Kỹ năng mềm giúp thúc đẩy sự nghiệp của bạn như thế nào?

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 16 tháng 10 2020

| bởi CTW.vn

image

 

Hầu hết các ngành nghề đều yêu cầu những người làm việc trong ngành nghề đó có những kỹ năng nhất định phục vụ cho công việc của họ. Ví dụ, các nhiếp ảnh gia phải biết đặt chế độ chụp cho máy ảnh và căn chỉnh ánh sáng cho phù hợp với đối tượng chụp giáo viên phải có khả năng sử dụng một số kỹ thuật nhất định để dạy toán và đọc hiểu. Tương tự, lập trình viên máy tính phải biết cách sử dụng ngôn ngữ lập trình. Những khả năng này được gọi là kỹ năng cứng hay khả năng chuyên môn. Để có được những kỹ năng này, người ta thường đăng ký vào một chương trình giáo dục hoặc đào tạo nào đó. Các kỹ năng sẽ được hình thành qua hướng dẫn trên lớp và rèn luyện qua thực hành. Tuy nhiên, để làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào, ngoài những kỹ năng nói trên, bạn cũng cần có những ‘kỹ năng mềm’ (soft skills).

Kỹ năng mềm là gì?

Kỹ năng mềm (Soft skills) là đặc điểm hoặc phẩm chất cá nhân mà mỗi chúng ta có. Chúng tạo nên con người chúng ta. Nói một cách tổng quát, kỹ năng mềm bao gồm thái độ, thói quen và cách chúng ta tương tác với người khác. Chúng ít hữu hình hơn nhiều so với các kỹ năng cứng, hay còn gọi là kỹ năng chuyên môn, và không giống như kỹ năng cứng, bạn không thể học các kỹ năng mềm bằng cách đăng ký vào một chương trình đào tạo nào đó. Tuy nhiên, bạn có thể có được kỹ năng mềm thông qua kinh nghiệm học tập, công việc và cuộc sống, cùng một nỗ lực phối hợp từ phía bạn. Ví dụ, giả sử bạn rất tệ trong việc quản lý thời gian nhưng lại đăng ký vào một lớp học đòi hỏi phải hoàn thành nhiều dự án. Nếu bạn muốn làm tốt, bạn sẽ phải cải thiện kỹ năng quản lý thời gian của mình để kịp thời hạn. Bạn cũng có thể học cách quản lý thời gian tốt hơn bằng cách tìm kiếm lời khuyên từ giảng viên và bạn học hoặc đọc các bài viết hữu ích. Dưới đây là một số loại kỹ năng mềm.

  • Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói (Verbal Communication): Những người có kỹ năng giao tiếp bằng lời nói tốt có khả năng truyền đạt thông tin cho người khác bằng lời.
  • Kỹ năng kết nối (Interpersonal Skills): Có kỹ năng kết nối tốt nghĩa là người đó không chỉ có khả năng truyền đạt mà còn sẵn sàng lắng nghe người khác mà không phán xét họ, cũng như sẵn sàng chia sẻ ý tưởng và đóng góp ý kiến khi đồng nghiệp cần.
  • Kỹ năng viết (Writing): Kỹ năng viết tốt cho phép bạn liên kết thông tin qua văn bản.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện (Problem Solving & Critical Thinking): Giải quyết vấn đề là khả năng xác định một vấn đề và sau đó đưa ra các giải pháp khả thi. Kỹ năng tư duy phản biện cho phép bạn đánh giá từng giải pháp khả thi, sử dụng logic và lý luận để xác định giải pháp nào có khả năng thành công nhất.
  • Kỹ năng lắng nghe tích cực (Active Listening): Người biết lắng nghe luôn nỗ lực để hiểu những gì người khác đang nói, và chỉ ngắt lời vào thời điểm phù hợp để đặt câu hỏi giúp làm rõ thông tin được chia sẻ.
  • Kỹ năng học tập tích cực (Active Learning): Người tích cực học tập sẽ cởi mở với việc tiếp thu kiến thức mới, có khả năng tiếp thu kiến thức và sau đó áp dụng vào công việc của họ.
  • Kỹ năng tổ chức (Organizational): Những người có kỹ năng tổ chức tốt biết cách tiếp cận mọi nhiệm vụ được giao một cách có hệ thống.
  • Kỹ năng quản lý thời gian (Time Management): Những người giỏi quản lý thời gian của họ biết và rất giỏi trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ công việc để hoàn thành các dự án theo thời hạn cho phép.
  • Kỹ năng làm việc nhóm (Team Player): Những đồng đội tốt thì rất dễ hợp tác dù ở vai trò lãnh đạo hay thành viên, tùy theo yêu cầu của tình huống hiện tại. Họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với các thành viên khác trong nhóm, cho dù điều đó có nghĩa là phải san sẻ những thành công hay gánh chịu trách nhiệm cho những thất bại.
  • Tính chuyên nghiệp (Professionalism): Đặc điểm này rất khó xác định, nhưng lại rất dễ nhận ra khi ai đó thiếu đi nó. Đây có lẽ là một đặc điểm mà mọi nhà tuyển dụng đều mong muốn, bất kể bạn làm gì hay làm ở đâu. Sự chuyên nghiệp thể hiện ở nhiều khía cạnh, bao gồm việc có mặt đúng giờ, ứng xử lịch sự, khiến người khác cảm thấy sự dễ chịu và tốt bụng, ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
  • Kỹ năng đọc hiểu (Reading Comprehension): Những cá nhân có kỹ năng đọc hiểu tốt ít gặp khó khăn trong việc hiểu nội dung của các tài liệu dưới hình thức văn bản.
  • Tính linh hoạt và thích ứng (Flexibility & Adaptability): Những người linh hoạt và dễ thích nghi phản ứng tốt với những thay đổi trong công việc và môi trường làm việc của họ. Họ có một thái độ tích cực mang tên “có thể làm được” trước mọi thử thách.
Tại sao bạn cần kỹ năng mềm?

Mỗi ngành nghề mà bạn có thể nghĩ tới đều yêu cầu bạn có đặc điểm tính cách cụ thể. Là bác sĩ, bạn cần biết cách giao tiếp tuyệt vời để truyền đạt thông tin đến bệnh nhân của mình. Người lao công cần kỹ năng kết nối tốt để có thể hòa hợp với đồng nghiệp. Còn diễn viên phải kiên trì với con đường của mình dù bị từ chối hết lần này đến lần khác. Một điều quan trọng cần lưu ý là các kỹ năng mềm có thể chuyển đổi giữa các ngành nghề. Mặc dù bạn có thể phải quay lại trường để học các kỹ năng hay kỹ thuật mới khi thay đổi nghề nghiệp, bạn luôn có thể mang theo các kỹ năng mềm của mình vì chúng luôn có giá trị trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài những gì được yêu cầu bởi ngành nghề chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng mong đợi bạn có những đặc điểm tính cách nhất định. Chỉ cần nhìn vào một thông báo tuyển dụng bất kỳ, bạn cũng sẽ thấy một danh sách yêu cầu xét tuyển bao gồm không chỉ các kỹ năng chuyên môn cần thiết để thực hiện công việc mà còn bao gồm cả các phẩm chất như "kỹ năng giao tiếp tuyệt vời", "kỹ năng tổ chức mạnh mẽ", "làm việc nhóm" và " khả năng lắng nghe tốt”. Ngay cả khi bạn có các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công việc, nhưng nếu không thể chứng minh rằng bạn có những đặc điểm tính cách cụ thể, bạn có thể sẽ không nhận được công việc. Vì vậy, bạn nên liệt kê trong CV những thành tích thể hiện được các kỹ năng mềm cần cho công việc và đừng quên tìm cách thảo luận về chúng trong cuộc phỏng vấn việc làm.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan