15 chiến thuật giữ chân nhân tài trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh ngày nay

Kỹ năng lãnh đạo, quản lý

| 25 tháng 10 2021

| bởi CTW.vn

image

Nhiều chuyên gia nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp đã tranh luận rất nhiều để tìm câu trả lời. Từ chia sẻ về các chính sách ưu đãi quan trọng nhất hiện nay cho đến làm nổi bật các xu hướng chăm sóc sức khỏe nhân viên trong môi trường làm việc kết hợp đã đúc kết được một số cách giữ chân nhân viên cho tổ chức của bạn.

Dưới đây là các chiến lược giữ chân nhân viên hiệu quả nhất hiện nay:

  1. Trở nên linh hoạt trước các tình huống trong công việc và cuộc sống
  2. Các đặc quyền mang tính cá nhân là chìa khóa
  3. Chủ động quản lý những căng thẳng trong công việc
  4. Tiến hành các dự án thú vị
  5. Bắt đầu bằng sự tin tưởng
  6. Đặt trải nghiệm của nhân viên làm ưu tiên hàng đầu
  7. Cung cấp lựa chọn làm việc từ xa
  8. Tập trung vào sức khỏe tài chính
  9. Thường xuyên công nhận nhân viên 
  10. Tài trợ cho văn phòng tại nhà
  11. Khả năng lãnh đạo thích nghi
  12. Tạo cơ hội được đào tạo liên tục
  13. Các ứng dụng sức khỏe thể chất và sức khỏe toàn diện
  14. Tập thể dục, thể thao
  15. Giữ chân nhân viên không phải là một chiến thuật, mà là một thành quả
1. Trở nên linh hoạt trước các tình huống trong công việc và cuộc sống

Lực lượng lao động ngày nay nhận thức được rằng các vị trí việc làm và nhà tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài. Tính linh hoạt là một trong những nhân tố hàng đầu mà các ứng viên đang tìm kiếm. Đó không còn là thời gian nghỉ ngơi hay nghỉ lễ thông thường, mà là sự linh hoạt xoay quanh các yếu tố bên ngoài của gia đình và cuộc sống. Tạo ra một môi trường cho phép nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà thay vì một ngày làm việc đứt quãng sẽ tạo điều kiện để họ có thời gian cho một dự án cộng đồng hay các sự kiện của gia đình. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ có thời gian để nạp lại năng lượng. Những tình huống mà tất cả chúng ta phải đối mặt trong năm vừa qua và tiếp tục phải đối mặt trong những năm tiếp theo đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về giá trị của nhà tuyển dụng.

Theo Michelle Gray - Chuyên gia tư vấn nhân sự tại Công ty tư vấn nhân sự Integra

2. Các đặc quyền mang tính cá nhân là chìa khóa

Các nhân viên sẽ cần sự linh hoạt và cá nhân hóa. Ví dụ, nhiều công ty đang đi đúng hướng khi tập trung vào sức khỏe tinh thần của đội ngũ của họ, nhưng liệu rằng một ứng dụng sức khỏe tinh thần có là công cụ phù hợp cho từng cá nhân không? Hay nó sẽ được áp dụng cho toàn bộ đội ngũ? Đó là lý do tại sao hầu hết các kiểu đặc quyền đó đều cho mức độ tương tác chỉ dưới 10%. Một cách tiếp cận hiệu quả hơn là hỗ trợ sức khỏe toàn diện của nhân viên, nhưng hãy để họ xác định đâu là phương pháp phù hợp nhất với họ. Có thể một người sẽ chỉ cần chạy ngoài trời cùng một đôi giày thể thao. Nhưng một người khác lại cần đăng ký Peloton, trị liệu hay tập gym. Cá nhân hóa các đặc quyền là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người trong đội ngũ của bạn.

Amy Spurling, CEO tại Compt

3. Chủ động quản lý những căng thẳng trong công việc

Đầu tiên, hãy coi sức khỏe của nhân viên như một động lực để thúc đẩy sự gắn kết. Chúng tôi đã biết rằng nhà tuyển dụng luôn mong đợi sự gắn kết với công việc của các nhân sự thuộc Gen Y và Gen Z. "Nếu không yêu công việc và học hỏi được điều gì từ nó, bạn sẽ dễ dàng từ bỏ." Nhu cầu về sức khỏe gia tăng do xu hướng làm việc từ xa và kết hợp. Thứ hai, việc không chủ động quản lý sức khỏe tinh thần và những căng thẳng liên quan đến công việc sẽ dẫn đến quản lý kinh doanh kém. Theo Wellable, hơn 88% các công ty lớn đang tăng cường đầu tư vào các chương trình sức khỏe tinh thần. Một cuộc khảo sát CEO của Deloitte/Fortune được thực hiện vào đầu năm 2021 cho thấy có đến 98% các đáp viên cho biết sức khỏe tinh thần của nhân viên sẽ được ưu tiên kể từ năm 2021. Mặc dù một chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần là cần thiết và tuyệt vời, nhưng chỉ điều đó thôi là chưa đủ trừ khi nó được tổ chức và phổ biến theo cách mà các nhân viên có thể tiếp cận được và cho kết quả tích cực.

Theo George Vergolias - Giám đốc bệnh viện R3 Continuum

4. Tiến hành các dự án thú vị

Hầu hết các công việc đều yêu cầu các kỹ năng có thể áp dụng được nhiều dự án. Người lao động có thâm niên nhất định thường ưu tiên những vai trò gắn liền với các dự án và nhiệm vụ thú vị, đặc biệt nếu mức lương cũng tương tự với những công việc thông thường. Việc tạo ra các cơ hội theo nhiều cách thông minh để tối đa hóa trải nghiệm hiệu quả và thú vị của một vị trí việc làm có thể giúp bạn giữ chân nhiều nhân tài hơn.

Theo Rebeca Sena - Chuyên gia tư vấn tại GetSpace.digital

5. Bắt đầu bằng sự tin tưởng

Chưa bao giờ như bây giờ, mọi người đều có quyền lựa chọn nơi họ muốn làm việc. Mọi công ty đang cạnh tranh về mặt “cơ hội thăng tiến”, “quyền lợi” và “chính sách lương thưởng” mà dường như quên mất sự thật rằng họ nên bắt đầu bằng việc “tin tưởng”. Hầu hết mọi người đều đang tìm kiếm một nơi có thể tin tưởng họ. Tin tưởng vào kỹ năng, năng lực và sự chuyên nghiệp của họ. Nếu bạn lãnh đạo mọi người bằng sự tin tưởng, bạn sẽ được nhận lại sự tin tưởng. Sự tin tưởng sẽ mang lại sự tương tác tích cực, năng suất cao hơn, sản phẩm sáng tạo và tăng lợi nhuận.

Theo Erica Driskell - Trưởng bộ phận tài năng tại Trusted Health

6. Đặt trải nghiệm của nhân viên thành ưu tiên số 1

Một cuộc khảo sát của BambooHR cho thấy những người làm việc từ xa đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong năm vừa qua, 11% đáp viên cho biết họ đã dành hẳn một ngày nghỉ chỉ để làm việc còn tồn đọng. 55% người giữ điện thoại bên mình mọi lúc cùng với thông báo công việc luôn bật để luôn luôn hiện diện với những đồng nghiệp đang làm việc từ xa khác. Ít nhất 40% đang tìm kiếm một công việc mới trong vòng 6 tháng tới với lý do họ cảm thấy bế tắc trong công việc hiện tại và 36% vì lý do kiệt sức. Bên cạnh đó, có tới 79% nhân viên làm việc từ xa cảm thấy kiệt sức hàng tháng, rõ ràng là công việc đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của họ. Để giữ chân nhân viên trong thị trường việc làm ngày càng khốc liệt như hiện nay, người sử dụng lao động cần đầu tư vào sức khỏe tinh thần của nhân viên và biến điều này thành ưu tiên số 1 của họ. Cho dù là tăng cường sự tập trung vào cân bằng công việc và cuộc sống, tăng cường lợi ích hay cả hai đi nữa, người sử dụng lao động và các cấp quản lý đều có thể quay trở lại các mục tiêu này bằng cách tìm ra nhiều cách hơn để hỗ trợ tốt hơn sức khỏe tinh thần của nhân viên.

Cassie Whitlock - Giám đốc Nhân sự của BambooHR

7. Cung cấp lựa chọn làm việc từ xa

Cung cấp lựa chọn làm việc từ xa là một trong những chính sách quan trọng nhất hiện nay của các nhà tuyển dụng. Các cuộc khảo sát cho thấy sau đại dịch, có tới 70% nhân viên muốn tiếp tục làm việc tại nhà trong ít nhất 1-2 ngày một tuần. Điều quan trọng là các nhân viên phải có sự linh hoạt để làm việc tại nhà, ít nhất là đáp ứng được các nhu cầu cơ bản cần thiết. Đặc quyền này giúp doanh nghiệp tiêu hao chi phí ở mức tối thiểu, và trên thực tế, nó còn giúp tăng năng suất. Người sử dụng lao động sẽ rất khó từ chối các yêu cầu được làm việc tại nhà, đặc biệt là sau khi người lao động đã chứng minh được sự hợp lý của việc làm này trong gần hai năm trở lại đây.

Michael Alexis - CEO của TeamBuilding

8. Tập trung vào sức khỏe tài chính

Ngày càng có nhiều người sử dụng lao động công nhận tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ về mặt tài chính và cũng coi chính sách phúc lợi của nhân viên là một ưu tiên mang tính chiến lược. Nghiên cứu của eMoney đã lý giải được điều này. Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2020 cho thấy tài chính là nguyên nhân số một của căng thẳng, sau đó là công việc và các mối quan hệ. Hơn nữa, những căng thẳng về tài chính ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ sức khỏe tinh thần, thể chất và quan hệ của các đáp viên. Thêm vào đó, đại dịch không chỉ làm gia tăng căng thẳng tài chính mà còn cho thấy sự thiếu chuẩn bị trước cho những tình huống kinh tế khó khăn, làm bật lên nhu cầu được tham gia các chương trình sức khỏe tài chính toàn diện từ các nhà tuyển dụng. Người sử dụng lao động càng tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe tài chính, họ càng có thể giữ chân nhân tài và cung cấp lợi ích tốt hơn cho nhân viên. Từ đó, giảm thiểu căng thẳng, tăng cường đào tạo và bảo đảm an toàn tài chính cho nhân viên. Giờ là thời điểm vàng để các nhà tuyển dụng cải thiện sức khỏe tài chính cũng nhưu sức khỏe toàn diện cho lực lượng lao động của họ.

Joanne Del Signore - Trưởng bộ phận trải nghiệm nhân viên, Cố vấn eMoney LLC

9. Thường xuyên công nhận nhân viên

Tôi nghĩ điều quan trọng là phải công nhận nhân viên và thừa nhận cách họ mang lại giá trị cho tổ chức của bạn. Tôi luôn thích câu nói "một người cảm thấy bản thân được đánh giá cao sẽ luôn làm tốt hơn mong đợi." Cần lưu ý đến sự chăm chỉ, đặc biệt đối với nhiều nhân viên làm việc tại nhà - những người có thể đại diện cho năng lực lãnh đạo trong một bối cảnh đầy thách thức. Tôi đã sớm đúc kết được từ sự nghiệp của mình rằng lời nói rất quan trọng và cách bạn đối xử với đội ngũ nhân viên sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Cố gắng mỗi ngày để thể hiện và nói với đồng nghiệp rằng nỗ lực của họ luôn được ghi nhận và đánh giá cao, dù lớn hay nhỏ.

Jaime Frankos - CMO của Ferretly International, LLC

10. Tài trợ cho văn phòng làm việc tại nhà

Một trong những cách mà chúng tôi đang hướng tới (có vẻ phổ biến) là một quỹ tài trợ để lập hoặc cải thiện văn phòng làm việc tại nhà của bạn. Với mọi nhân viên làm việc tại nhà, ý tưởng đảm bảo bạn có một chiếc bàn, màn hình máy tính và chiếc ghế chất lượng đã thực sự được đón nhận nồng nhiệt!

Sylvia Kang - Co-Founder của Mira

11. Khả năng lãnh đạo thích nghi

Các nhà lãnh đạo nên đặt kỳ vọng vào sự năng động của các nhân viên trong đội, nhóm của họ. Phát triển văn hóa năng lực lãnh đạo thích ứng đòi hỏi các tổ chức phải thúc đẩy sự tập trung vào việc hiểu rõ sở thích và ưu tiên công việc của từng nhân viên, đồng thời cân bằng giữa việc đáp ứng những nhu cầu đó với các mục tiêu kinh doanh. Các nhà lãnh đạo, trưởng nhóm thích ứng hiểu rằng mỗi nhân viên lại muốn được dẫn dắt theo một cách khác nhau, vì vậy họ nên tìm hiểu sở thích cá nhân của đội, nhóm của mình. Nhờ vào cách dẫn dắt phù hợp với nhu cầu cá nhân của nhân viên, các trưởng nhóm sẽ có thể dễ dàng gắn kết và phân công nhiệm vụ. Khi các trưởng nhóm xa rời nhân viên và không chịu đổi mới cách thức lãnh đạo, các tổ chức sẽ có nguy cơ đánh mất nhân tài, nhân viên mất tinh thần và ảnh hưởng đến doanh thu. Các nhà lãnh đạo thích ứng sẽ hiểu rõ những sở thích khác nhau và tìm ra hướng đi phù hợp.

LaShawn Davis - Founder của The HR Plug

12. Tạo cơ hội được đào tạo liên tục

Nếu các nhân viên không tiến bộ và tập trung hoàn thiện kỹ năng của họ, họ sẽ cảm thấy mất đi mục đích và ý nghĩa trong công việc. Bạn nên tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho nhân viên của mình để họ có cơ hội thăng tiến và xây dựng nhiều kỹ năng chuyên sâu hơn. Các nhân viên sẽ đánh giá cao sự đầu tư của bạn vào thành công của họ và có xu hướng tiếp tục tham gia khóa học của công ty.

Wesley Jacobs - Founder của Apollo Medical Travel LLC

13. Các ứng dụng sức khỏe thể chất và sức khỏe toàn diện

Vào năm 2021, nhiều nhà tuyển dụng đã đầu tư vào các ứng dụng và công nghệ ảo để hỗ trợ sức khỏe tinh thần hiệu quả hơn cho nhân viên của họ. Nhiều người làm việc tại nhà đang phải vật lộn với những âu lo và căng thẳng gây ra bởi COVID-19 và những điều chỉnh khắc nghiệt về làm việc từ xa. Các công ty đã bắt đầu hành trình hỗ trợ nhân viên của mình bằng cách cấp quyền truy cập miễn phí vào các ứng dụng như Calm và Headspace để thực hành phương pháp thiền và tỉnh thức; Strava và Fitbit cho chế độ ăn kiêng và tập thể dục; và Woebot và BetterHelp để trị liệu và tư vấn. Một số công ty đã bắt đầu cho phép nhân viên của họ truy cập vào các ứng dụng sức khỏe tinh thần, tổ chức các cuộc hội thảo về sức khỏe tinh tâm thần và hỗ trợ tư vấn 24/7. Bằng nhiều kênh chăm sóc sức khỏe trực tuyến nổi bật, nhà tuyển dụng có thể cho nhân viên cơ hội chọn những gì phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân của họ.

Rani Hublou - CMO tại WorkBoard

14. Tập thể dục, thể thao

Công ty của chúng tôi đã ký hợp đồng với một huấn luyện viên thể chất để mang đến các bài tập 5 ngày/tuần. Những nhân viên làm việc tại văn phòng sẽ tham gia trực tiếp và những ai làm việc từ xa vẫn có thể tham gia online. Ngoài ra các nhân viên còn được đăng ký tập trực tiếp với huấn luyện viên qua ứng dụng. Và bởi vì CEO và đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi là cầu nối để thực hiện ý tưởng này trong toàn công ty, nên ai ai cũng được khuyến khích dành thời gian cho các bài tập để tự chăm sóc bản thân.

Tamara Scott - Chủ bút tại TechnologyAdvice

15. Giữ chân nhân viên không phải là một chiến thuật, mà là một thành quả

Giữ chân nhân viên trở thành chủ đề nóng hổi khi sự tiêu hao lực lượng bắt đầu tăng đột biến hay khi tìm được một nhân tài xuất chúng khó như mò kim đáy bể. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều biết đến con số 11,5 triệu người đã tự nguyện nghỉ việc kể từ tháng 04/2021. Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là các báo cáo gần đây từ Microsoft cho thấy rằng trong số 30.000 người được khảo sát, có hơn 41% đang cân nhắc nghỉ việc (con số đó tăng lên 54% nếu tính riêng Gen Z). Giữ chân nhân viên không phải là một chiến thuật hay một sáng kiến, mà là một thành quả. Đó là một kết quả có được khi nhân viên của bạn cảm thấy được truyền cảm hứng bởi một mục đích cao cả và được người quản lý của họ quan tâm. Các quản lý và lãnh đạo của công ty bạn có đang dẫn dắt doanh nghiệp bằng sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự quan tâm không? Hay họ đang quản lý vi mô? Những người quản lý và lãnh đạo là nhân tố quyết định chiến lược giữ chân nhân tài của doanh nghiệp có hiệu quả hay không.

Brian Mohr - Co-founder và CEO của Anthym.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan