viên trẻ là cung cấp những ưu đãi cơ sở vật chất hoặc những đặc quyền bên ngoài thay vì nói về chính công việc. Điều tốt nhất mà một tổ chức có thể làm để tạo sự khác biệt chính là thúc đẩy văn hóa công ty giúp tạo điều kiện cho sự phát triển và ủng hộ cho việc cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống. Các ứng viên trẻ hơn đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Suy cho cùng, họ muốn đến một nơi nào đó mà họ có thể phát triển tiềm năng của mình mà không bị vắt kiệt sức. Mặc dù những đặc quyền hào nhoáng có thể thu hút nhiều đơn ứng tuyển hơn, nhưng nó sẽ không khuyến khích sự gắn bó làm việc lâu dài mà hầu hết các tổ chức mong muốn ở nhân viên của họ.

Theo Jacquelyn Anderson, Nhà tuyển dụng tại Aerotek

7. Cung cấp nhận thức đúng đắn về mục đích của công ty

Thế hệ Z cố gắng tìm kiếm mục đích trong công việc họ làm. Họ muốn cảm thấy có ích và công việc của họ đang làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nhiệm vụ của chúng tôi tại Trung tâm Nhận nuôi trẻ mồ côi Texas là trao quyền cho những người mẹ đẻ đã dũng cảm bắt đầu hành trình trao con nuôi, đồng thời hỗ trợ các gia đình nhận con nuôi. Chúng tôi thấy thế giới trở nên tươi sáng hơn mỗi ngày khi chứng kiến từng gia đình hoàn tất quá trình nhận con nuôi của họ. Chúng tôi vui mừng chào đón những người thuộc Thế hệ Z muốn có một công việc có ý nghĩa và mục đích cao cả.

Theo Kenna Hamm, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Nhận nuôi trẻ mồ côi Texas

8. Tính minh bạch và cam kết ngoài nơi làm việc

Mặc dù cá nhân tôi yêu thích không gian làm việc mở và cà phê lạnh được chuẩn bị sẵn của Carvana, nhưng tôi biết những đặc quyền đó là một phần nhỏ trong câu đố Gen Z (tôi tự cho mình thuộc gen Z)! Thật dễ dàng để đi đến những kết luận ngạo mạn về những gì Gen Z đang tìm kiếm ở một nơi làm việc. Tựu chung lại, Gen Z thực dụng hơn một chút so với các thế hệ trước. Trong quá trình tuyển dụng, tôi chú trọng vào nét văn hóa minh bạch và những cam kết mà Carvana đã nỗ lực xây dựng và duy trì. Chúng tôi khiến đội ngũ nhân viên hiểu rằng họ được lắng nghe, thấu hiểu và đánh giá cao bằng cách truyền đạt rõ ràng tầm nhìn của chúng tôi về tương lai và những hành động thực tế trong các cộng đồng mà họ quan tâm sâu sắc. Thế hệ Z khao khát khiến thế giới thay đổi tốt đẹp hơn và nếu tôi muốn đưa ra một lời khuyên cho các công ty, đó là hãy thành thật, minh bạch và kết nối với thế giới bên ngoài cửa văn phòng.

Theo Jenna Fitzgerald, Nhà tuyển dụng cấp thấp tại Carvana

9. Phản hồi nhanh và hiện diện trực tuyến tích cực

Tôi nằm ở ngưỡng cửa của Thế hệ Z. Tôi thấy rằng các công ty có tài khoản hoạt động Instagram và Facebook, cùng với các trang web dễ truy cập và lời kêu gọi hành động trên giao diện kỹ thuật số rất hấp dẫn đối với Thế hệ Z. Nếu công ty của bạn có tiếp thị/ quảng cáo/ tài nguyên bán hàng kỹ thuật số, hãy sử dụng chúng! Ngoài ra, gần đây tôi đã liên hệ với bốn công ty khác nhau vì muốn thiết lập hệ thống âm thanh đa chiều vào trong video của bản thân. Nhưng không ai trả lời yêu cầu trực tuyến, email hoặc tin nhắn Facebook của tôi. Tôi nghĩ giống như tất cả các thế hệ khác, Gen Z cũng muốn nhanh chóng nhận được phản hồi và các tùy chọn hoàn tất gần như ngay lập tức. Tôi thà để bốn nhà bán lẻ nói với tôi rằng họ không thể cài đặt âm thanh đa chiều mà tôi yêu cầu, còn hơn là không nhận được bất cứ phản hồi nào cho các yêu cầu dịch vụ của mình.

Theo Annika Ehrig, Nhà lãnh đạo Tư tưởng Thông điệp tại Whiteboard Geeks

10. Xây dựng văn hóa công ty năng động và sáng tạo

Để thu hút các ứng viên Thế hệ Z, điều quan trọng là phải cung cấp được một văn hóa công ty vừa năng động vừa đổi mới. Những người trẻ trong lực lượng lao động ngày càng tập trung vào tương lai. Nói cách khác, họ có thể không nhìn vào vị trí đầu vào mà tập trung vào vai trò họ hy vọng sẽ có được khi tích lũy được thêm một chút kinh nghiệm và các khóa đào tạo. Luôn giải thích rằng công ty ưu tiên việc đề bạt trong nội bộ và tiềm năng phát triển cũng như trở thành một phần sáng tạo của nhóm là vô hạn.
Quá nhiều ứng viên Thế hệ Z đã chứng kiến cha mẹ của họ bị mắc kẹt trong những công việc mà họ coi thường và thề rằng họ sẽ làm tốt hơn. Và trong môi trường kinh doanh ngày nay, rất nhiều động lực và công ty phù hợp có thể giúp họ đảm bảo điều đó.

Theo Travis Killian, Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập của Everlasting Comfort

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan