7 cách cứu nguy khi bạn “sập nguồn”

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 22 tháng 10 2021

| bởi CTW.vn

image
Tình trạng kiệt sức là gì? Làm thế nào để biết bạn đang kiệt sức?

Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang trải qua một chặng đường đầy gian nan thử thách. Tình trạng kiệt sức diễn ra khắp nơi và các chuyên gia HR - những người hùng ít ai biết cũng không ngoại lệ. Nếu bạn đang cảm thấy kiệt quệ về thể chất, tinh thần hay cảm xúc, bạn cần quan tâm đến thước đo mức độ kiệt sức của mình và chăm sóc bản thân trước khi chăm lo cho người khác.

Nếu bạn luôn mệt mỏi, không cười nổi, thái độ thù ghét hay hoài nghi quá mức, cảm thấy không gắn kết hoặc quá tải, đó là dấu hiệu cho thấy bạn sắp va vào một loạt rắc rối rồi đấy! Chúng ta có thể kiệt sức khi cảm thấy mình không được đánh giá cao, điều gì đó thật không công bằng, công việc vô nghĩa hay quá nhiều việc, bất hòa về giá trị hoặc khi chúng ta buồn chán và thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi giữa cuộc đời.

Biểu hiện kiệt sức có thể trông rất giống biểu hiện của nạn nhân. Cách tốt nhất và nhanh nhất để thay đổi từ nạn nhân thành người chiến thắng là kiểm soát được tình hình ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào có thể. Chúng ta thường có quyền kiểm soát cuộc sống của bản thân nhiều hơn chúng ta vẫn nghĩ và chúng ta cần phải nắm bắt bất cứ khi nào có thể. Chúng ta kiểm soát thái độ, hành vi, lựa chọn của chính mình, những gì chúng ta nói và làm cũng như đối tượng mà chúng ta sẽ nói điều đó. Bằng cách củng cố và lấp đầy "chiếc bình" khả năng phục hồi, chúng ta có thể giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của bản thân nhiều hơn từng phần nhỏ một và lớn dần thêm.

Phát triển hoặc tăng khả năng phục hồi là một quá trình, không đơn thuần là một đích đến. Bạn có thể cảm thấy giống như “chết trong lòng nhiều chút” khi chúng ta mất đi một phần khả năng phục hồi của mình. Và cũng có thể thấy như một chiến thắng vẻ vang mỗi khi “bình” phục hồi đầy, ngay cả khi nhỏ vào từng giọt một. Chúng ta thường dễ bị cám dỗ bởi những thói quen không lành mạnh, có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, sẽ luôn có lối ra cho những khó khăn trong cuộc đời, chúng ta có thể làm được. Thế nhưng, vấn đề là chúng ta thường quên bẵng những chiến thắng của mình mỗi khi kiệt sức và tập trung quá nhiều vào những cảm xúc tiêu cực hay không hiệu quả. Dưới đây là 7 chiến lược đã được chúng tôi cũng như khách hàng của chúng tôi áp dụng hiệu quả. Lời khuyên chân thành là bạn không nên bỏ sót bất kỳ chiến lược nào.

7 chiến lược cứu nguy khi bạn "sập nguồn"

1. Hãy tin tưởng bản thân. Hãy nhắc nhở bản thân mỗi ngày rằng bạn đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trước đây và hoàn toàn có thể tiếp tục giải quyết tốt. Nhắc nhở bản thân về “tôi là gì, tôi là ai” và rạch ròi với “tôi không là ai”.

2. Xác định nguyên nhân sâu xa và lập kế hoạch để giải quyết chúng, chứ không phải chỉ giải quyết các triệu chứng bề nổi.

3. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ mọi người. Xin ý kiến, quan điểm và sự giúp đỡ từ những người bạn tin tưởng không bao giờ là bất lợi. Trên thực tế, điều này thể hiện nhận thức, trí tuệ cảm xúc và sự khôn ngoan của bạn khi bạn cần giúp đỡ. Giống như khi bạn có một cái chân đau, bạn sẽ cần tìm kiếm sự giúp đỡ vậy. Tổn thương thể chất hay tinh thần suy cho cùng cũng là tổn thương, bất kể nguyên do có khác nhau đi nữa.

4. Tìm thấy sự đồng cảm và lòng trắc ẩn của bản thân. Những hành động ân cần và tử tế thực sự có thể thay đổi bộ não và cơ thể bạn!

5. Kiểm soát sự thỏa mãn tức thời gây hại cho bạn. Mua sắm điên cuồng, ăn, uống, bỏ cuộc trong lúc giận dữ…

6. Giữ bình tĩnh đối với một nhận xét hoặc hành động gây hấn từ một ai đó. HÍT THỞ sâu qua mũi và miệng trong 1 phút hoặc hơn và chú ý xem bạn có thể bắt đầu giữ bình tĩnh nhanh như thế nào trước khi phản ứng. Điều này giúp bạn tạo ra không gian mà Viktor Frankl gọi là “quyền tự do cuối cùng của con người” để đưa ra những lựa chọn hỗ trợ thay vì gây thiệt hại cho chúng ta.

7. Cười nhiều nhất bằng nhiều cách nhất có thể. Phim, hoạt hình, truyện cười, bạn bè… bất cứ điều gì mang lại cho bạn niềm vui.

Việc nâng cao nhận thức về cảm giác thực sự của bạn sẽ tùy thuộc vào bạn. Trốn tránh tình trạng kiệt sức sẽ không  giúp bạn loại bỏ được nó. Hơn thế nữa, “kiệt sức” cũng không phải điều gì đáng tự hào. Tự đổ đầy “bình” phục hồi không phải là một hành động ích kỷ, mà là vị tha - vị tha với chính bản thân bạn. Mọi người ở nơi làm việc, gia đình cần bạn, vì vậy cách để bạn xuất hiện thật khỏe mạnh vào ngày mai là chăm sóc bản thân NGAY TỪ HÔM NAY!

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
  • Roxi Bahar Hewertson. "7 Burnout Busters." Ngày đăng: 23/09/2021. Truy cập: 16/10/2021.
  • Nguồn ảnh: Freepik
Bài viết liên quan