Học Ngôn ngữ Anh ra trường làm gì?

Thị trường việc làm

| 10 tháng 8 2021

| bởi CTW.vn

image
Cơ hội việc làm ngành ngôn ngữ Anh

Trong thời buổi toàn cầu hóa, tiếng Anh là công cụ cần thiết trong mọi ngành nghề trên khắp thế giới. Với tấm bằng Ngôn ngữ Anh, ngoài việc trở thành giáo viên ngoại ngữ hay phiên dịch/ biên dịch viên, vẫn còn rất nhiều cơ hội việc làm khác bạn có thể lựa chọn. 

1. Ngành báo chí, truyền thông

Nếu bạn đang tìm việc làm ngành ngôn ngữ anh, bạn có thể tìm hiểu về các ngành nghề trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Tùy thuộc vào lĩnh vực bạn quan tâm, sẽ luôn có hướng đi thích hợp phù hợp cho các bạn sinh viên học ngôn ngữ Anh trong lĩnh vực báo chí, truyền thông do bản chất của ngành đòi hỏi sử dụng kỹ năng nói, viết tốt để truyền tải thông điệp. Sinh viên ngành ngôn ngữ Anh có thể thử sức với nhiều vị trí khác nhau, từ sản xuất, viết, hiệu đính, viết đánh giá, phê bình, quảng bá tới quản lý, điều hành.

Để tăng cơ hội trúng tuyển lĩnh vực báo chí, truyền thông, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nên trau dồi kinh nghiệm qua các vị trí thực tập, xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội hay viết blog về những chủ đề mình đam mê để rèn luyện khả năng viết lách. 

2. Ngành sư phạm và học thuật

Học ngôn ngữ Anh có làm giáo viên được không? Hoàn toàn có thể!

Trước đó, vào năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT. Đến năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT. Thời điểm đó, có 14 trường đại học sư phạm và 52 trường đại học có khoa (ngành) sư phạm được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải dừng đào tạo, cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư cho phép thực hiện lại chương trình này kể từ 22/05/2021.

Thông tin chi tiết vui lòng tham khảo: Không học sư phạm nhưng có ước mơ trở thành “người lái đò”, liệu có thể không?

Như vậy, để trở thành giáo viên thì sinh viên Ngôn ngữ Anh cũng không ngoại lệ mà vẫn cần sở hữu chứng chỉ sư phạm. Theo học ngành ngôn ngữ Anh cũng là một bước đệm tốt để phát triển kiến thức, kỹ năng sư phạm cần thiết. Với giáo viên cấp tiểu học hoặc trung học, bạn sẽ cần có thêm chứng chỉ sư phạm và kinh nghiệm dạy học, làm việc với trẻ em, thiếu niên. Với cấp đại học, bạn sẽ cần ít nhất bằng thạc sĩ chuyên ngành của mình hoặc cao hơn. 

Tương tự như ngành báo chí, công việc học thuật, giảng dạy phù hợp với sinh viên ngôn ngữ Anh bởi nó đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, bao gồm kỹ năng nói và viết ở trình độ cao. Các giảng viên đại học thường xuyên phải viết báo cáo, tạp chí chuyên ngành, viết sách, nghiên cứu hay làm diễn giả cho các chương trình truyền hình, talkshow,...

Để tăng cơ hội trúng tuyển trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, bạn hãy thường xuyên trau dồi kinh nghiệm truyền đạt kiến thức cũng như làm việc với thanh thiếu niên hoặc có đóng góp trong các dự án nghiên cứu.

3. Marketing, quảng cáo, quan hệ công chúng

Các công việc trong ngành marketing, quảng cáo và quan hệ công chúng cũng là những việc làm ngôn ngữ anh phổ biến. Đối tượng khách hàng, công chúng mà doanh nghiệp hướng đến giờ đây không chỉ giới hạn trong nước. Vì vậy, vốn tiếng Anh tốt sẽ là “vũ khí lợi hại" giúp bạn được ưu tiên tuyển dụng để làm việc với các đối tác, khách hàng và thị trường nước ngoài. Những ngành nghề này đều cần thiết với hầu hết mọi doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, đừng ngần ngại thử sức mình nếu bạn mong muốn làm việc trong lĩnh vực này nhé!

Bên cạnh yêu cầu về kỹ năng giao tiếp xuất sắc cũng như vốn ngoại ngữ tốt, bạn cần trau dồi thêm tư duy kinh doanh, tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận, mở rộng thị trường hoặc tăng độ nhận diện thương hiệu. Nếu có những điều trên, đặc biệt là tư duy chú trọng vào lợi nhuận, bạn có thể thương lượng mức lương cao hơn tương đối so với các vị trí sáng tạo thuần túy và con đường sự nghiệp tương lai cũng thuận lợi hơn. 

Để tăng cơ hội trúng tuyển, hãy trau dồi thêm các kỹ năng và kinh nghiệm về marketing cũng như liên tục cập nhật những xu thế quảng cáo mới từ thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, bạn nên học cách quảng bá hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội hoặc qua các phương thức khác. Đây chính là một điểm cộng tuyệt vời trong mắt các đơn vị tuyển dụng đấy. 
 
4. Làm việc trong lĩnh vực công, cơ quan nhà nước

Sinh viên Ngôn ngữ Anh cũng có thể tìm hiểu cơ hội việc làm trong lĩnh vực công, cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhân viên chính phủ, các viên chức nhà nước cũng cần trang bị vốn tiếng Anh chuyên sâu. Mỗi năm, các cơ quan nhà nước đều tuyển dụng một số lượng lớn viên chức, nhân viên hành chính, nhân viên dân sự, y tế, viên chức Chính phủ,...

Các sinh viên ngôn ngữ Anh sẽ phù hợp để làm việc trong lĩnh vực công, cơ quan nhà nước ở các nước nói tiếng Anh nhờ khả năng ngôn ngữ, giao tiếp tiếng Anh tốt; khả năng nghiên cứu và phân tích thông tin hay hiểu biết về lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội. Để làm việc trong lĩnh vực công, bạn phải là một người có tổ chức, kỹ năng lãnh đạo và sự quyết đoán. 

Để tăng cơ hội trúng tuyển, hãy không ngừng trau dồi vốn kiến thức của mình về lĩnh vực công, những vấn đề liên quan tới văn hóa, xã hội, chính trị, đồng thời hãy rèn luyện tính tổ chức và khả năng tuân thủ quy định nghiêm ngặt

5. Ngành luật

Cơ hội việc ngành tiếng Anh pháp lý luôn mở rộng cho các bạn sinh viên ngành ngôn ngữ Anh. Các bạn thường được trang bị nhiều kỹ năng mà lĩnh vực pháp lý cần có như khả năng đàm phán, thuyết phục, giải quyết vấn đề hay sắp xếp lập kế hoạch. Để trở thành luật sư hoặc công tố viên, sinh viên vẫn cần có bằng cấp, chứng chỉ chính quy về Luật. Tuy nhiên, công việc trong ngành pháp lý không chỉ giới hạn ở một số vị trí đó. Với tấm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh, bạn có thể làm việc trong các bộ phận hành chính, vận hành hay nghiên cứu của tòa án, văn phòng luật, phòng pháp chế của doanh nghiệp,... 

Nếu bạn muốn ứng tuyển vào những vị trí chuyên môn về Luật, bạn có thể đi học thêm các chứng chỉ cần thiết để bổ sung. Các khóa học này thường kéo dài ít nhất 1 năm để giúp bạn cập nhật những kiến thức mới nhất để có thể trở thành luật sư. 

Để tăng cơ hội trúng tuyển ngành Luật, những phẩm chất như khả năng làm việc có tổ chức, tính tỉ mỉ, cẩn thận rất được đề cao. Bên cạnh đó, bạn cần trang bị kiến thức về Luật pháp chung cũng như hiểu biết về các thuật ngữ pháp lý.

6. Ngành kinh doanh, kế toán, tài chính

Nếu bạn vừa giỏi ngôn ngữ, vừa có thể làm việc với những con số, hãy cân nhắc việc theo đuổi lĩnh vực kinh doanh, kế toán, tài chính. Đối với sinh viên ra trường, đây luôn là những ngành nghề được đánh giá cao và có sẵn nhiều cơ hội việc làm đa dạng. Khi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, kế toán hay tài chính, nhiều khả năng bạn sẽ cần giao tiếp, trao đổi với đối tác nước ngoài. Kỹ năng đọc hiểu tài liệu, làm báo cáo mà sinh viên ngôn ngữ Anh sở hữu cũng rất hữu dụng ở vị trí kế toán. 

Không phải vị trí nào trong doanh nghiệp cũng cần hiểu biết về toán học. Các vị trí hành chính cũng là cơ hội tốt cho bạn phát triển kỹ năng lãnh đạo, tư duy chiến lược, trau dồi kỹ năng giao tiếp. Trong lĩnh vực này, sự chăm chỉ, hợp tác và khả năng đón góp các sáng kiến sẽ giúp cho bạn tiến xa.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, hãy trang bị cho mình những kỹ năng mềm như kinh nghiệm lãnh đạo, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp cũng như hiểu biết về kinh doanh, kinh tế, tài chính, cập nhật thông tin thị trường và tình hình kinh tế hiện tại.

7. Ngành nhân sự, tuyển dụng

Nhân sự, con người luôn là yếu tố cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Để làm việc trong lĩnh vực nhân sự, bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt và kỹ năng đàm phán khi gặp các ứng viên bởi bạn là người đại diện cho công ty, đem đến ấn tượng ban đầu về công ty đến với từng ứng viên. Sinh viên ngành ngôn ngữ Anh sẽ có lợi thế khi làm việc trong ngành nhân sự, nhất là tại các doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn tổ chức các cuộc phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh. Ngoài ra, người học ngôn ngữ sẽ có một sự nhạy cảm nhất định về tâm lý con người, các sắc thái sử dụng từ ngữ. Đây là điều quan trọng giúp bạn thăng tiến trở thành một quản lý nhân sự.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, bạn không cần một tấm bằng chuyên ngành để làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh cho hồ sơ của mình, hãy cố gắng thể hiện đam mê với nghề hoặc những kinh nghiệm liên quan. Người làm nhân sự cũng nên có khả năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ và một mạng lưới quen biết rộng. 

8. Freelancer (người làm việc tự do)

Một trong ưu điểm của việc học ngôn ngữ Anh và thành thạo ngoại ngữ này là bạn có thêm nhiều lựa chọn về hình thức làm việc: làm toàn thời gian tại công ty, tổ chức, cơ quan hoặc làm tự do. Bạn hoàn toàn có thể nhận hợp đồng, dự án dịch, viết lách, review cho các trang web nước ngoài, làm sub video, phim truyện, dạy tiếng Anh online,... và kiếm được khoản thu nhập tốt trong khi tự do hơn về thời gian.

Ngoài những ngành nghề trên, các bạn sinh viên Ngôn ngữ Anh hoàn toàn có thể trau dồi thêm kỹ năng mềm, học thêm các chứng chỉ nghiệp vụ cần thiết hay thực tập tại các công ty, doanh nghiệp để có thể thử sức ở các lĩnh vực:

  • Hướng dẫn viên du lịch 
  • Các trung tâm nghiên cứu, các phòng – ban chuyên về ngôn ngữ, ngôn ngữ học ứng dụng, v.v.
  • Các trung tâm ngoại ngữ, các lớp học chuyên biệt trong các công ty, xí nghiệp 
  • Các công ty trong và ngoài nước, đáp ứng nguồn nhân lực về các lĩnh vực dịch vụ khách hàng, truyền thông, đối ngoại, v.v.
  • Thư ký, trợ lý
  • Xuất nhập khẩu 
  • Tiếp viên hàng không, v.v.

Nhờ khả năng tiếng Anh thành thạo cùng với các kiến thức về văn hóa, xã hội có được trong suốt quá trình học, các sinh viên Ngôn ngữ Anh có khả năng hòa nhập tốt, cảm thông, am hiểu và tôn trọng các nền văn hóa khác biệt. Điều này cũng tạo tiền đề để các bạn sẵn sàng chấp nhận cũng như học hỏi từ sự khác biệt của cả những cộng sự đến từ các quốc gia khác nhau lẫn các bạn học hay đồng nghiệp có cá tính khác biệt. Cơ hội phát triển bản thân cũng như cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp từ đó mà nhiều hơn.

Cố vấn việc làm

Bạn cần được cố vấn việc làm và tìm việc, hãy click vào đây

Ngoài ra, để luôn được cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất, hãy tham gia vào nhóm 𝗭𝗮𝗹𝗼 của 𝗖𝗮𝗻𝗧𝗵𝗼𝗪𝗼𝗿𝗸.𝘃𝗻 cho từng lĩnh vực:

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan