Nỗi lo về công việc mới có thể giúp bạn đạt được mục tiêu như thế nào?

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 30 tháng 12 2021

| bởi CTW.vn

image

Khi bắt đầu một công việc mới, việc cảm thấy lo lắng về vai trò sắp tới là điều hoàn toàn bình thường. Một môi trường làm việc mới cùng những trách nhiệm mới và một team hoàn toàn xa lạ khiến ngay cả những người từng tự tin nhất cũng cảm thấy bất an. Tuy nhiên, một số mẹo và chiến lược có thể giúp bạn chuyển đổi cảm xúc của mình thành tích cực và năng suất.

“Nỗi lo về công việc mới” là gì?

Cảm giác lo âu này xuất phát từ nhiều thay đổi và sự không chắc chắn mà vị trí công việc mới mang lại. Lo âu có nhiều dạng khác nhau, từ sự chẩn đoán về sức khỏe tinh thần mà bạn có thể kiểm soát bằng sự hỗ trợ y tế đến cảm giác đôi khi bị choáng ngợp hoặc những tình huống xảy đến bất thình lình và bạn chưa kịp chuẩn bị trước. Đối với nhiều người, loại lo âu này sẽ sớm qua đi và thậm chí có thể được chuyển hóa thành sự tự tin, hồ hởi và động lực nếu chịu khó luyện tập.

Tận dụng nỗi lo về công việc mới để đạt được mục tiêu của bạn.

Có rất nhiều chiến lược có thể giúp bạn chuyển đổi năng lượng tiêu cực của sự âu lo và bất an thành cảm xúc tích cực, từ đó giúp bạn đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của mình. Hãy cùng tham khảo các chiến lược dưới đây nhé:

1. Tập trung vào kỹ năng của bạn

Nếu bạn bắt đầu thấy lo lắng ngay trong ngày đầu tiên làm công việc mới, hãy nhắc nhở bản thân rằng công ty đã thuê bạn vì một lý do rất cụ thể. Hãy hình dung trong đầu về bộ kỹ năng, thành tựu và quá trình đào tạo của bạn. Điều này không chỉ giúp bạn tự tin hơn vào khả năng của bản thân mà còn chuẩn bị tốt cho những công việc sắp làm khi đến văn phòng mới.

2. Nên biết rằng bạn không hề cô đơn

Mặc dù tại văn phòng hay không gian làm việc có thể sẽ toàn những gương mặt lạ lẫm, nhưng hãy nhớ rằng ai trong số họ cũng đã từng trải qua nỗi lo giống bạn. Và nhiều khả năng là cả team sẽ chào đón bạn một cách niềm nở và thấu hiểu cho nỗi lo âu về vai trò mới của bạn. Hãy mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với đồng nghiệp ngay từ ngày đi làm đầu tiên để xây dựng thói quen thân thiện với mọi người nơi công sở cũng như bắt đầu xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp mới.

3. Đề cao tính mới mẻ

Hầu hết mọi người đều cảm thấy hơi bất an khi đối mặt với những tình huống mới lạ vì họ thường cảm thấy thoải mái với những môi trường quen thuộc hơn. Nếu bạn đang thấy lo lắng vì phải làm việc ở văn phòng mới cùng những đồng nghiệp lạ lẫm, hãy hít thở thật sâu và nhớ rằng những cảm giác mới mẻ này sẽ biến mất và bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong một vài tuần tới.

4. Tăng cường sự tự tin trong bạn

Lo âu có thể khiến bạn rơi vào trạng thái xúc động mạnh và đầy năng lượng. Nếu bạn nhận thấy bản thân cứ đi tới đi lui bên ngoài tòa nhà hoặc chân run run lúc lái xe đến văn phòng, thì hãy tích cực tập trung vào việc chuyển năng lượng lo âu đó thành năng lượng tự tin. Hãy nghĩ về những điều bạn hào hứng muốn khám phá nhất trong vai trò mới của mình và điều gì đã truyền cảm hứng để bạn ứng tuyển vào vị trí này lúc đầu. Trước khi bước vào nơi làm việc, bạn có thể chào hỏi đồng nghiệp với thái độ tích cực và tự tin thay vì lo lắng và sợ hãi.

5. Tìm kiếm các mối quan hệ

Một trong những cách hữu hiệu nhất để cảm thấy thoải mái và trở nên chuyên nghiệp trong môi trường làm việc mới là xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Với một số người, việc gặp gỡ nhiều người mới có thể gây lo âu, ngay cả khi họ không bị áp lực từ công việc mới. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, mặc dù hiện tại họ là những người xa lạ, nhưng rất có thể trong tương lai bạn sẽ tạo dựng được mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nhiều người trong số đó, khiến trải nghiệm làm việc của bạn trở nên thoải mái và vui vẻ hơn. Hãy đặt mục tiêu làm quen với một hoặc hai người mỗi ngày ngay trong tuần đầu đi làm để thiết lập những mối quan hệ khiến bạn không cảm thấy quá áp lực.

6. Tạo không gian làm việc thoải mái

Sau những buổi gặp gỡ đầu tiên và giới thiệu về công ty cho người mới, bạn sẽ có một chút thời gian để chăm chút cho không gian làm việc cá nhân của mình. Hãy mang theo một số đồ dùng cá nhân để trang trí không gian làm việc của bạn và tạo cảm giác thoải mái, thu hút. Việc nhìn thấy những đồ vật quen thuộc, yêu quý có thể giúp xoa dịu nỗi lo cũng như giúp bạn thấy thoải mái và sẵn sàng làm việc.

7. Thiết lập thói quen

Các thói quen thường liên quan đến việc nhận thức được điều gì sắp sửa diễn ra, điều này có thể giúp tâm trí bạn thư giãn và tập trung vào nhiệm vụ hiện tại thay vì cứ lo lắng về những việc phải làm tiếp theo. Hãy tập trung thiết lập một thói quen làm việc mang tính công thức và bền vững ngay trong tuần đầu tiên đi làm. Điều này sẽ xoa dịu nỗi lo và chuẩn bị hành trang để bạn tối đa hóa năng suất mỗi ngày.

8. Hiểu rõ cảm xúc của bản thân

Đối với những người chỉ cảm thấy lo âu trước những tình huống căng thẳng cao độ như bắt đầu một công việc mới, việc xác định được nguyên nhân gốc rễ là nhân tố quan trọng giúp xua tan nỗi lo và lấy lại sự tập trung. Nếu bạn cảm thấy lo lắng trước ngày đi làm đầu tiên hoặc trên đường đi làm, hãy cố gắng tìm ra chính xác điều gì đã khiến bạn thấy choáng ngợp hay sợ hãi. Một khi xác định được nguyên nhân, bạn sẽ có thể giải quyết nỗi sợ hãi và xoa dịu cảm xúc trước khi đến chỗ làm. Ví dụ, có thể việc hòa nhập với đồng nghiệp khiến bạn căng thẳng. Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể làm quen và gắn bó với với đồng nghiệp từ từ theo thời gian. Ý nghĩ này sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực ngay tức thì.

9. Đánh giá tiềm năng

Đôi khi, lo lắng về một tình huống nghĩa là bạn đang quan tâm sâu sắc đến kết quả của tình huống đó. Cảm thấy lo lắng về việc bắt đầu một công việc mới là tín hiệu tốt cho thấy bạn đang hào hứng với triển vọng nghề nghiệp đang chờ đợi bạn và bạn mong muốn thể hiện tốt trong vai trò mới của mình. Hãy sử dụng năng lượng đó để đặt mục tiêu nghề nghiệp và đánh giá những tiềm năng mà vị trí mới này có thể mang lại cho bạn.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan