Cách xây dựng thương hiệu (hoặc tái xây dựng thương hiệu) cá nhân cho công việc bạn mong muốn

Lập kế hoạch nghề nghiệp

| 31 tháng 10 2020

| bởi CTW.vn

image

Khi bạn bắt đầu tìm kiếm việc làm, mục tiêu của bạn là làm cho hồ sơ của mình đủ mạnh để được chọn mời phỏng vấn. Một khi bạn đã được mời phỏng vấn, bạn có thể “bán mình” cho người phỏng vấn bằng cách tự tin đưa ra lý do mình là một ứng viên xuất sắc. Nhưng trước tiên, những gì trong sơ yếu lý lịch và thư ứng tuyển sẽ là bài giới thiệu giúp bạn được chọn phỏng vấn.

Một trong những cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này là tự xây dựng thương hiệu (hoặc tái xây dựng thương hiệu) cá nhân nếu cần thiết, để nhờ đó bạn trở thành một lựa chọn phù hợp hơn cho công việc bạn đang nhắm đến. Điều đó có nghĩa là gì? Và làm thế nào để làm được điều đó?

Một thương hiệu bao gồm những gì?

Xây dựng thương hiệu (nếu bạn chưa làm gì để tạo ra một thương hiệu) hoặc tái xây dựng thương hiệu (nếu bạn đang cân nhắc một sự thay đổi trong công việc hoặc nghề nghiệp), có nghĩa là bạn quyết định con đường sự nghiệp mà bạn muốn, và bạn sẽ thể hiện và nâng cao uy tín, năng lực chuyên môn, và hình ảnh của mình trong mạng lưới của mình cũng như  những nhân viên tương lai, cho phù hợp với thương hiệu đó.

Bí quyết: Thương hiệu của bạn, ngoài việc thể hiện những gì bạn có thể làm và nơi bạn đang hướng tới, thì còn làm cho nhà tuyển dụng thấy những gì bạn có thể mang lại và tạo thêm giá trị cho tổ chức của họ.

Bắt đầu như thế nào?

Bước đầu tiên trong việc sáng tạo hoặc tái tạo thương hiệu của bạn là xác định những gì bạn muốn thương hiệu đó đại diện. Bạn mong muốn có được công việc như thế nào? Bạn có muốn một công việc mới ở vai trò tương tự hay cùng một công việc tương tự ở một lĩnh vực khác? Nếu vậy, đó là một sự cập nhật thương hiệu tương đối dễ dàng. Nếu bạn đang tìm kiếm một nghề nghiệp mới, bạn sẽ cần đầu tư thêm nhiều thời gian và sức lực hơn để tái xây dựng thương hiệu của mình.

  • Hãy tự kiểm tra. Hãy tra cứu trên Google và kiểm tra các kết quả trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Bạn sẽ muốn xem thông tin hiện tại phản ánh chuyên môn cá nhân của bạn như thế nào và đảm bảo rằng thông tin đó thể hiện rõ nét nơi bạn đang đứng trong sự nghiệp của mình và nơi bạn muốn đi tiếp theo. Hãy nhìn vào nó từ góc nhìn của một người quản lý tuyển dụng để xem bạn đang chia sẻ câu chuyện nào về thành tích và nguyện vọng của chính mình.
  • Lên kế hoạch. Việc biết cách để đến được đích là  rất quan trọng. Sự nghiệp của bạn có cần một sự thay đổi hay không? Bạn có cần những kỹ năng mới hoặc chứng chỉ mới nào không? Hay bạn có thể điều chỉnh thương hiệu của mình và cập nhật nó để phù hợp với điểm đến tiếp theo của bạn hay không? Hãy lập danh sách những việc cần làm trước khi bắt tay vào làm. Có những việc  bạn có thể làm ngay tại vị trí công việc hiện tại để định vị thành công trong công việc tiếp theo. Nếu sự nghiệp của bạn cần một cuộc đại tu, nó sẽ đòi hỏi kế hoạch chi tiết hơn và đầu tư nhiều thời gian hơn.
  • Nâng cấp trình độ của bạn. Bạn có đang thiếu những kỹ năng cần thiết để thực hiện chuyển đổi thương hiệu thành công hay không? Nếu bạn có thể dành thời gian cho chúng, bạn sẽ dễ dàng đạt được những kỹ năng bạn cần để nâng cao trình độ của mình. Có rất nhiều khóa học miễn phí hoặc có chi phí thấp mà bạn có thể tham dự để có được các kỹ năng nghề nghiệp mình cần. Một khi bạn đã nâng cấp kỹ năng của mình, hãy tham gia một số dự án tự do để tạo ra một danh mục các kỹ năng liên quan đến mục tiêu tái xây dựng thương hiệu của bạn. Bạn có thể thêm những kỹ năng đó vào sơ yếu lý lịch và hồ sơ LinkedIn và đề cập chúng trong thư ứng tuyển của bạn.
  • Cẩn thận. Nếu bạn tra cứu công việc mới khi bạn đang có việc làm, hãy tránh thể hiện sự thay đổi đối với công ty bạn đang làm việc. Ví dụ, nếu bạn đang làm việc ở mảng bán hàng, bạn sẽ không muốn dòng trạng thái Twitter của mình toàn nói về mảng phát triển sản phẩm. Hãy từ từ phối hợp thêm các chủ đề mới nếu bạn đang dùng mạng xã hội cho mục đích kinh doanh. Hãy chắc chắn rằng chức năng “Chia sẻ với mạng lưới” đã tắt trong khi bạn đang cập nhật hồ sơ LinkedIn của mình nếu bạn có kết nối với các đồng nghiệp hiện tại. Sẽ dễ kiểm soát hơn nếu bạn cập nhật thay đổi một cách từ từ và cẩn thận.
Sáng tạo một tuyên bố thương hiệu

Một tuyên bố thương hiệu là một nhận định ngắn gọn và bắt tai nhằm nhấn mạnh những phẩm chất khiến bạn trở thành một ứng cử viên nặng ký cho công việc. Viết một tuyên bố thương hiệu có thể giúp bạn nắm bắt được bản chất của những gì bạn muốn đạt được trong giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp. Dành thời gian để viết tuyên bố thương hiệu của riêng mình sẽ giúp bạn tập trung vào những gì bạn muốn thực hiện với việc xây dựng thương hiệu hay tái xây dựng thương hiệu của chính mình.

Thêm tuyên bố thương hiệu vào sơ yếu lý lịch của bạn

Thêm một tuyên bố thương hiệu vào sơ yếu lý lịch là một cách để nhà tuyển dụng thấy cách bạn đem lại giá trị gia tăng cho tổ chức khi được tuyển dụng. Đừng sử dụng một tuyên bố thương hiệu duy nhất mỗi  khi nộp hồ sơ  ứng tuyển. Nếu tuyên bố thương hiệu của bạn chưa phù hợp với công việc, hãy dành thời gian để điều chỉnh nó sao cho phản ánh được các đặc điểm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Với tất cả các tài liệu tìm kiếm việc làm, điều quan trọng là phải cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho công việc.

Cập nhật hồ sơ LinkedIn của bạn

Bên cạnh đó, hãy cập nhật hồ sơ LinkedIn của bạn. Nó không nhất thiết phải giống hệt sơ yếu lý lịch của bạn, nhưng nó phải tương đồng, đủ để vượt qua sự xem xét kỹ lưỡng của nhà tuyển dụng bởi họ sẽ kiểm tra nó. Hãy dành thời gian để viết một bản tóm tắt, phản ánh nghề nghiệp yêu thích của bạn và sẽ thu hút sự chú ý của các nhà quản lý.

Đồng thời kiểm tra các tài khoản mạng xã hội khác của bạn

Thông điệp bạn gửi đến nhà tuyển dụng và mạng lưới kết nối có nhất quán hay không? Khi họ nhìn vào các tài khoản mạng xã hội công khai của bạn, họ có cùng một ấn tượng hay không? Tính nhất quán rất quan trọng khi bạn sử dụng mạng xã hội để phát triển sự nghiệp. Sử dụng cùng một bức ảnh chuyên nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp xây dựng thương hiệu của bạn.

Tái xây dựng thương hiệu cá nhân (Cẩn thận)

Khi bạn đang suy nghĩ về một sự chuyển đổi lớn trong công việc hay nghề nghiệp, việc tái xây dựng thương hiệu chính là một trong số những việc cần làm. tái xây dựng thương hiệu là điều bạn nên làm từ từ và cẩn thận nếu bạn vẫn đang có việc làm. Bạn sẽ không muốn quảng cáo mình cho người quản lý hiện tại và các đồng nghiệp trong công ty hoặc khách hàng rằng bạn đang tái xây dựng thương hiệu và tìm kiếm cơ hội mới. Bằng cách đó, bạn sẽ không làm hủy hoại công việc hiện có, và vẫn có thể bước tiếp khi đã sẵn sàng.


TỪ TỪ THAY ĐỔI TRANG LINKEDIN CỦA BẠN

Thực hiện những thay đổi nhỏ qua thời gian sẽ ít bị chú ý hơn. Ví dụ, bạn có thể từ từ thay đổi hồ sơ LinkedIn của mình bằng cách điều chỉnh một số mô tả công việc để phù hợp hơn với thương hiệu mà bạn hướng tới. Chúng vẫn nên phản ánh được những gì bạn làm ở mỗi công việc, nhưng trọng tâm có thể thay đổi.

CẬP NHẬT TIÊU ĐỀ TRÊN TRANG LINKEDIN CỦA BẠN

Phần tiêu đề của LinkedIn được thiết kế dành cho văn bản mô tả ngắn. Hãy sử dụng nó để làm nổi bật các kỹ năng bạn có phù hợp với mục tiêu của bạn. Một lần nữa, đừng quá xa rời nền tảng của công việc hiện tại nếu đang đi làm. Nếu bạn đang không có việc là, bạn có thể linh hoạt hơn trong cách viết tiêu đề.

LÀM LẠI SƠ YẾU LÝ LỊCH CỦA BẠN

Một lựa chọn khác là giữ cho các mô tả công việc LinkedIn của bạn ngắn gọn và mơ hồ. Thay vì thay đổi hồ sơ LinkedIn, bạn có thể điều chỉnh sơ yếu lý lịch của mình để phù hợp hơn với từng vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Sẽ không có sự khác biệt đáng chú ý đối với các nhà tuyển dụng hiện tại và tiềm năng. Đó là những thay đổi nhỏ và đơn giản, nhưng cực kỳ hiệu quả mà bạn có thể làm để tạo ra tác động tích cực lớn.

Sử dụng thư ứng tuyển của bạn để giải thích

Những gì trong thư ứng tuyển của bạn là việc giữa bạn và nhà tuyển dụng đọc nó. Hãy tận dụng thư ứng tuyển để kể câu chuyện xoay quanh trọng tâm sự nghiệp của bạn. Hãy viết một lá thư ứng tuyển có đích ngắm và nêu bật những thành tựu và tài sản mạnh nhất chứng tỏ bạn đủ điều kiện cho công việc, điều này giúp thuyết phục người quản lý tuyển dụng rằng bạn đáng được phỏng vấn.

Bắt đầu tất cả lại từ đầu

Tái xây dựng thương hiệu cho sự nghiệp của bạn không phải là việc một lần là xong. Công nghệ thay đổi, nền kinh tế đi lên - hoặc đi xuống, các kỹ năng theo yêu cầu thay đổi theo thời gian và hầu hết mọi người thay đổi khát vọng nghề nghiệp suốt dọc con đường sự nghiệp của mình. Một người, trung bình, thay đổi công việc 10-15 lần trong suốt sự nghiệp của họ. Thậm chí, sự nghiệp của bạn cũng rất có thể sẽ thay đổi theo thời gian.

Khi bạn có thêm kinh nghiệm làm việc, hãy tham gia một khóa học hoặc học các kỹ năng mới, hãy thêm chúng vào sơ yếu lý lịch và hồ sơ LinkedIn của bạn. Tinh chỉnh các mô tả công việc khi bạn tiến về phía trước để chúng phản ánh nơi bạn sẽ đến, cũng như nơi bạn đã đi qua.

Bằng cách thực hiện một số thay đổi từ từ và vững chắc, việc tái xây dựng thương hiệu của bạn sẽ là một sản phẩm đang được phát triển và bạn sẽ có thể sử dụng thành công thương hiệu của mình để thúc đẩy sự nghiệp của bản thân.

Nguồn bài viết
  1. Alison Doyle. "How to Brand (or Rebrand) Yourself for the Job You Want". Updated on March 08, 2019. Accessed on July 14, 2020.
  2. Nguồn ảnh: Freepik
Bài viết liên quan