Cách sử dụng các công cụ tự đánh giá để lựa chọn nghề nghiệp

Khám phá năng lực bản thân

| 27 tháng 7 2020

| bởi CTW.vn

image

Những cá nhân đang lựa chọn nghề nghiệp thường tự hỏi liệu có bài kiểm tra nào có thể cho biết nghề nghiệp nào phù hợp với họ không. Thật không may, không có một bài kiểm tra nào sẽ cho bạn biết phải làm gì với phần còn lại của cuộc đời bạn. Tuy nhiên, sự kết hợp các công cụ tự đánh giá có thể giúp bạn ra quyết định.

Trong giai đoạn tự đánh giá của quá trình lập kế hoạch cho sự nghiệp, hãy thu thập thông tin về bản thân để đưa ra quyết định sáng suốt. Việc tự đánh giá nên bao gồm kiểm tra kỹ lưỡng các giá trị, sở thích, tính cách và năng lực bản thân.

  1. Giá trị: những điều quan trọng với bạn, chẳng hạn như thành tích, địa vị và quyền tự chủ
  2. Sở thích: những gì bạn thích làm, ví dụ như là chơi đánh gôn, đi bộ đường dài và đi chơi với bạn bè
  3. Tính cách: đặc điểm của một người, động lực thúc đẩy, nhu cầu và thái độ
  4. Năng lực: các hoạt động mà bạn giỏi, chẳng hạn như viết, lập trình máy tính và giảng dạy. Chúng có thể là những kỹ năng tự nhiên hoặc những kỹ năng có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện.

Nhiều người thuê hẳn một cố vấn nghề nghiệp để giúp họ lựa chọn nghề và thực hiện các công cụ “ tự đánh giá”. Phần tiếp theo đây là diễn giải về các loại công cụ khác nhau, cũng như một số điều cần lưu ý khi sử dụng kết quả của bạn để lựa chọn một nghề nghiệp.

1. Danh mục các giá trị

Giá trị của bạn có thể được xem là điều quan trọng nhất cần xem xét khi chọn một ngành nghề. Nếu không tính đến chúng khi lập kế hoạch cho sự nghiệp của mình, rất có thể bạn sẽ không thích công việc của mình và do đó không thành công trong việc đó. Ví dụ, một người thích sự tự chủ sẽ không cảm thấy hạnh phúc với công việc mà họ không thể làm một cách độc lập.

Có hai loại giá trị: nội tại và ngoại sinh. Giá trị nội tại có liên quan đến chính công việc và những gì nó đóng góp cho xã hội. Giá trị ngoại sinh bao gồm các đặc điểm bên ngoài, chẳng hạn như thiết lập hệ thống và tiềm năng sinh lợi. Danh mục giá trị sẽ có các câu hỏi như sau:

  • Mức lương cao có quan trọng với bạn không?
  • Việc tương tác với mọi người có quan trọng hay không?
  • Việc đóng góp cho xã hội có quan trọng hay không?
  • Một công việc uy tín có quan trọng với bạn hay không?

Trong quá trình tự đánh giá, cố vấn nghề nghiệp có thể sử dụng một trong những danh mục giá trị sau: “Bảng câu hỏi về tầm quan trọng Minnesota” (MIQ), “Khảo sát giá trị giữa các cá nhân” (SIV), hoặc “Danh mục các loại tính khí và giá trị” (TVI).

2. Danh mục sở thích

Các chuyên gia phát triển nghề nghiệp cũng thường xuyên sử dụng các “danh mục sở thích” như “Danh mục sở thích nổi bật” (SII), trước đây được gọi là “Danh mục sở thích Strong-Campbell”. Những công cụ tự đánh giá này yêu cầu các cá nhân trả lời một loạt các câu hỏi liên quan đến sở thích của họ (ngạc nhiên chứ!). E.K. Strong, một nhà tâm lý học, đã tiên phong trong sự phát triển các danh mục sở thích. Thông qua dữ liệu ông thu thập được về nhiều hoạt động, đối tượng và loại người mà mọi người thích và không thích, ông đã phát hiện ra rằng những người làm cùng ngành nghề (và hài lòng với ngành nghề đó) có cùng sở thích.

Tiến sĩ John Holland và những người khác đã đưa ra một hệ thống các sở thích gồm một hoặc nhiều hơn sáu loại: hiện thực, điều tra, nghệ thuật, xã hội, dám nghĩ dám làm và truyền thống. Sau đó, ông kết hợp các loại sở thích này với các ngành nghề. Khi bạn tiến hành bài tự đánh giá với “danh mục sở thích”, kết quả sẽ được đối chiếu với nghiên cứu này để tìm nơi phù hợp với bạn, chẳng hạn như liệu sở thích của bạn có giống với một cảnh sát hay nhân viên kế toán?

3. Danh mục tính cách

Nhiều “danh mục tính cách” được sử dụng trong quá trình lên kế hoạch cho sự nghiệp được  dựa trên lý thuyết tính cách của bác sĩ tâm thần Carl Jung. Ông tin rằng bốn cặp khuynh hướng trái ngược nhau, theo cách cá nhân lựa chọn hành động, tạo nên tính cách của mỗi người. Chúng bao gồm Hướng ngoại và Hướng nội (cách một người nạp năng lượng), Giác quan và Trực giác (cách một người nhận thức thông tin), Lý trí và Cảm giác (cách một người đưa ra quyết định), và Nguyên tắc và Linh hoạt (cách một người sống cuộc đời mình). Một khuynh hướng từ mỗi cặp trên sẽ tạo nên loại tính cách của một cá nhân.

Các cố vấn nghề nghiệp thường sử dụng kết quả từ các đánh giá dựa trên “Lý thuyết tính cách Jung”, chẳng hạn như “Chỉ số nhóm tính cách Myers-Briggs” (MBTI), để giúp khách hàng chọn nghề nghiệp. Họ tin rằng các cá nhân ở một nhóm tính cách cụ thể thì phù hợp hơn với một số ngành nghề cụ thể. Ví dụ, một người hướng nội sẽ có xu hướng không làm tốt công việc đòi hỏi họ phải ở bên cạnh người khác mọi lúc.

4. Đánh giá năng lực

Khi quyết định chọn lĩnh vực nào, bạn cần khám phá năng lực của mình. Một năng lực là một khả năng tự nhiên hoặc thu nhận được. Ngoài những gì bạn giỏi, cũng hãy xem xét những gì bạn thích. Vẫn có khả năng chúng ta lão luyện một kỹ năng cụ thể nào đó, nhưng lại chán ghét mỗi phút giây sử dụng đến kỹ năng đó. Dù vậy, nhìn chung, mọi người thường thích những gì họ giỏi.

Trong khi bạn đang đánh giá các kỹ năng của mình, hãy nghĩ về thời gian bạn sẵn sàng bỏ ra để có được các kỹ năng mới hoặc nâng cao hơn. Một câu hỏi để tự hỏi mình là “Nếu một nghề nghiệp có tất cả những đặc điểm mà tôi thấy hấp dẫn nhưng phải mất X năm để chuẩn bị cho nó, tôi có sẵn sàng và biến nó thành một cam kết hay không?”.

Những yếu tố khác cần xem xét

Trong khi trải qua quá trình tự đánh giá, hãy tính đến các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn. Ví dụ, suy nghĩ về trách nhiệm gia đình và khả năng chi trả cho giáo dục hoặc đào tạo. Đừng quên rằng tự đánh giá chỉ mới là bước đầu tiên trong quy trình lập kế hoạch cho sự nghiệp, không phải là bước cuối cùng.

Sau khi hoàn thành giai đoạn này, bước tiếp theo chính là khám phá nghề nghiệp. Với kết quả tự đánh giá của bạn trong đầu, tiếp theo, hãy đánh giá một loạt các ngành nghề để xem cái nào thì phù hợp nhất. Mặc dù kết quả tự đánh giá của bạn có thể chỉ ra một nghề nghiệp cụ thể phù hợp với người có sở thích, tính cách, giá trị và năng lực như bạn, nhưng điều đó không có nghĩa đó là nghề nghiệp phù hợp nhất với bạn. Tương tự, đừng đánh giá thấp một ngành nghề chỉ vì nó không được nhắc đến trong kết quả tự đánh giá. Hãy tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về bất kỳ ngành nghề nào mà bạn quan tâm.

 

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan