Một đội ngũ nhân viên hạnh phúc sẽ giúp ích thế nào cho năng suất làm việc của doanh nghiệp?

Kỹ năng lãnh đạo, quản lý

| 26 tháng 11 2021

| bởi CTW.vn

image

Bạn có biết rằng một đội ngũ nhân viên hạnh phúc là yếu tố quan trọng nhất trong việc nâng cao năng suất làm việc và nhận được sự hài lòng của khách hàng không? Không phải tất cả các nhà quản lý đều hiểu được thực tế này.

Khi bạn thấy một người quản lý quát nhân viên của họ, vạch lá tìm sâu lại mọi tài liệu và đánh giá về hiệu suất làm việc có sai sót từ 8 tháng trước đó, bạn sẽ nhận ra rằng họ đang nghĩ nhân viên nào chịu đựng nhiều nhất mới là người giỏi nhất.

Tip: Không gì hiệu quả hơn sự thật. Khi nhân viên của bạn hạnh phúc, cuộc sống của tất cả mọi người bao gồm cả khách hàng của bạn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

1. Nhân viên hạnh phúc sẽ giúp khách hàng cũng hài lòng, vui vẻ

Dù sản phẩm của bạn có tuyệt vời đến đâu hay ý tưởng của bạn xuất sắc đến mức nào, nếu không có người mua nó, doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi thất bại. Một nghiên cứu của một công ty dược phẩm đã chỉ ra rằng sự trung thành của khách hàng của họ tăng lên đáng kể khi đội ngũ nhân viên cảm thấy hạnh phúc và gắn kết với công ty.

Thử nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào khi gặp một người không hài lòng hay yêu thích công việc của họ. Thái độ này khiến cuộc gặp gỡ trở nên tẻ nhạt và ngượng ngùng. Nếu nhân viên bán hàng hoặc trưởng phòng account thực sự vui vẻ và thân thiện, bạn sẽ thấy mong chờ cuộc gặp mặt này. Một khi họ đã muốn làm việc với doanh nghiệp của bạn, họ có xu hướng mua sản phẩm của bạn nhiều hơn.

Nếu bạn bị đối xử không tốt, bạn sẽ không muốn quay trở lại. Nếu nhân viên không hài lòng với công việc hoặc nơi làm việc của họ, họ có thể vì “giận cá chém thớt” mà đối xử không tốt với khách hàng. Kết quả rõ ràng là sẽ chẳng còn ai chờ để mua dịch vụ của bạn nữa.

2. Những nhân viên hạnh phúc có hiệu suất làm việc cao hơn

Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia được trải nghiệm những “cú sốc hạnh phúc”. Mặc dù “cú sốc” nghe có vẻ liên quan tới điều gì khủng khiếp lắm, nhưng sự thật chúng là những video hài hước dài 10 phút hoặc họ được thưởng thức đồ uống và thức ăn nhẹ. Mục đích là để kiểm tra xem các cách làm này có khiến họ hạnh phúc hơn không và sau đó chỉ ra rằng những cá nhân này có năng suất cao hơn gần 12% so với nhóm không được thưởng thức.

Những nhân viên được quan tâm về mặt tinh thần đã hoàn thành công việc ở cấp độ cao hơn và chính xác hơn. Sức mạnh của những thứ tích cực như đồ ăn vặt và video hài hước thật đáng kinh ngạc phải không? Điều này chứng tỏ rằng tinh thần lành mạnh và tích cực sẽ giúp ích rất nhiều cho hiệu quả công việc của bạn. Ngược lại, những nhân viên không hài lòng sẽ thể hiện không tốt cũng như dễ mắc phải “triệu chứng cháy sạch” và căng thẳng hơn.

Lưu ý: Hãy suy ngẫm về cuộc sống của bản thân. Nếu một ngày bạn dậy muộn, trong lúc gấp gáp đã làm đổ cà phê lên áo và rồi ra đường thì xe bỗng chốc tắt máy, phải dắt bộ mười mấy phút đồng hồ, hẳn là bạn sẽ không còn tâm trí để lao vào làm việc hết sức mình nữa. Nhân viên của bạn cũng là con người và tâm trạng tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của họ. Mặc dù bạn không thể kiểm soát những chuyện bất thình lình như đổ cà phê, xe hư hỏng nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát môi trường mà bạn và họ đang làm việc.

3. Một đội ngũ nhân viên hạnh phúc sẽ giúp doanh nghiệp thịnh vượng hơn

Một nghiên cứu về top 100 nhà tuyển dụng hàng đầu của Fortune từ năm 1998 đến năm 2005 đã phát hiện ra rằng các công ty nằm top đã tăng 14% giá trị cổ phiếu so với mức trung bình 6% của các công ty nói chung.

Đó là một sự khác biệt rất lớn. Và mặc dù dữ liệu đã cũ, nhưng vẫn có thể áp dụng vào thị trường ngày nay. Khảo sát này không phải chỉ hỏi riêng bộ phận HR mà họ tiến hành khảo sát các nhân viên trên thực tế. Bạn sẽ không lọt vào top 100 nếu công ty bạn không có những nhân viên hạnh phúc. 

Quan trọng: Sự khác biệt lớn về giá cổ phiếu cho thấy các công ty thực sự hoạt động tốt hơn. Tiến sĩ Noelle Nelson, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách “Kiếm nhiều tiền hơn bằng cách khiến nhân viên của bạn hạnh phúc” bày tỏ: “Khi cảm nhận được công ty đang lấy lợi ích của nhân viên làm trọng tâm, họ sẽ hết lòng vì lợi ích của công ty.”

4. Những thay đổi làm nhân viên của bạn hạnh phúc

Nếu bạn là CEO, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà ngân sách cho phép, nhưng nếu bạn là quản lý trực tiếp hoặc trưởng phòng nhân sự, bạn có thể bị ràng buộc bởi quyết định của cấp trên. Nhưng không có nghĩa là bạn không thể thay đổi. Dưới đây là 5 điểm mà bạn có thể thay đổi để tăng mức độ hạnh phúc, hài lòng của nhân viên về công việc:

Chấm dứt nạn bắt nạt:

Bạn cần loại bỏ nạn bắt nạt khỏi văn phòng nếu chúng gây ra vấn đề cho nhân viên của bạn. Một kẻ bắt nạt có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự hài lòng, hạnh phúc trong bộ phận của bạn.

Trả công công bằng cho nhân viên:

Mặc dù bạn không thể thay đổi cơ cấu trả lương của công ty, nhưng bạn có quyền kiểm soát đối với ngân sách của bộ phận và những gì bạn trả cho nhân viên ở một mức độ nào đó. Nếu tất cả nhân viên ngồi xuống và chia sẻ về mức lương của họ, liệu có ai trong số họ cảm thấy tổn thương không? Nếu có, hãy cân nhắc việc bù đắp và tìm cách khắc phục vấn đề.

Đưa ra phản hồi dù tích cực hay tiêu cực cùng những lời khuyên mang tính xây dựng:

Đôi khi, các nhà quản lý muốn nhân viên hạnh phúc nhưng lại ngại phê bình, sợ mích lòng. Đó không phải là cách, ngược lại còn mang đến sự thất vọng.

Tip: Nhân viên sẽ nghiêm túc muốn biết họ đang thể hiện thế nào, có tốt hay chưa. Miễn là bạn chỉ ra điểm tốt và chưa tốt sau đó cũng đưa ra đề xuất cách để họ có thể làm tốt hơn, nhân viên của bạn sẽ ghi nhận những đóng góp, phản hồi và sẽ làm việc hết mình để xoay chuyển tình thế. Đa phần mọi người đều không thích cảm giác mình kém cỏi trong công việc.

Trao phần thưởng xứng đáng cho những nhân viên xuất sắc:

Một số nhà quản lý bận tâm cho sự nghiệp của mình hơn là của nhân viên. Bạn sẽ muốn nhân viên của mình được phát triển và tỏa sáng. Giúp các nhân viên thăng tiến trong sự nghiệp sẽ tạo được động lực cho họ, và như một phần thưởng, bạn cũng sẽ có thành tích tích cực trong việc đào tạo và phát triển nhân viên.

Giữ thái độ lịch sự, chuyên nghiệp và dễ chịu:

Nói thì dễ nhưng làm thì khó, rất nhiều nhà quản lý đã phớt lờ điều này. “Tính tôi khó gần vậy đó.” Nhưng nhân viên sẽ hiểu rằng bạn thật xấu tính. Hãy đối xử tử tế với mọi người. Giải quyết vấn đề và tuyệt đối không hành xử xấu tính, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ tử tế, dễ chịu và dễ gần với tất cả mọi người.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan