Liệu mở vô số tab trên màn hình máy tính có làm bạn chậm tiến độ?

Tin tức

| 22 tháng 1 2022

| bởi CTW.vn

image
Bạn đang đa nhiệm hay ôm đồm?

Bạn có biết ai đó thường xuyên bật 10 tab làm việc trên laptop của họ không? Có lẽ họ đang khởi đầu hàng tá dự án, nhưng chẳng có dự án nào hoàn thiện. Những người này thực sự tin rằng càng trở nên đa nhiệm, họ sẽ càng hoàn thành được nhiều việc hơn. Thực tế là, họ đang vô tình kìm hãm năng suất và khả năng sáng tạo và luôn đặt bản thân vào trạng thái bất ổn và căng thẳng.

Nói như thế không có nghĩa đa nhiệm là tiêu cực; cách tiếp cận đa chiều sẽ mang lại nhiều lợi ích cho một số dự án. Một số nhiệm vụ có thể hoạt động song song, chẳng hạn như việc đợi email và bắt đầu trang trình chiếu hoặc gửi bản đề xuất và bắt đầu dự án mới trong khi chờ phản hồi.

Làm cùng lúc nhiều dự án xung đột, mâu thuẫn nhau mới là vấn đề, đặc biệt khi chúng không liên quan gì đến nhau.

Theo Lisa Nirell - Tác giả của cuốn “The Mindful Marketer”, một số ví dụ phổ biến về đa nhiệm kém hiệu quả bao gồm:

  • Nhắn tin trong các cuộc họp;
  • Nhắn tin khi lái xe;
  • Lướt web bằng điện thoại;
  • Mở nhiều tab cùng một lúc;
  • Liên tục nhìn điện thoại khi tham gia các hoạt động xã hội.

Cuốn sách của Nirell như một nghiên cứu phong phú nhấn mạnh những hậu quả của đa nhiệm, bao gồm:

  • Thiệt hại kinh tế đáng kể;
  • Cuối cùng làm bạn chậm tiến độ;
  • Giảm khả năng xử lý và lưu giữ thông tin;
  • Hy sinh sự hài lòng vì tốc độ.

Khi làm việc đồng thời nhiều nhiệm vụ, bạn có thể không nhận thức được rằng bạn đang điều chỉnh nhịp độ làm việc, chiến lược và trạng thái tinh thần của mình khi đang ở giữa những suy nghĩ. Sự tập trung bị phân tán gây ra căng thẳng, thất vọng cũng như khối lượng công việc, nỗ lực và áp lực sẽ tăng lên.

Sự gián đoạn liên tục làm bạn tiêu tốn nhiều thời gian hơn cho mỗi công việc. Điều này khiến bạn phải đối mặt với áp lực thời gian lớn hơn. Bạn cũng không hoàn thành được nhiều việc hơn như bạn tưởng. Nirell viết: “Đa nhiệm khiến bạn tập trung vào việc khắc phục các vấn đề của ngày hôm nay, chứ không tập trung vào những đổi mới của ngày mai”.

Đa nhiệm không hiệu quả sẽ trở thành “ôm đồm” công việc.

Cô cũng đưa ra một số mẹo để giảm thiểu tình trạng ôm đồm và cuối cùng làm việc hiệu quả hơn:

Lên lịch các cuộc họp ngắn hơn

Đâu phải cuộc họp nào cũng phải kéo dài tới 30 hoặc 60 phút? Hãy giảm xuống còn 20 hoặc 45 phút.

Nhìn vào mắt mọi người

Khi nói chuyện với ai đó, hãy giao tiếp bằng mắt với họ và đừng để các thiết bị khiến bạn phân tâm.

Đóng cửa 

Nếu bạn cần tập trung, hãy đóng cửa lại. Dán một tờ note trước cửa nếu cần để mọi người nhận được tín hiệu và không làm phiền bạn.

Khoảng thời gian không dùng thiết bị

Đặt ra một khoảng thời gian trong ngày  để tự hứa không nhìn vào điện thoại.

Tất cả chúng ta đều có rất nhiều việc phải làm, quỹ thời gian thì lại ít trong khi danh sách việc cần làm đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tối ưu hóa nỗ lực của mình thông qua việc hiểu rõ cách tối đa hóa sự tập trung và nỗ lực, cách tìm thấy sự tập trung sâu và đi vào trạng thái dòng chảy. Trạng thái khó nắm bắt này xảy ra khi thời gian như ngừng trôi và bạn đang làm việc ở mức năng suất cao nhất.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan