“Cố định” và “Phát triển”: Hai tư duy cơ bản định hình cuộc sống của chúng ta

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 19 tháng 1 2021

| bởi CTW.vn

image

“Nếu tưởng tượng ít hơn, những gì bạn xứng đáng nhận được chắc chắn cũng ít hơn [...] Hãy làm những gì bạn yêu thích và đừng dừng lại cho đến khi đạt được nó. Làm việc chăm chỉ nhất có thể, với trí tưởng tượng vô hạn…” - là lời thúc giục của Debbie Millman tại một trong những bài diễn thuyết hay nhất của ông.  Khác với sự vô vị của những người luôn luôn lạc quan, lời khuyên này thực sự phản ánh những gì tâm lý học hiện đại hiểu về cách vận hành của hệ thống niềm tin ảnh hưởng đến năng lực bản thân và về cách tiềm năng thúc đẩy hành vi và dự đoán thành công của chúng ta. Phần lớn sự hiểu biết đó bắt nguồn từ công trình của nhà tâm lý học Stanford Carol Dweck, và được tổng hợp thành tác phẩm đặc biệt chuyên sâu - “Tư duy: Tâm lý học mới về thành công” (“Mindset: The New Psychology of Success”) - một cuộc điều tra về sức mạnh niềm tin, cả ý thức và vô thức, cũng như cách thay đổi thứ đơn giản nhất có thể có tác động sâu sắc đến gần như mọi khía cạnh của cuộc sống.

Dweck tìm ra trong nghiên cứu của cô một trong những niềm tin cơ bản nhất mà chúng ta có về bản thân xuất phát từ cách chúng ta nhìn nhận và sống với những gì chúng ta xem là tính cách của mình. Một “tư duy cố định” cho rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo của chúng ta là những yếu tố cố định (có sẵn hay bẩm sinh) mà chúng ta không thể thay đổi; Và thành công là sự khẳng định của trí thông minh sẵn có đó, là sự đánh giá xem những điều đó vận hành như thế nào so với tiêu chuẩn cố định; phấn đấu đạt được thành công và tránh thất bại bằng mọi giá trở thành một cách để duy trì cảm nhận về sự thông minh và thuần thục của bản thân. Mặt khác, “tư duy phát triển” (tư duy cầu tiến) vươn lên mạnh mẽ khi gặp thử thách và không coi thất bại là bằng chứng của sự kém thông minh mà là bàn đạp vững chắc cho sự phát triển cũng như để kéo căng những khả năng hiện có của chúng ta. Ngoài hai tư duy này - hai tư duy chúng ta thể hiện từ rất sớm, tạo nên rất nhiều hành vi, mối quan hệ của chúng ta với thành công và thất bại trong cả ngữ cảnh công việc và đời sống, và cuối cùng là khả năng có được hạnh phúc.

Trong nghiên cứu kéo dài hai thập kỷ trên đối tượng là trẻ em và người lớn, Dweck đã phát hiện ra rằng những hệ quả của việc tin rằng trí thông minh và tính cách có thể cải thiện chứ không phải là không thể thay đổi được là cực kỳ đáng chú ý . Cô ấy viết:

“Trong vòng hai mươi năm, nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng: Quan điểm mà bạn áp dụng cho bản thân ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn dẫn dắt cuộc sống. Nó có thể xác định liệu bạn có trở thành người mà bạn muốn trở thành hay không và liệu bạn có hoàn thành được những điều mà bạn trân trọng hay không. Làm thế nào điều này lại xảy ra? Làm thế nào một niềm tin đơn giản có thể có sức mạnh để thay đổi tâm lý của bạn và cuối cùng là cuộc sống của bạn?”

Tư duy cố định - tin rằng những phẩm chất của bạn là không thể thay đổi - đưa ra sự cấp bách trong việc cần thể hiện bản thân nhiều hơn nữa. Nếu bạn chỉ có một lượng trí thông minh nhất định, một nhân cách nhất định và một phẩm chất đạo đức nhất định - thì tốt hơn là bạn nên chứng minh rằng bạn có những tính cách lành mạnh. Nói một cách đơn giản là bạn sẽ không bao giờ thấy thiếu đi những đặc điểm cơ bản nhất này.

[…]

Tôi đã thấy rất nhiều người có một mục tiêu chính là chứng tỏ bản thân - trong lớp học, trong công việc và trong các mối quan hệ của họ. Mọi tình huống đều đòi hỏi sự xác nhận về trí thông minh, nhân cách hoặc tính cách của họ. Mọi tình huống đều được đánh giá: Tôi sẽ thành công hay thất bại? Tôi sẽ trông thông minh hay ngu ngốc? Tôi sẽ được chấp nhận hay bị từ chối? Tôi sẽ cảm thấy mình là người chiến thắng hay kẻ thất bại? . . .

Một tư duy khác, trong đó những đặc điểm này không chỉ đơn giản là một ván bài mà bạn đặt cược và chung sống, luôn cố gắng thuyết phục bản thân và những người khác tin rằng bạn đang có một con bài lớn có thể thắng to trong khi thầm lo lắng nó chỉ là con Ba bích. Với lối tư duy này, lá bài bạn được nhận chỉ là điểm khởi đầu để phát triển. “Tư duy phát triển” này dựa trên niềm tin rằng những phẩm chất cơ bản của bạn là những thứ có thể trau dồi thông qua sự nỗ lực. Mặc dù mọi người có thể khác nhau về mọi mặt - về tài năng và năng khiếu, sở thích hoặc tính khí ban đầu - mọi người đều có thể thay đổi và phát triển thông qua việc thực hành và tích lũy kinh nghiệm.

Có phải những người có tư duy này tin rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành bất cứ điều gì, và bất kỳ ai có động cơ hoặc nền tảng giáo dục thích hợp đều có thể trở thành Einstein hay Beethoven hay không? Không phải vậy, nhưng họ tin rằng tiềm năng thực sự của một người là một ẩn số (và không thể biết được); rằng không thể biết trước được những gì một người có thể đạt được qua  niềm đam mê, sự chăm chỉ và rèn luyện qua nhiều năm trời.

Dweck nhận thấy rằng cốt lõi của điều khiến “tư duy phát triển” trở nên thú vị là nó tạo ra niềm đam mê học hỏi hơn là khát khao được chấp nhận. Dấu hiệu nổi bật của nó là niềm tin rằng những phẩm chất của con người như trí thông minh và óc sáng tạo, và thậm chí cả khả năng trong các mối quan hệ như tình yêu hay tình bạn, đều có thể được trau dồi thông qua nỗ lực và luyện tập một cách có chủ ý. Những người có tư duy này không chỉ không nản lòng trước thất bại mà còn không thực sự thấy họ thất bại trong những tình huống đó - họ thấy bản thân đang học hỏi. Dweck viết:

Những người có tư duy này không chỉ không nản lòng trước thất bại mà còn không thực sự thấy mình thất bại trong những tình huống đó - mà họ thấy bản thân đang học hỏi. Dweck viết:

“Tại sao lại lãng phí thời gian để thể hiện đi thể hiện lại rằng bạn tuyệt vời thế nào, trong khi bạn có thể trở nên tiến bộ hơn? Tại sao phải che giấu những thiếu sót thay vì khắc phục chúng? Sao lại phải tìm kiếm những người bạn hoặc đối tác chỉ để làm tăng lòng tự trọng của bạn thay vì những người cho bạn động cơ để phát triển? Và sao lại chỉ đi theo lối mòn, thay vì những trải nghiệm mới mẻ  giúp bạn tiến bộ hơn? Niềm đam mê được thử thách và gắn bó với nó, ngay cả (hoặc đặc biệt là) khi mọi việc không suôn sẻ, là dấu hiệu của tư duy phát triển. Đây là tư duy cho phép mọi người phát triển ở một số thời điểm thử thách nhất trong đời.”

Tất nhiên, ý tưởng này không phải mới - nếu có, nó là nguồn gốc của những cuốn sách về “tự trợ” hay “tự phát triển” (self-help) và những lời khuyên lặp đi lặp lại rằng “Bạn có thể làm bất cứ điều gì!”. Tuy nhiên, điều làm cho tác phẩm của Dweck trở nên khác biệt là nó bắt nguồn từ nghiên cứu chính xác về cách thức hoạt động của tâm trí (đặc biệt là tâm trí đang phát triển) và xác định không chỉ động lực cốt lõi của những tư duy đó mà còn cả cách chúng có thể được tái lập trình.

Dweck và nhóm nghiên cứu của cô cũng phát hiện ra rằng những người có “tư duy cố định” coi rủi ro và nỗ lực là quà tặng phẩm cho những điểm thiếu sót của họ, cũng như tiết lộ rằng họ thiếu sót theo một cách nào đó. Nhưng mối quan hệ giữa tư duy và nỗ lực là một con đường hai chiều:

Không phải chỉ có vậy mà một vài người tình cờ nhận ra giá trị của việc thử thách bản thân và tầm quan trọng của nỗ lực. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này bắt nguồn trực tiếp từ tư duy tăng trưởng. Khi nhóm nghiên cứu dạy mọi người tư duy phát triển, với trọng tâm là sự phát triển, những ý tưởng về thử thách và nỗ lực được hình thành sau đó. . . 

Khi bạn bắt đầu hiểu được “tư duy cố định” và “tư duy phát triển”, bạn sẽ thấy chính xác cách một thứ này dẫn đến một thứ khác — niềm tin rằng phẩm chất của bạn là không thể đổi dời dẫn đến một loạt các suy nghĩ và hành động, và niềm tin rằng phẩm chất của bạn có thể được trau dồi bằng cách này hay cách khác dẫn đến một loạt các suy nghĩ và hành động khác, đưa bạn bước vào một con đường hoàn toàn khác.

[…]

Các tư duy sẽ thay đổi những gì mọi người đang phấn đấu cũng như cách họ định nghĩa thành công; thay đổi định nghĩa, tầm quan trọng và tác động của thất bại; thay đổi ý nghĩa sâu xa nhất của sự nỗ lực.

Dweck đã trích dẫn kết quả từ một cuộc thăm dò ý kiến ​​của 143 nhà nghiên cứu về sự sáng tạo, những người đồng tình rằng đặc điểm số một làm cơ sở cho thành tựu sáng tạo chính là khả năng phục hồi (hay khả năng chịu đựng) và sự kiên trì vượt qua thất bại, cơ sở củng cố cho “tư duy phát triển”. Cô ấy viết:

“Khi bạn bước vào một loại tư duy, bạn như bước vào một thế giới mới. Trong một thế giới - thế giới của những đặc điểm cố định - thành công chính là chứng tỏ bạn là người thông minh hoặc tài năng. Chứng minh bản thân. Ở một thế giới khác - thế giới của những đặc điểm luôn thay đổi - đó là việc khát khao để học một điều mới. Phát triển bản thân.”

Trong một thế giới, thất bại có nghĩa là một bước lùi. Là bị điểm kém; thua một giải đấu; bị đuổi việc; hay bị từ chối. Điều đó có nghĩa là bạn không thông minh hoặc tài năng. Trong thế giới khác, thất bại là khi không thể phát triển. Không đạt được những thứ bạn coi trọng. Điều đó có nghĩa là bạn đang không phát huy hết tiềm năng của mình.

Trong một thế giới, nỗ lực là một điều tồi tệ. Nó giống như thất bại, có nghĩa là bạn không thông minh hoặc tài năng. Nếu là bạn, bạn không cần phải nỗ lực. Ở thế giới khác, nỗ lực là thứ khiến bạn thông minh hay tài giỏi.

Nhưng nghiên cứu đáng chú ý nhất của Dwerk - nghiên cứu mà nó đã cung cấp các lý thuyết về sự có mặt về lý do tại sao sự hiện diện lại quan trọng hơn lời khen ngợi trong việc dạy trẻ em vun đắp một mối quan hệ lành mạnh với thành tích- đã khám phá cách những tư duy này ra đời - hóa ra chúng hình thành từ rất sớm trong cuộc sống. Trong một nghiên cứu, Dweck và các đồng nghiệp đã đưa ra một lựa chọn cho những đứa trẻ bốn tuổi: Chúng có thể chơi lại một trò chơi ghép hình dễ hay thử một trò khó hơn. Ngay cả những trẻ nhỏ này cũng tuân theo các đặc điểm của một trong hai tư duy - những trẻ có tâm lý “cố định” vẫn ở phía an toàn, chọn những câu đố dễ hơn sẽ khẳng định khả năng hiện có của chúng, thể hiện rõ với các nhà nghiên cứu niềm tin rằng những đứa trẻ thông minh không mắc sai lầm; Ngược lại, những bé có tư duy “phát triển” cho rằng đó là một lựa chọn kỳ quặc ngay từ khi bắt đầu, bối rối tại sao bất kỳ ai cũng muốn làm đi làm lại cùng một câu đố khi họ không học được bất kỳ điều gì mới. Nói cách khác, những đứa trẻ có “tư duy cố định” muốn đảm bảo rằng chúng đã thành công để trông có vẻ thông minh, trong khi những đứa trẻ có “tư duy phát triển” muốn tự vươn lên, vì định nghĩa của chúng về thành công là trở nên thông minh hơn.

Dweck cũng dẫn lời một nữ sinh lớp bảy, người đã thể hiện sự khác biệt một cách tuyệt vời:

“Cháu nghĩ trí thông minh là thứ mà mọi người phải nỗ lực… nó không chỉ được ban phát cho chúng ta.… Hầu hết trẻ em, nếu không chắc chắn về câu trả lời, thì sẽ không giơ tay để trả lời câu hỏi. Nhưng điều cháu thường làm là giơ tay, bởi vì nếu sai, thì sai lầm của cháu sẽ được sửa chữa. Hoặc cháu sẽ giơ tay và nói, "Câu này phải giải thế nào ạ?" Hoặc là “Em không hiểu câu này. cô giúp em được không? ”Chỉ bằng cách làm đó, cháu đang làm tăng trí thông minh của mình.”

Mọi thứ thậm chí còn thú vị hơn khi Dweck đưa mọi người vào phòng thí nghiệm sóng não của Columbia để nghiên cứu cách não bộ của họ hoạt động khi họ trả lời những câu hỏi khó và nhận lại phản hồi. Những gì cô phát hiện là những người có “tư duy cố định” chỉ quan tâm đến việc nghe những phản hồi phản ánh trực tiếp về khả năng hiện tại của họ, và tỏ ra ngừng quan tâm tới những thông tin có thể giúp họ học hỏi và cải thiện hơn. Họ thậm chí không quan tâm đến việc nghe câu trả lời đúng khi đặt câu hỏi sai, bởi họ đã xếp nó vào mục “thất bại”. Mặt khác, những người có “tư duy phát triển” rất chú ý đến những thông tin giúp họ mở rộng kiến ​​thức và kỹ năng hiện có, bất kể họ đã đặt câu hỏi đúng hay sai - nói cách khác, ưu tiên của họ là học tập chứ không phải cái bẫy nhị phân của thành công và thất bại.

Những phát hiện này đặc biệt quan trọng đối với giáo dục và cách chúng ta đánh giá trí thông minh, như một sự mở mang kiến thức. Trong một nghiên cứu khác với hàng trăm học sinh, chủ yếu là thanh thiếu niên, Dweck và các đồng nghiệp đã đưa ra mười bài toán tương đối hóc búa từ một bài kiểm tra IQ phi ngôn ngữ, sau đó khen ngợi học sinh về thành tích của em - hầu hết đều làm khá tốt. Nhưng họ đưa ra hai kiểu khen ngợi: Một số học sinh được khen là: “Chà, bạn đã đúng [số lượng câu], đạt là một điểm số cao. Bạn hẳn phải thông minh trong việc này lắm.” Trong khi một số khác lại được khen: “ Chà, bạn đã đúng [số lượng câu]. Đó là một điểm số cao. Chắc hẳn bạn đã làm việc rất chăm chỉ ”. Nói cách khác, những học sinh này được khen ngợi về khả năng và những người khác vì nỗ lực. Những phát hiện tại thời điểm này, không có gì đáng ngạc nhiên nhưng vẫn đưa ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau:

Việc khen ngợi về khả năng đã thúc đẩy học sinh vào “tư duy cố định” và họ cũng thể hiện tất cả các dấu hiệu của loại tư duy này: Khi chúng tôi cho họ lựa chọn, họ từ chối một nhiệm vụ mới đầy thử thách mà tại đó họ có thể học hỏi. Họ tránh làm bất cứ điều gì có thể để lộ khuyết điểm hay để bị nghi ngờ về tài năng của họ.

[…]

Ngược lại, khi học sinh được khen ngợi về nỗ lực, 90% trong số họ muốn thực hiện một nhiệm vụ mới đầy thách thức khiến họ có thể học hỏi.

Tuy nhiên, phần thú vị nhất là điều xảy ra tiếp theo: Dweck và các đồng nghiệp của cô ấy đã đưa ra cho các sinh viên một loạt các bài toán khó hơn và các học sinh đã làm không tốt. Một cách đầy bất ngờ, những đứa trẻ được khen ngợi về khả năng đã nghĩ rằng chúng không quá thông minh hay có năng khiếu. Dweck nói một cách sâu sắc:

“Nếu thành công nghĩa là họ thông minh, thì kém thành công có nghĩa là họ kém thông minh.”

Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ được khen ngợi vì đã nỗ lực, khó khăn chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy chúng phải nỗ lực nhiều hơn, không phải là dấu hiệu của sự thất bại hay phản ánh sự kém thông minh của chúng. Điều quan trọng nhất có lẽ là hai tư duy cũng đã tác động đến mức độ thích thú của bọn trẻ - chúng đều thích việc vòng đầu tiên sẽ có những câu hỏi dễ hơn, hầu hết bọn trẻ đều trả lời đúng, nhưng ngay sau khi các câu hỏi trở nên khó hơn, những đứa trẻ được khen ngợi về khả năng sẽ không còn hứng thú nữa. Trong khi đó, những đứa trẻ được khen ngợi về sự nỗ lực không chỉ vẫn thích các vấn đề mà thậm chí còn nói rằng càng nhiều thử thách thì càng vui. Nhóm học sinh thứ hai này cũng có những cải thiện đáng kể trong hiệu suất khi các bài toán trở nên khó khăn hơn, trong khi nhóm học sinh đầu tiên tiếp tục trở nên tệ hơn, như thể bị nản lòng bởi chính suy nghĩ thành công hay thất bại của của chúng.

Tình hình có thể trở nên tốt hơn - hoặc tệ hơn, tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận nó: Phát hiện đáng lo ngại nhất xuất hiện sau khi các câu hỏi IQ được hoàn thành, khi các nhà nghiên cứu yêu cầu những đứa trẻ viết thư ẩn danh cho bạn bè của chúng để kể lại trải nghiệm, bao gồm một khoảng trống để báo cáo điểm số của các bài toán. Dưới sự ngỡ ngàng của Dweck, phụ phẩm độc hại nhất của “tư duy cố định” hóa ra lại là sự thiếu trung thực: Bốn mươi phần trăm những đứa trẻ được khen ngợi về khả năng đã nói dối về điểm số của chúng, thổi phồng chúng để trông thành công hơn. Dweck than thở:

“Theo “tư duy cố định”, sự không hoàn hảo là điều đáng xấu hổ - đặc biệt là nếu bạn tài năng - vì vậy chúng đã nói dối. Điều đáng báo động là chúng ta đã biến những đứa trẻ bình thường thành những kẻ nói dối, chỉ đơn giản bằng cách nói với chúng rằng chúng thật thông minh.”

Điều này minh họa cho sự khác biệt chủ yếu giữa hai loại tư duy. Đối với những người có “tư duy phát triển” thì “thành công của bản thân là khi bạn làm việc chăm chỉ nhất để trở thành phiên bản giỏi nhất của chính mình”, trong khi đối với những người có “tư duy cố định” thì “thành công là tạo ra sự vượt trội, thuần túy và đơn giản. Trở thành một ai đó đáng giá hơn là những kẻ vô danh tiểu tốt. " Đối với nhóm học sinh có “tư duy cố định”, thất bại như một lời kết án và sẽ bị dán nhãn. Đối với nhóm học sinh còn lại, thất bại lại là động lực, đầu vào thông tin - một lời cảnh tỉnh.

Nhưng một trong những ứng dụng sâu sắc nhất của nghiên cứu chuyên sâu này không phải trong kinh doanh hay giáo dục mà là với tình yêu thương. Dweck phát hiện ra rằng mọi người đều thể hiện khuynh hướng lưỡng phân (hai nhóm trái ngược nhau) tương tự nhau trong các mối quan hệ cá nhân của họ: Những người có “tư duy cố định” tin rằng người bạn đời lý tưởng của họ sẽ đặt họ lên bệ đỡ và khiến họ cảm thấy hoàn hảo, giống như "vị thần trong tôn giáo của người đó", trong khi những người với “tư duy phát triển” ưu tiên một người bạn đời biết nhận ra lỗi của họ và giúp họ cải thiện bằng tình yêu thương, một người sẽ khuyến khích họ học những điều mới để trở thành một người tốt hơn. Hóa ra những thần thoại văn hóa độc hại nhất của chúng ta về “tình yêu đích thực” là bắt nguồn từ “tư duy cố định”. Dweck viết:

“Tư duy phát triển” cho biết “tất cả những thứ này” đều có thể phát triển và thay đổi được. “Tất cả” ở đây bao gồm bạn bè, bạn đời và các mối quan hệ.

Trong “tư duy cố định”, sự lý tưởng là liên tục, hoàn hảo và kéo dài vĩnh viễn. Giống như nó đã được định sẵn. Như “bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc mới”. Như thể "họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau."

[…]

Một vấn đề là những người có “tư duy cố định” mong đợi mọi thứ tốt đẹp sẽ tự động xảy ra. Không phải đơn giản chỉ là những bạn đời sẽ làm việc để giúp nhau giải quyết vấn đề của họ hay đạt được nhiều kỹ năng. Mà điều này sẽ xảy ra một cách kỳ diệu qua tình yêu thương của họ, giống như cách nó xảy ra với “Người đẹp ngủ trong rừng”, người đã được chữa khỏi giấc ngủ mê bằng nụ hôn của hoàng tử hoặc với “Lọ Lem”, người có cuộc sống đau khổ đột nhiên được thay đổi nhờ hoàng tử.

Điều này cũng đúng với những câu chuyện hoang đường về việc đọc suy nghĩ, trong đó những người có “tư duy cố định” tin rằng một cặp đôi lý tưởng có thể đọc được suy nghĩ của nhau cũng như kết thúc câu nói của nhau. Dweck trích dẫn một nghiên cứu mời mọi người nói về mối quan hệ của họ:

Những người có “tư duy cố định” cảm thấy bị đe dọa và thù địch sau khi nói về những khác biệt nhỏ trong cách họ và người bạn đời nhìn nhận mối quan hệ của họ. Ngay cả một sự khác biệt nhỏ cũng đe dọa niềm tin rằng họ chia sẻ tất cả các quan điểm của nhau.

Nhưng điều có sức tàn phá mạnh mẽ nhất trong tất cả những câu chuyện hoang đường về mối quan hệ là niềm tin rằng nếu nó cần phải “làm gì đó”, thì đó có nghĩa là có điều gì đó cực kỳ sai lầm và bất kỳ sự khác biệt nào về ý kiến ​​hoặc sở thích đều là dấu hiệu của những sai sót trong tính cách đại diện cho nửa kia. Dweck đề xuất ra một cách xác minh thực tế:

Cũng giống như việc không có thành tựu lớn nào mà không phải trải qua những thất bại, không có mối quan hệ tuyệt vời mà chưa từng gặp xung đột và rắc rối.

Khi những người có “tư duy cố định” nói về xung đột của họ, họ sẽ đổ lỗi. Đôi khi họ tự trách mình, nhưng thường là họ đổ lỗi cho người kia. Và họ đổ lỗi cho một đặc điểm - một khuyết điểm của người đó.
Nhưng nó không kết thúc ở đó. Khi một người đổ lỗi cho tính cách của người bạn đời của họ về vấn đề này, họ sẽ cảm thấy tức giận và ghê tởm chính họ.

Và nó tiếp diễn thành: Vì vấn đề xuất phát từ những đặc điểm cố định nên không thể giải quyết được. Vì vậy, một khi những người có “tư duy cố định” nhìn thấy những sai sót ở người bạn đời của mình, họ trở nên khinh thường và không hài lòng với cả mối quan hệ của họ và người kia.

Mặt khác, những người có “tư duy phát triển” có thể thừa nhận sự không hoàn hảo của bạn đời mà không đổ lỗi và vẫn cảm thấy rằng họ có một mối quan hệ viên mãn. Họ coi xung đột là vấn đề của giao tiếp, không phải về tính cách hay nhân cách. Động lực này càng đúng trong các mối quan hệ tình cảm lãng mạn cũng như trong tình bạn và ngay cả trong mối quan hệ của mọi người với cha mẹ của họ. Dweck tóm tắt những phát hiện của cô ấy:

“Khi mọi người bắt tay vào một mối quan hệ, họ gặp phải một người bạn đời khác với họ và họ chưa học được cách đối mặt với sự khác biệt. Trong một mối quan hệ tốt, mọi người phát triển những kỹ năng này và khi làm như vậy, cả hai phía đều phát triển và mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn. Nhưng để điều này xảy ra, mọi người cần cảm thấy họ đang ở trên cùng một chiếc thuyền. . . . Khi bầu không khí tin cậy được phát triển, họ [trở nên] quan tâm đến sự phát triển của nhau.”

Tóm lại, một tư duy là một quá trình diễn giải cho chúng ta biết những gì đang diễn ra xung quanh. Theo “tư duy cố định”, quá trình đó bị chi phối bởi một cuộc độc thoại nội tâm liên tục đánh giá và phán xét, sử dụng mọi thông tin làm bằng chứng cho hoặc chống lại những đánh giá như “liệu bạn có phải là người tốt, người bạn đời của bạn có ích kỷ hay không, hay bạn tốt hơn người bên cạnh bạn”. Mặt khác, trong một “tư duy phát triển”, độc thoại nội tâm không phải là một sự phán xét mà là một trong những hành động ham học hỏi, không ngừng tìm kiếm nguồn đầu vào để có thể chuyển hóa thành việc học và hành động mang tính xây dựng.

Trong phần còn lại của cuốn “Tư duy: Tâm lý học mới về thành công” (“Mindset: The New Psychology of Success”), Dweck tiếp tục khám phá cách những tư duy cơ bản này hình thành, đặc điểm xác định của chúng trong các bối cảnh khác nhau của cuộc sống, và cách chúng ta có thể điều chỉnh lại thói quen nhận thức để hình thành và nuôi dưỡng tư duy phát triển.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan