Giá trị cốt lõi chính là những gì bạn tin tưởng

Kỹ năng lãnh đạo, quản lý

| 25 tháng 3 2021

| bởi CTW.vn

image

Các giá trị cốt lõi là những đặc điểm, phẩm chất không chỉ đáng giá mà còn đại diện cho những ưu tiên cao nhất của một cá nhân hay tổ chức, là niềm tin sâu sắc và động lực cốt lõi, cơ bản của cá nhân hay tổ chức đó. Đó cũng là lý do tồn tại của tổ chức và đội ngũ lao động.

Bản chất của giá trị cốt lõi là để định hình tầm nhìn mà công ty, tổ chức của bạn muốn thể hiện với thế giới bên ngoài. Giá trị cốt lõi cũng là nền tảng để thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng cũng như có đóng góp nhiều nhất cho công ty.

Giá trị cốt lõi xác định những gì công ty bạn tin tưởng và cách bạn muốn công ty tạo được tiếng vang cũng như trở nên thu hút và hấp dẫn với người lao động và cả thế giới bên ngoài. Các giá trị cốt lõi nên được thẩm thấu vào hệ thống niềm tin cũng như hành động của đội ngũ nhân viên để khách hàng và nhà cung cấp có thể thấy được các giá trị trên thực tế.

Ví dụ, “trái tim” và giá trị cốt lõi của các công ty vừa và nhỏ thành công được thể hiện rõ ràng trong cách họ phục vụ khách hàng. Khi khách hàng phản hồi lại với công ty rằng họ thấy được quan tâm và quý mến, đó là lúc bạn biết rằng nhân viên của bạn đang sống và làm việc theo đúng giá trị cốt lõi của công ty: Phục vụ và chăm sóc khách hàng một cách đặc biệt.

Giá trị cốt lõi còn được hiểu là nền tảng của định hướng bởi vì chúng tạo nên cốt lõi vững chắc về việc bạn là ai, bạn tin tưởng điều gì, và bạn muốn hướng tới điều gì trong tương lai.

Giá trị cốt lõi sẽ tạo nên nền tảng cho tổ chức

Các giá trị sẽ tạo nền tảng cho mọi việc đang diễn ra ở nơi làm việc của bạn. Các giá trị cốt lõi của nhân viên tại nơi làm việc cùng với kinh nghiệm, nền tảng của họ, v.v., sẽ hòa quyện cùng nhau để hình thành nên văn hóa công ty.

Các giá trị cốt lõi của người sáng lập ra công ty, tổ chức cũng sẽ thấm nhuần vào môi trường làm việc. Chúng là những tác nhân mạnh mẽ cho văn hóa của tổ chức.

Các giá trị cốt lõi của các lãnh đạo cấp cao cũng rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa công ty. Lý do là vì họ có nhiều quyền lực để thiết lập phương hướng và xác định các hành động hàng ngày trong công ty. Ban lãnh đạo và các cấp quản lý  - những người sẽ báo cáo công việc cho họ - sẽ xây dựng chất lượng môi trường làm việc cho tất cả mọi người.

Môi trường làm việc này sẽ phản ánh các giá trị cốt lõi của tất cả nhân viên, nhưng các giá trị cốt lõi “nói thì dễ nhưng làm thì khó”. Hơn hết, Ban lãnh đạo và các cấp quản lý cũng thường sẽ  lựa chọn những nhân viên mà họ tin rằng có các giá trị cốt lõi nhất quán cũng như phù hợp với văn hóa của nơi làm việc.

Cách xác định giá trị cốt lõi của bạn

Mục tiêu khi xác định các giá trị cốt lõi của công ty là xác định các giá trị cốt lõi quan trọng, chứ không phải một danh sách các giá trị rập khuôn mà bạn đã sao chép từ danh sách các giá trị cốt lõi của các công ty khác. Nhân viên của một công ty sẽ gặp khó khăn nếu sống và làm việc với nhiều hơn 10-12 giá trị cốt lõi (đây là mức tối đa). 4-6 giá trị là tốt nhất và dễ dàng nhất để sử dụng như ngọn hải đăng soi sáng con đường phía trước và trở thành trung tâm cho mọi việc bạn làm.

Có thể diễn giải các giá trị cốt lõi  thành các “tuyên bố giá trị”. “Tuyên bố giá trị” dựa trên các giá trị cốt lõi và định nghĩa cách mọi người muốn cư xử với nhau trong một tổ chức. Chúng là những tuyên bố về cách công ty sẽ đánh giá khách hàng, nhà cung cấp cũng như nội bộ.

Phát triển “tuyên bố giá trị” từ giá trị cốt lõi của bạn

“Tuyên bố giá trị” mô tả những hành động là biểu hiện sống động của các giá trị cốt lõi cơ bản mà hầu hết các cá nhân trong một tổ chức nắm giữ. Ví dụ, một nhóm nhân viên điều dưỡng xác định “dịch vụ chăm sóc” là một trong những giá trị cốt lõi của họ. Họ có thể viết  “tuyên bố giá trị” của mình như sau: "Chúng tôi sẽ trả lời tất cả các cuộc gọi của khách hàng trong vòng một phút" hay "Sẽ không có bệnh nhân nào hết thuốc từ đường truyền nhỏ giọt".

Các giá trị đóng vai trò xác định động lực và tinh thần của nhân viên. Một công ty đã xác định và kiểm chứng được các giá trị mà nhân viên muốn theo đuổi chính là  “một nơi làm việc có tiềm năng tạo động lực”. Khi thực sự được tích hợp vào văn hóa công ty, các giá trị như sự chính trực, trao quyền hành, kiên trì, bình đẳng, kỷ luật tự giác và trách nhiệm giải trình sẽ là những động lực vô cùng mạnh mẽ.

Chúng trở thành chiếc la bàn mà một tổ chức sử dụng để lựa chọn nhân viên, khen thưởng và công nhận hiệu suất của nhân viên, thăng chức nhân viên lên các vai trò cấp cao hơn cũng như định hướng sự tương tác xã hội giữa các nhân viên.

5 ví dụ về tác động đến thế giới thực của các giá trị cốt lõi

Ví dụ, nếu bạn làm việc trong một tổ chức coi trọng việc “trao quyền”, bạn sẽ không ngại chấp nhận rủi ro một cách có suy nghĩ. Bạn sẽ có khả năng xác định và giải quyết các vấn đề. Bạn cũng sẽ thoải mái đưa ra quyết định mà không cần người giám sát trông chừng bạn.

Những nhân viên có thể phát triển tốt trong môi trường được trao quyền này sẽ làm việc hiệu quả. Nếu bạn thích chờ ai đó nói cho bạn biết cần phải làm gì, bạn sẽ thất bại khi “trao quyền” là kỳ vọng và giá trị của công ty bạn đang làm việc.

Một ví dụ thứ 2, nếu bạn làm việc trong một tổ chức coi trọng “tính minh bạch”, bạn hoàn toàn có thể kỳ vọng được biết những gì đang xảy ra trong công ty. Bạn sẽ biết và hiểu các mục tiêu, phương hướng, quyết định, báo cáo tài chính, thành công lẫn thất bại. Bạn sẽ nghe về những câu chuyện thành công của khách hàng cũng như những đóng góp của nhân viên.

Những nhân viên không muốn biết tất cả thông tin bên trên có thể không phù hợp với văn hóa công ty hoặc không đáp ứng kỳ vọng về việc  tận dụng các thông tin có được.

Trong ví dụ thứ 3, nếu “tính liêm chính” được coi trọng trong tổ chức của bạn, những nhân viên tin tưởng vào sự trung thực, cởi mở và trung thực sẽ phát triển mạnh trong khi những người khác mong muốn sự cạnh tranh, thích che giấu sai lầm và nói dối sẽ không thể phát triển.

Trên thực tế, các nhân viên có thể nhận ra rằng họ không phù hợp với văn hóa công ty. Họ có thể thấy không được trọng dụng bởi họ không tương thích với một giá trị quan trọng của công ty.

Trong ví dụ thứ 4, nếu tổ chức của bạn đánh giá cao “tinh thần đồng đội”, họ sẽ yêu cầu nhân viên làm việc theo nhóm, phát triển sản phẩm theo nhóm và coi các bộ phận phòng ban là các đội nhóm. Ngoài ra, bởi vì coi trọng các mối quan hệ và cách tiếp cận gắn kết để làm việc cùng nhau với nhân viên, công ty sẽ tài trợ cho các hoạt động và sự kiện của nhân viên tổ chức cho nhân viên và gia đình của họ.

Cách tiếp cận này thúc đẩy các mối quan hệ giữa các nhân viên trở nên gần gũi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn là một người hướng nội và muốn làm việc độc lập trong phòng riêng, bạn có thể không phù hợp với môi trường làm việc này.

Ví dụ cuối cùng, một nơi có văn hóa làm việc coi trọng “trách nhiệm và giải trình” sẽ phải tuyển dụng những nhân viên sẵn sàng chịu trách nhiệm về đầu ra và kết quả của họ. Công ty, tổ chức này không cần những người chỉ thích biện hộ, chỉ trỏ và không chịu trách nhiệm với nhau. Công ty như vậy cần những người sẵn sàng nói chuyện thẳng thắn với đồng nghiệp để giải quyết các vấn đề như quá thời hạn công việc, thiếu chuẩn bị cho các cuộc họp hoặc làm lan tỏa cảm xúc khổ sở và tiêu cực nơi công sở.

Một người chối bỏ trách nhiệm sẽ làm nản lòng những nhân viên sẵn sàng chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Không có gì làm tổn hại đến động lực của nhân viên hơn việc một số nhân viên không làm tốt công việc của mình và người quản lý thì không chịu giải quyết vấn đề đó.

Vì vậy, để động lực của nhân viên được duy trì và ngày càng tăng, người sử dụng lao động phải giải quyết những vấn đề của nhân viên từ thấp lên cao, bao gồm cả quyết định cho thôi việc. Ngoài ra, người sử dụng lao động cần phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp kỷ luật để tránh việc không làm việc hiệu quả ảnh hưởng đến tinh thần của những nhân viên có thực lực của công ty.

Nhược điểm của việc xác định các giá trị

Nhược điểm của việc xác định các giá trị xảy ra khi các nhà lãnh đạo cấp cao của công ty, tổ chức tuyên bố sẽ đi theo một số giá trị nhưng sau đó lại hành xử theo những cách mâu thuẫn với các giá trị đã tuyên bố. Ở những môi trường làm việc như thế này, các giá trị làm giảm động lực vì nhân viên không thể tin tưởng lãnh đạo của họ.

Hãy nhớ rằng nhân viên giống như những chiếc ra-đa theo dõi mọi thứ bạn làm, lắng nghe mọi thứ bạn nói và quan sát cách bạn tương tác với khách hàng và đồng nghiệp của họ. Họ nhìn thấy giá trị của bạn trong hành động hàng ngày tại nơi làm việc, hoặc họ cũng có thể không nhìn thấy.

Nhân viên muốn làm việc trong một môi trường mà ở đó chia sẻ các giá trị của họ. Họ muốn văn hóa làm việc chung thúc đẩy việc trở thành một phần của một hệ thống lớn. Nhân viên sẽ có động lực và sự gắn bó khi nơi làm việc cũng thể hiện những giá trị cốt lõi quan trọng nhất giống của chính họ. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của các giá trị cốt lõi trong việc tạo ra một môi trường làm việc tạo động lực hoặc ngược lại là làm giảm động lực. Lựa chọn là ở bạn.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan