Mô tả công việc Giám sát sản xuất nhà máy

Sản xuất (Vận hành, Gia công)

| 21 tháng 12 2020

| bởi CTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
Giới thiệu về công việc Giám sát sản xuất

Giám sát sản xuất là người sẽ tham gia vào việc lập kế hoạch, điều phối và kiểm soát các quy trình sản xuất. Nhiệm vụ chung của họ là đảm bảo hàng hóa và dịch vụ được sản xuất hiệu quả đáp ứng yêu cầu về số lượng, chi phí và chất lượng. Tuỳ vào từng hệ thống sản xuất, quy mô sản xuất, nhiệm vụ của giám sát sản xuất cũng sẽ thay đổi và đa dạng hơn, bao quát cả các công việc liên quan đến quản lý nhân công.

Yêu cầu đối với Giám sát sản xuất

Công việc Giám sát sản xuất đòi hỏi người:

  • Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, quản lý, giám sát,...
  • Có bằng cử nhân đại học các chuyên nghành về quản lý, các ngành nghề sản xuất,..
  • Có kỹ năng quản lý dự án: Đây là kỹ năng quan trọng mà nhân viên quản lý sản xuất cần có. Bạn cần trau dồi kỹ năng quản lý dự án để hỗ trợ công việc được thực hiện thuận lợi hơn.
  • Kiến thức về các nghành nghề sản xuất.
  • Biết đào tạo, hướng dẫn nhân viên làm việc theo nhóm.

Các chuyên ngành học liên quan đến vị trí Giám sát sản xuất

Nhân viên quản lý sản xuất thường có bằng cao đẳng trở lên các chuyên ngành khác nhau, tùy vào lĩnh vực sản xuất bạn tham gia. Chẳng hạn nếu bạn làm trong doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến thì bằng cấp các ngành sinh hóa, chế biến, sinh học sẽ phù hợp, còn nếu bạn làm trong xưởng may thời trang thì học về may công nghiệp hay thiết kế sẽ dễ xin việc hơn.

Nhân viên quản lý sản xuất có thể học các chuyên ngành như Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Quản trị kinh doanh hoặc các lĩnh vực chuyên môn như đã đề cập ở trên. Nếu làm việc trong các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài thì nhân viên quản lý sản xuất cũng thường được yêu cầu có khả năng ngoại ngữ để báo cáo trực tiếp cho quản lý và ban giám đốc khi cần.

Mức lương tham khảo của vị trí Giám sát sản xuất

Mức lương tham khảo của vị trí Giám sát sản xuất

Mức thu nhập của bạn sẽ được thỏa thuận dựa trên kinh nghiệm làm việc và quy mô của nhà máy, xưởng sản xuất. Mức lương khởi điểm của nhân viên quản lý sản xuất là từ 4,5 triệu/tháng nhưng phổ biến trong khoảng từ 9 -13 triệu/tháng và cao nhất có thể lên đến 33,8 triệu/tháng. So với các vị trí nhân viên khác thì nhân viên quản lý sản xuất có mức lương khá cao dù vai trò này chưa phải là quản lý hay giám sát. Ngoài ra, lương của nhân viên quản lý sản xuất tăng khá nhanh, thường là 1 năm tăng khoảng 2 - 3 triệu/tháng.

Cơ hội việc làm của vị trí Giám sát sản xuất

Sự phát triển của nền kinh tế tập trung vào công nghiệp (và dịch vụ) để tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm nhân viên quản lý sản xuất. Các công ty, nhà máy, xưởng sản xuất thường xuyên tuyển vai trò này, miễn là bạn có kinh nghiệm làm việc trong môi trường sản xuất và đáp ứng được những yêu cầu về trình độ và kỹ năng thì bạn có thể ứng tuyển. Nói cách khác, luôn có sẵn nhiều việc làm nhân viên quản lý sản xuất, điều quan trọng là bạn có đủ trình độ, kinh nghiệm hay không.

Mô tả công việc Giám sát sản xuất

Tham gia điều phối hoạt động sản xuất 

  • Tham gia xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm của nhà máy.
  • Tham gia xây dựng các kế hoạch định mức nguyên vật liệu.
  • Triển khai các kế hoạch sản xuất được quản lý phê duyệt.
  • Phân công, đôn đốc công nhân làm việc, đảm bảo hoàn thành các kế hoạch sản xuất đã đề ra.
  • Chủ động giám sát quá trình làm việc của công nhân để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng theo yêu cầu
  • Xây dựng, bổ sung và sửa đổi hướng dẫn sản xuất, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, thực hiện tài liệu mô tả sản phẩm. 
  • Giám sát quá trình sản xuất, quá trình làm việc của công nhân, chuyền trưởng, trưởng bộ phận... để đảm bảo sử dụng nguyên liệu hợp lý, sản phẩm được thực hiện theo đúng hướng dẫn của quy trình sản xuất. 
  • Kịp thời phát hiện những sản phẩm bị lỗi. Điều tra các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, phân tích nguyên nhân và có hướng khắc phục nhanh chóng. 
  • Luôn kiểm tra để đảm bảo yêu cầu về an toàn trong hoạt động sản xuất hàng ngày. 
  • Xử lý các tình huống, sự số phát sinh trong quá trình sản xuất của nhà máy.

Cải tiến sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm mới 

  • Phối hợp với bộ phận liên quan nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đưa ra các giải pháp cải tiến sản phẩm cũ, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
  • Tham gia lập kế hoạch phát triển các sản phẩm mới của công ty, lựa chọn nguyên vật liệu, làm hàng mẫu.
  • Triển khai các kế hoạch sản xuất sản phẩm mới khi được yêu cầu.

Hỗ trợ quản lý hệ thống máy móc, thiết bị 

  • Phối hợp với bộ phận kỹ thuật nhanh chóng sửa chữa những máy móc, trang thiết bị bị hư hỏng để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ sản xuất.
  • Định kỳ phối hợp với bộ phận kỹ thuật của nhà máy triển khai việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị.
  • Đề xuất trang bị các công nghệ, dụng cụ, kỹ thuật mới cho dây chuyền sản xuất của nhà máy để nâng cao hiệu quả sản xuất và triển khai áp dụng khi đề xuất được duyệt và các trang thiết bị mới được nhập về.
  • Tổ chức bàn giao kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng máy móc mới cho nhân viên kỹ thuật, công nhân nhà máy.

Tham gia tuyển dụng, đào tạo công nhân 

  • Trực tiếp hoặc phân công hướng dẫn, đào tạo tay nghề cho công nhân mới làm việc hiệu quả.
  • Sắp xếp chức vụ, công việc cho nhân viên trực thuộc và tổ chức kiểm tra tay nghề. 
  • Căn cứ vào tình hình sản xuất và nhu cầu thực tế, lên kế hoạch và phối hợp với bộ phận nhân sự để tuyển dụng thêm nhân sự cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 
  • Tham gia quá trình phỏng vấn để tuyển chọn được những ứng viên có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu công việc. 
  • Lập và triển khai kế hoạch đào tạo nhân viên mới; đánh giá và bồi dưỡng những nhân viên tiềm năng. 
  • Tổ chức đánh giá hiệu quả làm việc của công nhân sản xuất và đề xuất những chế độ khen thưởng thích hợp nhằm động viên và thúc đẩy hiệu suất làm việc.

Phân tích, lập kế hoạch và quản trị hoạt động quản lý sản xuất (tùy yêu cầu của Công ty)

  • Phối hợp với bộ phận kinh doanh công ty để phân tích đơn hàng của khách hàng.
  • Làm việc trực tiếp với khách hàng để thoả thuận và chốt ngân sách, thời gian sản xuất và tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm dựa vào công suất máy móc và nguyên vật liệu hiện có.
  • Thực hiện việc lập kế hoạch và lịch trình sản xuất đáp ứng phù hợp theo yêu cầu của khách hàng, của công ty.
  • Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận sản xuất.
  • Hoạch định các thiết bị, nguyên vật liệu, nhân sự cần thiết cho mỗi đơn hàng để đảm bảo hoạt động sản xuất được liên tục.
  • Cần đảm bảo kế hoạch sản xuất thực hiện đúng tiến độ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và nằm trong khuôn khổ ngân sách cho phép.
  • Cân nhắc khối lượng công việc đang tồn để lập kế hoạch sản xuất cho các đơn hàng mới.

Các công việc khác 

  • Phối hợp làm việc với bộ phận thu mua để đảm bảo có đủ nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất.
  • Chủ động đề xuất những ý tưởng mới nâng cao hiệu quả hoạt động cho nhà máy.
  • Chủ động giám sát các vấn đề về an toàn lao động của công nhân, phòng cháy chữa cháy.
  • Đánh giá hiệu quả công việc của công nhân các chuyền sản xuất được giao giám sát.
  • Tham gia đầy đủ các cuộc họp liên quan và làm các báo cáo công việc theo yêu cầu.
  • Thực hiện các công việc khác khi được cấp trên yêu cầu.
Kỹ năng cần thiết của Giám sát sản xuất

Để ứng tuyển thành công cho vị trí Giám sát sản xuất làm việc hiệu quả, bạn cần rèn luyện các kỹ năng sau:

  • Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức sản xuất: 
    Giám sát sản xuất giỏi phải nắm bắt được những yêu cầu, chỉ tiêu sản xuất, đặc trưng của sản phẩm để có kế hoạch tổ chức sản xuất hợp lý nhất, có tính khoa học, tính chính xác và tính khả thi nhằm đạt được hiệu quả cao trong công việc.
  • Kỹ năng định mức và áp dụng mức lao động cho từng bộ phận sản xuất: 
    Việc xác định rõ tính chất của từng công đoạn công việc và từng bộ phận sản xuất sẽ giúp cho quản lý sản xuất áp dụng định mức lao động chính xác cho từng bộ phận, tránh gây ra những ảnh hưởng đến tiến độ, dây chuyền làm việc của cả đội sản xuất.
  • Hoạch định được lịch trình sản xuất: 
    Cần có kỹ năng sắp xếp phù hợp nhất, linh hoạt nhất dựa trên tính chất và đặc trưng của từng công việc, yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể để mỗi bộ phận có thể thực hiện thuận lợi và hiệu quả công việc.
  • Thúc đẩy và tạo động lực cho nhân viên: 
    Giám sát sản xuất cần có sự theo dõi và đánh giá chính xác hiệu quả công việc của nhân viên. Từ đó xây dựng những chế độ đãi ngộ, khen thưởng hợp lý nhằm thúc đẩy hiệu suất làm việc. Nắm bắt tốt tính chất công việc, áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật để có chiến lược tăng hiệu quả công việc nhưng giảm được giờ làm cho nhân viên.

Ngoài ra, Giám sát sản xuất cũng cần có các kỹ năng sau:

  • Kỹ năng tổ chức sản xuất
    Nhân viên quản lý sản xuất hay trưởng phòng sản xuất đều phải biết cách lên kế hoạch cho các hoạt động sản xuất một cách khoa học để có thể đảm bảo công việc được tiến hành và thực hiện, đáp ứng nhu cầu sản phẩm mà công ty đưa ra. Đây cũng là kỹ năng quan trọng mà bất cứ ai làm việc liên quan đến quản lý cũng cần phải có.
  • Kỹ năng giám sát tổng thể, chi tiết
    Công việc của quản lý sản xuất rất đa dạng và do vậy, họ cần rèn luyện kỹ năng giám sát của mình. Giám sát tổng thể quá trình sản xuất và chú ý đến từng chi tiết một cách cẩn thận là chìa khoá để đảm bảo hoàn thành công việc đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Kỹ năng này đòi hỏi nhân viên quản lý sản xuất phải là con người nhạy bén và cẩn thận, tỉ mỉ.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt
    Quản lý sản xuất cần biết cách nói chuyện và truyền đạt thông tin tốt vì họ là người thường xuyên phải tiếp xúc và làm việc với đội ngũ công nhân, ban lãnh đạo và nhân viên các bộ phận khác trong công ty. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp nhân viên quản lý sản xuất tạo dựng các mối quan hệ tốt giúp ích cho công việc của họ.
Giới thiệu thêm về Hoạt động quản lý sản xuất

Giới thiệu về quản lý sản xuất

Trong bất cứ ngành công nghiệp nào, việc quản lý sản xuất có vai trò quan trọng đảm bảo việc sản xuất hàng hoá hiệu quả và đúng tiến độ, đạt tiêu chuẩn về chất lượng cũng như số lượng theo đúng ngân sách quy định của mỗi công ty.

Quản lý sản xuất chính là một mắt xích quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thường gắn liền với các khu nhà máy, khu xưởng, xí nghiệp sản xuất. 

Vai trò của quản lý sản xuất là tham gia trực tiếp vào việc lên kế hoạch, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất nhằm đảm bảo việc cung cấp hàng hoá đúng thời gian, đạt yêu cầu về số lượng, đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã được đề ra trong kế hoạch sản xuất.

3 phương pháp quản lý sản xuất thường được áp dụng linh hoạt trong từng doanh nghiệp

  • Phương pháp tổ chức dây chuyền: 
    Quá trình sản xuất sẽ được chia thành từng bước công việc nhỏ theo một trình tự hợp lý và đáp ứng được yêu cầu về thời gian sản xuất quy định. Mỗi bộ phận làm việc sẽ chịu trách nhiệm thực hiện một công đoạn công việc nhất định. Vì vậy, mỗi bộ phận làm việc sẽ được trang bị máy móc, thiết bị và dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho công việc. Quá trình sản xuất hoạt động theo một chế độ hợp lý và có tính tổ chức cao.
  • Phương pháp sản xuất theo nhóm: 
    Các quy trình công nghệ, máy móc, dụng cụ được thiết kế làm chung cho cả nhóm chi tiết phù hợp dựa vào các chi tiết tổng hợp đã lựa chọn. Các chi tiết trong cùng nhóm được gia công trong cùng một lần điều chỉnh máy.
  • Phương pháp đơn chiếc:
    Được áp dụng để tổ chức sản xuất chế biến sản phẩm từng chiếc một hay từng đơn đặt hàng nhỏ. Theo phương pháp này, người ta không lập quy trình công nghệ một cách tỉ mỉ cho từng sản phẩm mà chỉ quy định những công việc chung cần thực hiện.

Quy trình quản lý sản xuất của doanh nghiệp

Để doanh nghiệp luôn đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất hàng hoá theo đúng kế hoạch đặt ra về thời gian sản xuất và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần thực hiện quy trình sản xuất chuẩn bao gồm những công việc sau:

  • Đánh giá năng lực sản xuất: 
    Nhằm xác định được thị trường có cần đến mặt hàng của mình hay không, cần nhiều hay ít và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.
  • Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu: 
    Căn cứ nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của doanh nghiệp, nhà quản lý cần hoạch định được nhu cầu nguyên vật liệu cần thiết để thực hiện công việc sản xuất được hiệu quả.
  • Quản lý quá trình sản xuất: 
    Quá trình sản xuất cần được phân chia thành các công đoạn cụ thể. Các công đoạn sản xuất cần đảm bảo tính phối hợp chặt chẽ để tránh những sai sót, những thất thoát trong quá trình sản xuất.
  • Quản lý chất lượng sản phẩm: 
    Giúp người quản lý nhận biết được chất lượng của quá trình sản xuất của mình ra sao để có kế hoạch xử lý cụ thể. Từ những báo cáo về số lượng, tính chất, đặc điểm, phân loại của từng loại sản phẩm mà nhà quản lý có thể định được giá cả sản phẩm khi bán ra thị trường và xử lý những sản phẩm bị lỗi.
Nguồn bài viết
Bài viết có liên quan