3 thói quen xấu khiến bạn cạn kiệt năng lượng

Tin tức

| 12 tháng 9 2021

| bởi CTW.vn

image

Thỉnh thoảng, khi chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm lý Ulrika Leons có nhiều việc cần phải hoàn thành, cô ấy sẽ trốn vào văn phòng mình vào buổi sáng sớm để không bị ai bắt gặp.

Cô ấy sẽ không chào hỏi ai, không uống cà phê mà chỉ đi thẳng một mạch vào văn phòng của mình.

Vì không ai biết rằng cô ấy đã tới từ sớm nên cuối cùng cô ấy có thể làm việc hiệu quả trong một vài giờ mà không bị gián đoạn. Và đó không phải là cách làm việc bất thường duy nhất mà cô áp dụng; cô ấy thường mở đầu một cuộc họp với những bài tập mindfulness (tỉnh thức). Cô ấy sẽ đảm bảo rằng không ai để điện thoại trên bàn và nếu cuộc họp diễn ra trong một thời gian dài, cô luôn đề xuất để mọi người nghỉ ngơi, đôi khi là trong im lặng.

Mặc dù nghe có vẻ lạ lùng, nhưng Leons nghĩ rằng mọi người nên áp dụng các phương pháp giống cô ấy.
Trao đổi với Business Insider, cô cho biết: "Chúng ta luôn đối xử không tốt với bộ não của mình ở nơi công sở. Chúng ta bận rộn và phân tâm cả ngày với điện thoại và đồng hồ thông minh, mặc dù tất cả đều đang cố gắng làm việc hiệu quả trong một văn phòng vô cùng bận rộn. Cuối cùng thì chúng ta chỉ làm cho bộ não của mình thêm mệt mỏi mà thôi."

Cô tiếp tục: “Và rồi vào cuối ngày, chúng ta tiếp tục hành hạ bộ não của mình bằng nhiều thông tin mới dồn dập trên mạng xã hội hay âm nhạc trên đường về nhà.

Chúng ta về nhà và xem một bộ phim hay cả một series phim mà không hề cho bộ não của mình ngơi nghỉ một giây phút nào.”

Cô nói thêm: “Cách làm việc của chúng ta đòi hỏi cần có năng lượng nhưng nó lại đang tiêu hao một cách không đáng. Bạn không lưu trữ thông tin và rồi cuối cùng làm việc không hiệu quả. Nếu bạn không cho phép bản thân một chút thời gian để hít thở, bạn sẽ có dễ dàng kiệt sức."

Tình trạng kiệt sức đã nhen nhóm trở thành mối quan tâm lớn hơn trong những năm gần đây. Giờ đây nó chính thức được phân loại là một vấn đề sức khỏe tinh thần, vì vậy từ bây giờ chúng ta nên bắt đầu những bước phòng ngừa hay ngăn chặn nó hoàn toàn.

Leons đã chia sẽ cùng Business Insider 3 tip hữu ích để chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình tốt hơn khi bạn đang làm việc.

1. Không tắt các thông báo

Nhiều người trong chúng ta làm những công việc đòi hỏi phải sử dụng trí óc cả ngày, điều này nghĩa là bạn phải tập trung vào một số nhiệm vụ nhất định.

Để làm được điều này trong văn phòng không phải chuyện dễ dàng bởi xung quanh bạn là các đồng nghiệp, những người thỉnh thoảng muốn hỏi thăm hay hỏi bạn một câu hỏi: "Vụ khách hàng đó sao rồi?" hoặc "Anh/Chị có thể xem qua email đó một chút không?"

Cô giải thích: "Nếu ai đó làm bạn sao nhãng, có thể phải mất từ 5-25 phút để bạn có thể hoàn toàn tập trung trở lại. Bạn cần năng lượng mọi lúc để chuyển đổi qua lại các nhiệm vụ. Nếu phải chuyển đổi cả ngày, bạn sẽ kiệt sức lúc tan sở về nhà."

“Mặc dù việc đồng nghiệp hỏi han nhau là một phần trong cuộc sống đi làm của hầu hết mọi người, nhưng nó sẽ gây mất tập trung rất nhiều.”
Đó là lý do tại sao Leons khuyên bạn nên tách mình ra khỏi đồng nghiệp nếu bạn muốn tập trung tuyệt đối: "Rất dễ để làm được điều này. Chẳng hạn như đeo tai nghe. Bởi vì nếu ai đó đang đeo tai nghe, bạn thực sự không thể làm phiền họ trong một khoảng thời gian."

Có những cách khác để đảm bảo bạn không bị phân tâm liên tục. Ví dụ như bạn có thể ngồi xa các không gian chung trong văn phòng một chút.

"Bạn có thể đề xuất mọi người nên vào phòng họp hay bất kỳ nơi nào khác không gian làm việc chung để nghe điện thoại. Bằng cách đó, họ không ảnh hưởng đến các đồng nghiệp khác."

2. Không để tâm "đường cong tập trung" của bạn

Nếu bạn biết trước rằng bạn cần phải hoàn thành một task đòi hỏi sự tập trung cao độ trong một giờ đồng hồ, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ về khoảng thời gian trong ngày mà bạn chọn để thực hiện nó.

Leons nói thêm: "Ai cũng có một “đường cong tập trung” biểu thị những thời điểm dễ tập trung hơn và những lúc khó hơn trong ngày. Hầu hết mọi người sẽ tập trung tốt hơn vào buổi sáng thay vì buổi chiều".

Các tổ chức khác nhau sẽ có lịch trình làm việc hàng ngày khác nhau.

“Chẳng hạn như đôi khi có một cuộc họp vào mỗi buổi sáng hoặc văn phòng sẽ nhiều việc hơn một chút vào buổi chiều.”

Cô cho biết: “Nếu bạn phải hoàn thành những task tương đối đơn giản mà chỉ cần tập trung vài phút, thường thì bạn có thể thực hiện chúng ngay cả khi văn phòng đang bận rộn. Tuy nhiên, để tối ưu sự tập trung, hãy cố gắng làm việc ưu tiên vào buổi sáng khi mà văn phòng còn yên tĩnh."

"Lên kế hoạch, sắp xếp các cuộc họp có thể sẽ là một cách hữu ích để nâng cao năng suất làm việc của bạn." Theo Climate KIC/Unsplash

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng điều này đòi hỏi bạn phải điều chỉnh lịch trình của mình. "Nếu áp dụng đúng cách, bạn sẽ làm việc hiệu quả và tĩnh tâm hơn rất nhiều về lâu dài."

Việc thống nhất với mọi người trong công ty về một khoảng thời gian làm việc cố định (hoặc nhiều khoảng) trong tuần cũng là chuyện hợp tình hợp lý bởi vì làm như vậy sẽ giúp mọi người làm việc một cách tập trung tuyệt đối. "Chẳng hạn như, nếu không có bất kỳ cuộc họp nào vào sáng thứ 5, bạn có thể thống nhất với mọi người đó sẽ là “giờ giới nghiêm” khi mọi người có thể làm việc trong vài giờ liền mà không bị làm phiền.

3. Đừng bắt não bạn làm việc quá sức

Đã bao giờ bạn cho phép mình cảm thấy buồn chán, hay bạn luôn kết thúc một ngày bằng việc đọc tin tức lúc tan làm?

Có bao giờ bạn chợt nhận ra mình có thói quen mang theo điện thoại vào phòng tắm không?

Leons giải thích rằng điều quan trọng là cho đầu óc bạn được xả hơi. Cô tiếp tục: “Nếu bạn kết thúc mỗi ngày bằng sự kích thích hay giải trí, não của bạn sẽ không bao giờ có cơ hội phục hồi và bạn sẽ có nguy cơ bị kiệt sức.”

Theo Shutterstock, "Leons nói rằng điều quan trọng của việc nghỉ ngơi nằm ở chỗ bạn thực sự không cần làm gì cả." 

Cô nói tiếp: "Trước đây, những khoảng thời gian tĩnh lặng vào ban ngày là một hiện tượng tự nhiên. Bạn sẽ không cần phải làm gì khi đang đợi xe buýt. Nhưng giờ đây, chúng ta lại lấp đầy những khoảng thời gian trống đó bằng một ván game hay lướt một chút (hoặc “nhiều chút”) mạng xã hội. Tuy nhiên, sự buồn chán và mộng mơ chính là những khoảnh khắc phục hồi dành cho não bộ. Mọi người thường trộn lẫn “sự yên bình” với “sự hài lòng”. Xem một bộ phim, bạn cảm thấy như mình đang thư giãn, nhưng sự thật là bộ não của bạn sẽ không được nghỉ ngơi."
Bạn sẽ không thể nghỉ ngơi nếu sau một ngày dài chỉ muốn tan làm về nhà để bắt đầu xem một bộ phim. Bạn thực sự không cần làm gì hết! Bạn có thể pha một tách trà (dĩ nhiên là loại trà có công dụng ngủ ngon rồi) hoặc sữa nóng, ngắm nhìn bầu trời bên ngoài cửa sổ mà không cần phải suy nghĩ gì về công việc cả.

Nếu phương pháp đó khó khăn với bạn, vẫn còn nhiều cách khác mà bạn có thể áp dụng để việc nghỉ ngơi hiệu quả trở nên có ý thức hơn dù chỉ một chút. Ví dụ, bạn có thể thiền, đi dạo hoặc đơn giản là quan sát mọi thứ nhỏ nhặt xung quanh mình.

"Điều quan trọng nhất là thỉnh thoảng hãy đối xử tốt với bản thân theo cách phù hợp nhất với bạn."

Làm thế nào để bắt đầu?

"Hãy đơn giản nhìn ra ngoài cửa sổ ngay bây giờ và đừng làm gì nữa cả. Bạn sẽ cảm thấy mơ màng và không còn tập trung vào công việc! Từ cách làm đó, bạn có thể tự tìm ra những cách khác để mang lại cảm giác tương tự nhưng phù hợp với bạn hơn."

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan