Bản tin Pháp luật tháng 05/2021

Pháp luật lao động

| 10 tháng 5 2021

| bởi CTW.vn

image
Một số điểm nổi bật của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 quy định về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ. Nghị định 01/2021/NĐ-CP với hiệu lực thi hành từ ngày 04/01/2021 có những điểm mới nổi bật sau, cụ thể: 

1. Về mã số doanh nghiệp 

Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp”. So với quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 78/2015/NĐ-CP trước đó thì mã số doanh nghiệp chỉ đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp mà không đồng thời là mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, do đó khi tham gia thì phải thực hiện thủ tục xin cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội theo quy định. 

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã thống nhất một mã số duy nhất cho một doanh nghiệp nhằm rút bớt thủ tục không cần thiết, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa việc quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan. 

2. Được hoàn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp 

Đây là một quy định mới bổ sung cho “khoảng trống” của Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Trước đây, Nghị định 78/2015/NĐ-CP không quy cụ thể về trường hợp hoàn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp khi doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Nhận thấy điều đó, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định này tại khoản 3 Điều 35, cụ thể: “Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp”. 

3. Bổ sung thêm trường hợp được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp 

Khoản 3, 4 Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP bổ sung thêm hai trường hợp được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp là: Ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích. 

  • Đối với trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích: “Khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.”
  • Đối với trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích: Khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu. 

4. Bỏ quy định về số lượng của Phòng Đăng ký kinh doanh tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh 

Tại Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện)”. Theo đó, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bỏ quy định về số lượng của Phòng Đăng ký kinh doanh tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ- CP, cụ thể : “Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư”. 

5. Bổ sung quy định về đăng ký tên doanh nghiệp, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 

Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định tại khoản 2 Điều 18 về đăng ký tên doanh nghiệp, cụ thể: “Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để tránh tên doanh nghiệp bị trùng, nhầm và vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, ý kiến Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính” 

6. Bổ sung thêm quy định về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP bổ sung thêm quy định về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: “Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. 

Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, nếu trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp mà doanh nghiệp không kê khai mục thời gian hoạt động dự kiến của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng nếu đã kê khai thời gian hoạt động dự kiến và nộp cho Sở trong hồ sơ và cơ quan thuế thì đến ngày dự kiến hoạt động trong hồ sơ mới được hoạt động. 

7. Cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật doanh nghiệp 2020: “Tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật”. Do đó, theo quy định này, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về cung cấp thông tin đăng ký của doanh nghiệp tại Điều 36, cụ thể: 

“1. Thông tin được cung cấp công khai, miễn phí trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn, bao gồm: tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh; họ và tên người đại diện theo pháp luật; tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. 

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp gửi đề nghị cung cấp thông tin đến cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin.” 

Như vậy, ngoài các thông tin đăng tải miễn phí, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cũng có thể trả phí để tra cứu các thông tin chi tiết trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn /inf/default.aspx), ví dụ như: (i) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, (ii) Thông tin lịch sử doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất, (iii) Thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất…

5 điểm mới về hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định 47/2021/NĐ-CP

Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (“Luật doanh nghiệp 2020”) có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, vào ngày 01 tháng 04 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2021/NĐ- CP (“Nghị định 47/2021”) quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 09 năm 2015 (“Nghị định số 81/2015/NĐ-CP”). Có thể thấy rằng, Nghị định 47/2021/NĐ-CP có những sửa đổi, bổ sung đáng kể về hoạt động công bố thông tin doanh nghiệp nhằm giải quyết những hạn chế còn tồn đọng ở Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi quy định về phương tiện công bố thông tin 

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP (hết hiệu lực), việc công bố thông tin của doanh nghiệp phải được thực hiện “đồng thời” qua các phương tiện công bố sau: 

  • Đối với doanh nghiệp, phương tiện công bố thông tin gồm: Báo cáo bằng văn bản, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật; 
  • Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, phương tiện công bố thông tin gồm: Hệ thống tiếp nhận thông tin, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật; và 
  • Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương tiện công bố thông tin gồm: Hệ thống tiếp nhận thông tin, Cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ (http://www.business.gov.vn), ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật. 

Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về phương tiện báo cáo, công bố thông tin gồm: 

  • Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; 
  • Cổng hoặc trang thông tin điện tử của chủ sở hữu cơ quan nhà nước; và 
  • Cổng thông tin doanh nghiệp. 

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 21, Nghị định 47/2021/NĐ-CP còn bổ sung quy định về thời điểm doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ. Theo đó, trường hợp thời điểm thực hiện công bố thông tin trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin vào ngày làm việc đầu tiên ngay sau ngày nghỉ, ngày lễ kết thúc.

2. Bổ sung quy định về thông tin công bố định kỳ của Doanh nghiệp Nhà nước 

Điều 10 Nghị định 81/2015/NĐ-CP và Điều 108 Luật doanh nghiệp 2014 chỉ quy định các thông tin phải công bố định kỳ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 47/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về thông tin công bố định kỳ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, cụ thể, các doanh nghiệp này phải định kỳ công bố các thông tin sau đây: 

  • Thông tin cơ bản về doanh nghiệp và Điều lệ công ty; 
  • Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm theo nội dung quy định tại Biểu số 3 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện; 
  • Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 06 tháng của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 5 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hằng năm; 
  • Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức hằng năm của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 6 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện; 
  • Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trong vòng 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

3. Bổ sung trường hợp tạm hoãn công bố thông tin 

Nghị định 81/2015/NĐ-CP chỉ liệt kê một trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin đó là “vì lý do bất khả kháng”. Căn cứ quy định tại Điều 7.1 Nghị định 81/2015/NĐ- CP: “Trường hợp việc công bố thông tin không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và phải thực hiện công bố thông tin ngay sau khi sự kiện bất khả kháng được khắc phục”. 

Tuy nhiên Nghị định 47/2021/NĐ- CP bổ sung thêm trường hợp “cần sự chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối những nội dung cần hạn chế công bố thông tin”. Theo đó căn cứ Điều 26 có 02 (hai) trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin: (i) vì lý do bất khả kháng hoặc (ii) cần sự chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối những nội dung cần hạn chế công bố thông tin. 

4. Bổ sung quy định về Tài khoản công bố thông tin của doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp 

Điều 22 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về nội dung của Tài khoản công bố thông tin của doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp gồm: (i) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết lập và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tài khoản công bố thông tin; (ii) nội dung của tài khoản bao gồm: thông tin về người đại diện theo pháp luật, thông tin cơ bản về doanh nghiệp; (iii) việc đổi mật khẩu của doanh nghiệp. 

5. Sửa đổi hình thức xử lý vi phạm công bố thông tin 

Nghị định 47/2021/NĐ-CP không còn quy định hình thức xử lý vi phạm là khiển trách và cảnh cáo đối với người quản lý doanh nghiệp, thay vào đó, theo khoản 2 Điều 33 cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ theo thẩm quyền đánh giá, xếp loại người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định hiện hành về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều luật này.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan