Ikigai: câu trả lời của người Nhật cho một cuộc sống có mục đích

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 11 tháng 3 2021

| bởi CTW.vn

image
“Ikigai” là gì?

“Ikigai” là một khái niệm đã ăn sâu vào nền văn hóa của người Nhật Bản nhiều thế kỷ qua và nó đơn giản có nghĩa là “lý do để sống”. Người Nhật vận dụng khái niệm này một cách tự nhiên mà không hề phô trương hay chỉ để thể hiện cái tôi của mình. Tuy nhiên, một bản dịch đơn thuần hẳn sẽ không thể lột tả đầy đủ được chiều sâu của khái niệm này. “Ikigai” là một phong cách sống.

Bài viết này sẽ giải đáp “ikigai” là gì và cách giúp bạn tìm thấy “ikigai” của bản thân.

“Ikigai” trong tiếng Nhật có nghĩa là gì?

Với nhiều người nói tiếng Anh, “ikigai” được nghe và phát âm thành ba âm tiết. Tuy nhiên, trên thực tế “ikigai” có bốn âm tiết được phát âm theo bảng chữ cái Hiragana của Nhật Bản như bên dưới: “ee-kee-ga-ee”

Tiếng Nhật Hiragana:

Tiếng Nhật Kanji:

Theo nghĩa đen, “iki” có nghĩa là “cuộc sống, còn sống” và “kai” (trong trường hợp này phát âm là “gai”) có thể được dịch là “lý do, xứng đáng, có kết quả, hiệu quả."

Phần “kai” mang hàm ý sâu xa để chỉ một thách thức. Nhìn chung, “kai” bắt nguồn từ niềm đam mê. Vì vậy, nó có giá trị đối với cuộc sống của mỗi người và mọi người cần phải có những nỗ lực nhất định để theo đuổi nó.

Do đó, dịch theo nghĩa đen sẽ không cho bạn cái nhìn đầy đủ, sâu sắc mà bạn cần để nắm bắt được sức hấp dẫn của thuật ngữ “ikigai” cũng như tầm quan trọng của nó đối với bản thân bạn. Kết quả là, đã có một số bản dịch thuần túy được tất cả mọi người cho là chính xác như:

  • lý do để sống
  • mục đích của cuộc sống
  • lý do để trở thành
  • Ý nghĩa của cuộc sống
  • lý do để thức dậy vào buổi sáng hay lý do để bước khỏi giường
  • điều gì làm cho cuộc sống trở nên đáng sống
  • bạn sống vì điều gì
  • hạnh phúc của cuộc sống
  • a raison d’etre

và nhiều phiên bản dịch khác…

“Ikigai” có những lợi ích gì?

Đối với rất nhiều người, bao gồm cả bản thân tôi đã trải qua quá nhiều lần khi chúng ta vừa thức dậy đã cảm thấy sợ hãi về một ngày sắp tới. Chúng ta sẽ nằm trên giường do dự trong 1-2 phút liệu có nên bắt đầu một ngày mới hay không. Cảm thấy chán chường vì những hoạt động trần tục được biết như một hiện trạng, chúng ta cho phép mình mong muốn được bao bọc như cách một con vật bị thương cần được chăm sóc.

Nỗi thống khổ khi theo dõi những thói quen hàng ngày của mình mà không thấy điều gì đặc biệt ngoại trừ cảm giác thiếu hào hứng với những gì chúng ta phải đối mặt. Ngày này qua ngày khác, dù là ở nhà hay ở văn phòng cũng không có gì thay đổi.

Ngày qua ngày, chúng ta không cảm thấy mình đang sống, mà chỉ đang tồn tại. Rồi sau đó, vào mỗi buổi tối trước khi ngủ, chúng ta chắc chắn sẽ lại nằm thao thức nghĩ về một ngày mai tồi tệ mà mình sắp phải đối mặt.

Chắc chắn sẽ có một cách nào đó tốt hơn.

Hạnh phúc và động lực

Hãy xem xét cách “ikigai” có thể giúp bạn theo đuổi hạnh phúc. Hãy tưởng tượng cảnh bạn thức dậy với một tâm trạng thật tuyệt vời, đặc biệt là vào những buổi sáng thứ Hai. Thật tuyệt biết bao khi biết rằng trước mắt sẽ là một ngày dành cho bạn?

Đây là những gì “ikigai” sẽ làm cho bạn. Nó mang lại động lực cần thiết để tận hưởng cuộc sống theo cách bạn mong muốn. Và nó sẽ khơi dậy niềm đam mê.

Hãy hành động với đam mê của mình mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ thấy hào hứng để tiếp tục lặp đi lặp lại vào ngày hôm sau và cả những ngày sau đó nữa.

Khi có “ikigai”, bạn sẽ tự nói với chính bản thân mình: “Hôm nay thật là một ngày tuyệt vời. Ngày hôm nay, tôi đã thực sự sống”.

Cân bằng và định hướng

Dĩ nhiên là cho dù bạn có “ikigai” hay không, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và tất cả chúng ta đều phải như thế.

Tất cả chúng ta đều trải qua những mất mát và thất bại giống như cách bị ngã xe đạp trầy hết cả đầu gối những ngày đầu tập xe. Những tình huống ngoài tầm kiểm soát thì liên tục vùi dập khiến chúng ta vấp ngã. Mọi người thỉnh thoảng cũng phải làm những việc  họ không thích làm.

“Ikigai” sẽ không có tác dụng loại bỏ những điều này khỏi cuộc sống của bạn.

Tuy nhiên, đó lại chính là những thời điểm bạn cần mục đích sống nhất. “Ikigai” sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn, trắc trở vì nó cung cấp sự cân bằng mà bạn cần trong cuộc sống. “Ikigai” giống như một ngọn đèn đường dẫn lối trong những lúc khó khăn, đau đớn và buồn bã vì nó là lý do để tỉnh thức.

“Ikigai” có phải là bí quyết sống thọ?

Nhiều người tin rằng lợi ích của “ikigai” không chỉ là hạnh phúc.

Điều thu hút nhiều người đến với “ikigai” chính là tuổi thọ. Thật vậy, bạn sẽ sống lâu hơn, hoặc chí ít đó là điều chúng ta hy vọng.

Tất nhiên là không điều gì có thể đảm bảo rằng bạn sẽ sống thọ hơn cả Bà Moses (Một nghệ sĩ dân gian thọ 101 tuổi) hoặc bất kỳ ai khác có tuổi thọ đáng ngưỡng mộ như vậy. Thế nhưng với người Nhật Bản, đặc biệt là người dân ở thành phố Okinawa dường như đều tin rằng việc có mục đích sống như vậy là điều cần thiết để sống một cuộc sống hạnh phúc và dài lâu.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số sống trăm tuổi cao nhất thế giới, mà bằng chứng sống là người dân ở thành phố Okinawa.

Dan Buettner, người viết cho National Geographic đã chia sẻ trong bài TED Talk của anh (Cách sống để trở thành 100+): “Hóa ra, Okinawa là một khu vực “Blue Zone” - một trong số ít những khu vực địa lý trên Trái đất có tỷ lệ tuổi thọ trên mức trung bình và “có số dân là phụ nữ sống lâu nhất thế giới”.”

Thật vậy, trong bài thuyết trình, Dan giải thích rằng chế độ ăn uống và xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của người dân Okinawa. 

Dan Buettner cũng nói thêm rằng nhiều người ở Okinawa dường như không bao giờ nghỉ hưu. Họ không làm việc chỉ vì bị bắt buộc mà làm vì họ thực sự muốn thế. Cách làm việc này giúp họ giữ được một tâm trí, cơ thể và tâm hồn năng động.

Hãy cứ hỏi bất kỳ một người Okinawa nào, họ sẽ cho bạn biết họ có tuổi thọ cao như vậy là vì họ đã thực sự “sống” từ rất lâu.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra những phát hiện tương tự chứng minh “ikigai” có liên quan đến tuổi thọ:
Liệu “ikigai” có thuộc về tâm linh hay không?

Vì ở Nhật Bản, hai tôn giáo chủ yếu là Thần đạo (Shinto) và Phật giáo, nên công bằng mà nói, các nguyên tắc của hai tôn giáo này cũng được thể hiện một cách rõ ràng trong các đặc điểm của “ikigai”. Tuy nhiên, có một câu trả lời chính xác hơn: “Nhưng quan trọng là, bạn xem điều gì là tâm linh?”

Nếu bạn cảm thấy tâm linh là phải tuân theo một tôn giáo cụ thể như Phật giáo, Thần đạo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác, thì tôi sẽ ngã về câu trả lời “không” nhiều hơn là “có. ” Theo như tôi biết, trong Kinh Thánh không có mô tả cụ thể nào về “ikigai” hay cách nó đưa bạn đến gần Chúa hơn cả.

Tuy vậy, người ta có thể tranh luận rằng nếu trong cuộc sống, bạn tuân theo những lời dạy và sống với đạo thì trọng tâm của những gì bạn làm sẽ là việc thờ phụng. Điều này sẽ khiến cuộc sống của bạn tràn ngập ý nghĩa và niềm vui, dẫn lối bạn đi qua những thời điểm tươi đẹp và cả những khoảnh khắc tuyệt vọng trong đời.

Nói cách khác, lòng sùng kính đối với Chúa hoặc một đức tin nào đó có thể sẽ là “ikigai” của bạn.

Tóm lại, “ikigai” không yêu cầu bạn phải có đức tin hay nguyện vọng đối với một giáo điều nhất định. Nếu bạn chọn xem nó là tâm linh thì nó sẽ là tâm linh. Thật vậy, nếu mục đích sống của bạn cũng cân bằng, phù hợp với niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh của bản thân, thì bằng mọi giá, câu trả lời cho câu hỏi “liệu “ikigai” có phải thuộc về tâm linh hay không?” sẽ là một thanh âm hết sức dõng dạc: “có”.

Có phải ai cũng có “ikigai” hay không?

Người Nhật tin rằng “ikigai” tồn tại trong tất cả chúng ta và là duy nhất đối với mỗi người, với những giá trị và niềm tin mà chúng ta trân quý cũng như những gì mang lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống. Đó chính là sự soi rọi lại bản thân được tìm thấy thông qua ý nghĩa, sự hài lòng, lòng tự tôn, các giá trị đạo đức và cả niềm hạnh phúc.

Hãy suy nghĩ về triết lý - triết lý của chính bạn.

Cuộc sống luôn cho ta những lựa chọn và quyết định, nhưng lại không có câu trả lời hay quy tắc nào là đúng cho “ikigai”. Có vô số con đường để đi mà “người chỉ đường” duy nhất bạn có là chính bạn. Và hơn hết là, tấm bản đồ duy nhất bạn giữ đã được bạn bày ra trước mặt.

Ý nghĩa của mục tiêu hay kế hoạch chính là để giữ cho bạn luôn luôn vận động. “Ikigai” không phải những kết quả sau cùng. Nó là một hành trình quanh co biến đổi và trưởng thành không ngừng cùng bạn. Như cách người ta thường nói: “Đó không phải là đích đến mà là cả một hành trình”.

Và trên hết, “ikigai” là những gì bạn kiến tạo. Với một số người, nó có thể là những điều hoành tráng và lớn lao như hoạt động tình nguyện tại một trung tâm cộng đồng địa phương hay chiến đấu để chấm dứt nạn đói trên thế giới. Nhưng với những người khác, “ikigai” là những cảm xúc giản dị đời thường nhưng vẫn tuyệt vời và đầy thú vị như khi vun trồng một khu vườn hay đơn giản là nướng một chiếc bánh.

“Ikigai” thực sự không có ranh giới và cũng không có giới hạn. Nó có thể là bất cứ điều gì bạn muốn. Việc bạn cần làm là khám phá bản thân và sống theo “ikigai” của chính mình.

Mối nguy hại tiềm ẩn

Dù bạn đã có ý tưởng về hướng đi của riêng mình, mới bắt đầu những bước đi đầu tiên, hay đã hoàn thành tốt mục đích của mình, thì cũng giống như nhiều người khác trên cuộc hành trình của họ, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với chướng ngại khó khăn nhất trên đường - chính là sự trì hoãn.

Hầu như tất cả chúng ta đều cảm thấy sự trì hoãn có một sức hấp dẫn không thể chối từ. Có một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự trì hoãn chẳng hạn như nỗi sợ thất bại, thiếu động lực, cầu toàn hay thiếu kiên nhẫn. Những thứ ảnh hưởng đến người này có thể sẽ không ảnh hưởng đến người kia, nhưng cuối cùng kết quả lại giống nhau - là sự trì hoãn.

Việc bạn cần làm là đừng lãng tránh đối mặt với những thử thách mà bản thân cần vượt qua.

Trực tiếp đối mặt với khó khăn, thử thách

Hãy tìm kiếm giải pháp và cách giúp duy trì nhịp độ của bạn, nếu không bạn sẽ bị chựng lại.

Điều đáng lo ngại là việc chựng lại này sẽ dẫn đến trạng thái không hoạt động ban đầu là một ngày, hai ngày, và rồi sau đó là một tuần, hay nhiều hơn thế nữa.

Dĩ nhiên là bằng cách tạm dừng hoặc không thực hiện bất kỳ hành động nào, nỗi lo sợ của bạn đối với hành động đó sẽ giảm dần. Và việc giải phóng bản thân khỏi nhiệm vụ chắc chắn sẽ giải phóng bạn khỏi căng thẳng.

Tuy nhiên, trước khi bạn kịp nhận ra điều này, bạn sẽ thấy mình chưa làm được gì và điều này khiến bạn không thực sự hạnh phúc. Và điều tệ nhất là bạn còn có thể cảm thấy hối tiếc nữa.

“Trì hoãn là một trong những căn bệnh chết người phổ biến nhất có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành công và hạnh phúc” - Wayne Gretzky.

Thói quen trì hoãn có thể là một vòng luẩn quẩn và tệ nhất là bạn sẽ trực tiếp nhận lấy những hậu quả thích đáng (có thể là tiêu cực) vì bạn đã không hề nỗ lực.

Và thế là toàn bộ thời gian, công sức mà bạn đầu tư như đổ sông đổ bể.

Nếu cần, hãy đi từng bước một

Đương nhiên sự trì hoãn sẽ không giúp bạn sống một cuộc đời ý nghĩa và có ích. Dù bạn tạm thời có thể thấy hạnh phúc, nhưng trì hoãn kéo dài trong khi theo đuổi đam mê sẽ trở thành thiếu hiểu biết.

Thật vậy, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại đường đua và đi tiếp cuộc hành trình của mình.

May mắn thay, điều bất ngờ về “ikigai” là bạn hoàn toàn có thể bắt đầu lại, hay lặp đi lặp lại nhiều lần nếu bạn muốn.

Hãy nhớ một điều là, nếu bạn đã có thể bắt đầu từ con số 0, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ con số 0 thêm một lần nữa. Ít nhất thì bây giờ bạn đã được trang bị một số kinh nghiệm.

“Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng những bước đi nhỏ bé đầu tiên” - Lão Tử.

Bạn tìm thấy “ikigai” của bản thân như thế nào?

Giống như một dòng sông, cuộc sống cứ chảy về phía trước, và “không có gì vĩnh cửu ngoại trừ sự biến đổi”. Những gì có thể là đam mê và ước mơ của bạn ngày hôm qua, lại chưa chắc sẽ là ước mơ của bạn ngày hôm nay. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ sự thay đổi xảy ra nhiều đến mức vào một sớm mai tỉnh giấc, bạn chợt nhận ra cách mình đang làm chưa thực sự hiệu quả và “nên có một cách khác tốt hơn chứ, chỉ là mình chưa nhìn thấy, và nhất định phải tìm cho ra.” Thật may thay, như số phận đã an bài, sẽ luôn có một cách tốt hơn, hay nói đúng hơn là sẽ có rất nhiều cách tốt hơn.

Mặc dù mỗi người sẽ có một cách tự nhận thức và khám phá duy nhất và riêng biệt, nhưng vẫn sẽ có những cách thức thiết thực có thể giúp ích cho tất cả mọi người. 

Sau đây là 2 phương pháp phổ biến nhất giúp bạn tìm ra mục đích sống của bản thân: Tổng thể và Thực tế. Cả 2 phương pháp đều bắt đầu bằng việc hiểu rõ bản thân, đó cũng là nơi hành trình của bạn bắt đầu.

1. Con đường toàn diện dẫn đến “ikigai”

Theo tờ Toronto Star, khái niệm “ikigai” thường được hình dung thông qua sơ đồ Venn. Hình ảnh này minh họa cách 4 thành phần riêng biệt trong cuộc sống của một người có thể đan xen nhau tạo nên một giao điểm ở vị trí trung tâm - đây cũng chính là điểm hấp dẫn của họ.

4 thành phần đó là:

  • Đam mê: Làm những gì bạn yêu thích
  • Chuyên môn: Làm những gì bạn giỏi
  • Sứ mệnh: Làm những gì thế giới đang cần
  • Nghề nghiệp: Làm những gì bạn có thể được trả lương cho công sức đã bỏ ra của mình

Đam mê: Làm những gì bạn yêu thích

Nói một cách đơn giản thì “đam mê của bạn là gì?” hay “bạn thực sự thích làm gì nhất?” 

Việc lãng phí thời gian ngồi trên ghế sofa và không làm gì cả cũng có thể là trò tiêu khiển yêu thích của bạn, nhưng nó không phải thứ mà ở đây chúng ta đang hướng tới. Nếu không phải hướng tới một mục đích hữu ích như ngồi thiền hay nghỉ ngơi, thì bạn nên cân nhắc tìm một việc khác phù hợp hơn như một phần “ikigai” của mình.

Tìm thấy đam mê trong cuộc sống sẽ giúp bạn tìm thấy “ikigai” của mình.

Chuyên môn: Làm những gì bạn giỏi

Dù là năng khiếu hay kỹ năng như chơi nhạc cụ, nói trước công chúng, thậm chí là tổ chức sự kiện, tất cả đều có thể trở thành một phần “ikigai” của bạn. “Làm những gì bạn giỏi” đôi khi cũng là một phần công việc của bạn, chẳng hạn như bạn có khiếu bán hàng, tiếp thị, tư vấn, v.v.

Dù bạn chọn tập trung vào điều gì đi nữa, hãy làm tất cả những gì cần thiết để tinh chỉnh bộ kỹ năng, làm chủ tài năng và phát triển mục tiêu của bạn.

Sứ mệnh: Làm những gì thế giới đang cần

Bạn muốn tạo ra sự khác biệt nào t? Bạn có trong thế giới rộng lớn này thay đổi cách thế giới vận động không? Nếu có, hãy bắt đầu suy nghĩ về sứ mệnh của mình trong cuộc sống.

Tuy nhiên, cần lưu ý là đừng để bản thân bị cuốn vào ý nghĩa của từ “thế giới”. Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đen là hàng triệu người, nhưng cũng có thể hiểu một cách tự nhiên hơn là chỉ một người - và người đó “chính là bạn”.

Bởi vì khi bạn dám đối mặt với thế giới, những gì thế giới thực sự cần bằng cách này hay cách khác sẽ nâng đỡ để bạn sống với “ikigai” của mình, rồi mọi thứ khác theo lý thuyết sẽ đều có cách giải quyết của nó mà thôi.

Nghề nghiệp: Làm những gì bạn có thể được trả lương cho công sức đã bỏ ra của mình

Phần này của “con đường toàn diện” có thể sẽ là phần khó khăn nhất. Sau cùng thì, việc được trả công cho tài năng và niềm đam mê để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn chắc chắn sẽ là điều tuyệt nhất.

Hãy lưu ý rằng mục này cũng sẽ bao gồm hoạt động tình nguyện hoặc thậm chí là đảm nhận các trách nhiệm không thu nhập như chăm sóc gia đình của bạn.

Hãy hiểu rằng mặc dù quan điểm toàn diện này giúp bạn có cái nhìn chính xác về một cuộc sống có mục đích, nhưng ngoài thành phần đầu tiên - "làm những gì bạn yêu thích" thì 3 thành phần còn lại hoặc bất kỳ sự kết hợp nào giữa chúng cũng không phải là điều kiện tất yếu cho “ikigai” của bạn và chúng có thể xảy ra ở nhiều mức độ áp dụng khác nhau.

Ví dụ như, có thể tôi thích chơi piano, nhưng tôi chơi không giỏi lắm nên không thể kiếm tiền nhờ nó được, có thể là vẫn “chưa”. Trong trường hợp này, tôi vẫn có “ikigai” dù có kiếm được tiền hay không đi nữa.

2. Con đường thực tế dẫn đến “ikigai”

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để một người có niềm đam mê, sự chuyên môn và sứ mệnh nghề nghiệp một cách có ý nghĩa? Liệu có thể chia nhỏ các phần này thành những lời khuyên thiết thực giúp bạn sống lâu hơn và hạnh phúc hơn không?

Trong cuốn sách “Ikigai: Bí mật của người Nhật để có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc” của mình, Héctor García và Francesc Miralles đã ủng hộ một số phương pháp thực tế dẫn lối bạn tìm thấy “ikigai” của mình chẳng hạn như: Hãy tiếp tục vận động ngay cả khi đã về hưu, sống chậm lại để chăm sóc bản thân về thể chất và cả tinh thần, hòa nhập với xã hội, biết ơn những gì làm một ngày của bạn trở nên tươi đẹp hơn và “sống” tận hưởng từng phút giây bạn có.

Mặc dù lời khuyên này không có gì là mới, nhưng “chỉ đơn giản vì sự thậtnó đúng là như vậy” lại chính là vẻ đẹp vốn có của nó.

Cũng có một cuốn sách hay khác nói về việc sống có mục đích và ý nghĩa, thật trùng hợp là cũng với tựa đề tương tự “Một quyển sách nhỏ về Ikigai: Bí mật về cách sống hạnh phúc và lâu dài của người Nhật”. Đây là cuốn sách của Ken Mogi - Nhà Thần kinh học, nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Khoa học máy tính của Sony, và là một Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Tokyo.

Trong cuốn sách này, Ken Mogi trình bày 5 điểm cốt lõi riêng biệt (không theo thứ tự) để tìm kiếm “ikigai” của bạn:

  • Bắt đầu từ những việc nhỏ - Tập trung vào các chi tiết
  • Giải phóng bản thân - Chấp nhận con người của bạn
  • Hòa hợp và bền vững - Biết tin tưởng người khác
  • Niềm vui từ những điều nhỏ bé - Quý trọng, đánh giá cao những thứ giúp bạn cảm nhận được niềm vui 
  • Sống trọn từng giây - Tìm kiếm nhịp điệu của bạn

Bắt đầu từ những việc nhỏ - Tập trung vào các chi tiết

Chúng ta được động viên để cải thiện cách hành xử từ những điều nhỏ nhất.

Chẳng hạn như thức dậy sớm hơn vào buổi sáng hoặc thay đổi thói quen hàng ngày để có thêm thời gian làm những gì bạn thích. Những điều chỉnh nhỏ trong những việc bạn làm sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng và cải thiện chuyên môn nghề nghiệp. Sau cùng, những thay đổi nhỏ này sẽ dần trở thành thói quen và hỗ trợ cho “ikigai” của bạn.
Giải phóng bản thân → chấp nhận con người của bạn

Điều quan trọng để thành công tìm ra “ikigai” là bạn phải hiểu bản thân mình là ai cũng như bạn đại diện cho điều gì.

Nhưng không có nghĩa là suy nghĩ và hành động của bạn sẽ không thay đổi theo thời gian. Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi sự thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi ở đây là để bạn hiểu rõ bản thân hơn cũng như cho phép bạn được là chính mình.

Hòa nhập và bền vững - Biết tin tưởng người khác

Càng chia sẻ, càng tham gia đóng góp thì cuộc sống của chúng ta sẽ càng thú vị hơn.

Hãy cố gắng nói chuyện với những người xung quanh nhưng đừng nói về mục tiêu, mà là niềm đam mê bạn có, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, hay những khoảnh khắc bạn trân trọng, v.v. Cố gắng tạo ra mối liên kết chung với mọi người trong cộng đồng của bạn. Tiếp nhận nguồn năng lượng từ mọi người và đáp lại bằng sự tử tế.

Niềm vui từ những điều nhỏ bé - Quý trọng, đánh giá cao những thứ giúp bạn cảm nhận được niềm vui 

Cố gắng quý trọng những điều là đương nhiên trong cuộc sống. Bởi vì “chúng ta thường không thực sự nhận ra giá trị của một điều gì cho đến khi đánh mất nó”.

Hãy nghĩ về lượng kỹ năng hay nỗ lực bạn dành cho mọi việc. Hãy tìm những điều khiến bạn cảm thấy thoải mái, hạnh phúc khi làm, rồi sau đó tập trung vào việc làm nó tốt hơn. Khi làm điều này đủ nhiều, đủ thường xuyên cho tới khi nó trở thành một thói quen, bạn sẽ thấy biết ơn những năng khiếu hiện có cũng như những người và mọi thứ xung quanh bạn nhiều hơn.

Sống trọn từng giây - Tìm kiếm nhịp điệu của bạn

Hãy quan tâm đến cảm giác của bản thân và môi trường xung quanh bạn.

Hãy quý trọng những gì bạn có thể cảm nhận được qua các giác quan và làm việc chăm chỉ để hòa nhập với cuộc sống. Ngay cả những hành động đơn giản như hít thở sâu, giữ hơi thở, sau đó từ từ thở ra cũng có thể giúp bạn có một tinh thần thoải mái. Bằng cách nào đó, bạn sẽ cảm nhận mọi thứ rõ ràng hơn khi thực hiện và bạn cũng sẽ có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo hơn.

Các bước đi tiếp theo

Có thể bạn thích một phương pháp toàn diện để tìm ra “ikigai” hơn là một phương pháp thực tế, nhưng dù là cách nào đi chăng nữa, thì chắc chắn một điều là bạn sẽ tìm ra “ikigai” của riêng mình.

Dĩ nhiên là “ikigai” sẽ không thể xuất hiện chỉ trong một ngày một đêm chóng vánh, mà sẽ dần hình thành theo thời gian qua mỗi bước bạn đi. Cho dù đó là những bước tiến nhỏ bé hay lớn lao đến mức làm thay đổi thế giới đi nữa, thì bạn vẫn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Chắc chắn là việc xác định mục đích sống của bạn có thể sẽ rất khó khăn. Nhưng mọi khó khăn, thử thách sẽ đều xứng đáng, và bạn phải tự hứa với chính mình rằng sẽ tìm “ikigai” cho bằng được.

Một khi bạn đã tìm thấy mục đích sống của mình, bạn phải hành động và sống vì mục đích ấy. Bằng không, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa. 

Kết quả duy nhất bạn nhận được sau cùng chính là sự hối tiếc, đặc biệt nó cũng sẽ là một trở ngại ngăn bạn tiến về phía trước và theo đuổi đam mê và ước mơ thực sự của mình.

Tuy nhiên, việc sống có mục đích là một lựa chọn và nó đòi hỏi các hành động phải có chủ đích. Bạn có thể chọn theo đuổi đam mê và ước mơ của mình, hoặc không. Hãy biến nó thành lời cam kết với chính bản thân bạn.

Nếu tìm thấy “ikigai” của mình, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc - thứ đồng hành cùng bạn suốt cuộc đời. Và đừng lo lắng nếu bạn chưa bắt đầu, ngay bây giờ là lúc để bắt tay vào hành trình tìm kiếm “ikigai” của bạn. Hãy nhớ “bắt đầu chưa bao giờ là muộn”.

Hãy luôn giữ cho mình bận rộn, duy trì vận động càng lâu càng tốt, chăm sóc bản thân về cả thể chất lẫn tinh thần, hòa nhập với xã hội và cộng đồng, biết ơn những gì làm một ngày của bạn có tươi sáng hơn và sống trọn từng giây.

Bài viết liên quan