Các câu hỏi và trả lời phỏng vấn việc làm ngành bán lẻ hay nhất

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và tham dự phỏng vấn

| 11 tháng 9 2020

| bởi CTW.vn

image

Phỏng vấn việc làm có thể là một trải nghiệm cực kỳ căng thẳng, tuy nhiên, nó không nhất thiết phải như vậy. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp loại bỏ phần lớn sự mơ hồ, không chắc chắn về trải nghiệm này và đảm bảo bạn sẽ thể hiện bản thân một cách tự tin và thuyết phục. 

Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn phỏng vấn làm việc trong ngành bán lẻ, bởi vì bạn cần chứng minh cho nhà quản lý tuyển dụng thấy rằng bạn có các kỹ năng kết nối liên cá nhân để cung cấp dịch vụ tối ưu cho khách hàng.

Bí quyết: Ngoài việc giúp “bán” bản thân cho người phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp cũng sẽ giúp bạn nổi trội khi làm việc trong ngành bán lẻ. 

Trước ngày trọng đại này, hãy đảm bảo rằng bạn có một vài bộ trang phục phỏng vấn phù hợp để lựa chọn và bạn cũng đã hoàn thành “bài tập” của mình.

“Bài tập” đó chính là tìm hiểu, nghiên cứu về công ty bạn đang ứng tuyển và cân nhắc, luyện tập cách phản hồi của bạn cho các câu hỏi phỏng vấn khả thi. Và, bên dưới đây là danh sách một số câu hỏi mà bạn có thể nhận được khi phỏng vấn việc làm trong ngành bán lẻ.

Các câu hỏi điển hình trong một cuộc phỏng vấn việc làm trong ngành bán lẻ

1. Theo bạn, thế nào là dịch vụ (chăm sóc) khách hàng tốt?

Điều họ muốn biết: Người phỏng vấn rất muốn tìm hiểu xem liệu định nghĩa của bạn về dịch vụ (chăm sóc) khách hàng có tương thích và phù hợp với định nghĩa tương tự của công ty hay không. Hãy nhớ rằng: Đối với các cửa hàng truyền thống, việc cung cấp trải nghiệm tích cực, đáng nhớ cho khách hàng là điều cần thiết để thành công.

Câu trả lời mẫu: 
Đối với tôi, trọng tâm của dịch vụ (chăm sóc) khách hàng tốt là làm hài lòng khách hàng. Điều này có nghĩa là chào đón khách hàng một cách vui vẻ và nắm vững kiến ​​thức để trả lời các câu hỏi của khách hàng. Về phần tôi, tôi luôn mỉm cười và chào hỏi khách hàng, đồng thời tôi cũng luôn cố gắng nắm bắt thông tin về hàng trong kho của cửa hàng. Điều này giúp tôi luôn trong tư thế sẵn sàng trả lời khi khách hàng hỏi về kích thước hoặc độ vừa vặn.

2. Bạn có thể làm việc và hợp tác tốt với mọi người xung quanh hay không?

Điều họ muốn biết: Công việc bán lẻ thường đòi hỏi sự cộng tác. Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn có thể hòa đồng và làm việc suôn sẻ với các đồng nghiệp hay không. Một số người phỏng vấn cũng lưu ý những dấu hiệu của một nhân viên quá xã giao tại nơi làm việc, vì vậy hãy cẩn thận trong cách phản hồi của bạn. Hãy trả lời nhiều hơn là một từ “có” cho câu hỏi này — hãy đưa ra các ví dụ hoặc cách đồng nghiệp mô tả bạn để mở rộng câu trả lời của bạn.

Câu trả lời mẫu: 
Tôi làm việc với người khác rất thoải mái và suôn sẻ. Tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ, nơi điều quan trọng đối với mỗi nhân viên tại cửa hàng là phải làm việc như một phần của cùng một nhóm.

3. Bạn có thời gian từ mấy giờ đến mấy giờ? 

Điều họ muốn biết: Câu hỏi này khá đơn giản, người phỏng vấn cần biết những ca nào bạn sẽ sẵn sàng làm việc. Hãy trung thực trong câu trả lời của bạn, nhưng cũng lưu ý rằng người phỏng vấn muốn thuê những người có lịch trình linh hoạt hơn. Nếu bạn có lịch biểu linh hoạt, hãy đề cập đến điều đó trong câu trả lời. Bạn càng linh hoạt, bạn càng có cơ hội được tuyển dụng.

Câu trả lời mẫu: 
Vì tôi vẫn đang học đại học nên tôi không rảnh vào các giờ học, gồm chiều thứ Ba, chiều thứ Năm và sáng sớm thứ Sáu. Ngoài những buổi đó, tôi có thể làm việc theo bất kỳ ca nào mà anh / chị yêu cầu - và tôi sẵn sàng làm nhiều giờ nên tôi có thể làm cả ca đêm và cuối tuần.

4. Tại sao bạn lại ứng tuyển vị trí công việc của chúng tôi?

Điều họ muốn biết: Câu trả lời của bạn cho câu hỏi này sẽ tiết lộ xem liệu bạn có cảm thấy tích cực (và thậm chí say mê) về công ty và các sản phẩm của công ty hay đơn giản là bạn chỉ muốn có một công việc bất kỳ nào đó. Các câu trả lời tốt nhất cần phải cụ thể và tập trung vào công ty (không phải bạn).

Câu trả lời mẫu: 
Tôi đã luôn là một người thích đọc sách từ khi còn bé đến nay. Đó gần như là một hoạt động mang tính riêng tư, cá nhân, nhưng tôi rất thích giới thiệu và chia sẻ cảm nhận về sách cho bạn bè và người thân. Tôi muốn làm việc tại Nhà sách ABC để có thể giúp khách hàng tìm sách, cho dù đó là một tựa sách cụ thể mà họ không thể tìm thấy trên kệ hay một tựa sách phù hợp như một món quà cho một dịp kỷ niệm.

5. Bạn sẽ làm gì nếu nhân viên giao ca với bạn không xuất hiện?

Điều họ muốn biết: “Cứ rời khỏi vị trí” không phải là câu trả lời đúng. Người phỏng vấn đang muốn xem liệu bạn có biết việc duy trì sự túc trực phục vụ thì quan trọng hơn các kế hoạch cá nhân của bạn hay không. Câu hỏi này cũng là nhằm kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn.

Câu trả lời mẫu: 
Đầu tiên, tôi sẽ liên hệ với người sẽ giao ca với tôi để xác nhận tình hình. Tôi sẽ kiểm tra xem người đó sẽ hoàn toàn vắng mặt hay chỉ đang bị kẹt xe. Sau đó, tôi sẽ tìm người quản lý để thông báo tình hình với anh ấy / cô ấy và cùng nhau tìm ra các phương án phù hợp nhất.

6. Nếu được thuê tuyển, bạn dự định sẽ làm việc ở đây trong thời gian bao lâu?

Điều họ muốn biết: Quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới tốn nhiều thời gian và tiền bạc của công ty. Do đó, người phỏng vấn muốn biết liệu bạn sẽ tiếp tục làm việc lâu dài hay hay chỉ nhận công việc trong vài tháng. Tuy nhiên, nếu bạn đang lên kế hoạch cho một khoảng thời gian làm việc rất ngắn hạn, bạn không cần phải đề cập đến nó.

Câu trả lời mẫu:
Nếu được tuyển, tôi muốn làm việc lâu dài với Công ty ABC. Tôi sẽ đi học từ đây cho đến bốn năm tới, và rất háo hức khi có một công việc ổn định trong thời gian này và trở thành một phần của nhóm ở đây.

7. Máy quẹt (cà) thẻ tín dụng bị hỏng. Bạn sẽ nói gì với khách hàng?

Điều họ muốn biết: Các trục trặc về công nghệ và các trục trặc khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi bạn đang làm việc trong lĩnh vực bán lẻ. Với câu hỏi này, người phỏng vấn đang muốn xem qua kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp của bạn.

Câu trả lời mẫu:
Phát hiện máy móc bị hỏng hóc càng sớm càng tốt. Vì vậy, trước tiên, tôi phải đảm bảo rằng người quản lý đã biết về tình huống đang xảy ra. Sau đó, tôi sẽ đề xuất đặt một biển báo để thông báo cho khách hàng rằng máy bị hỏng, để khách hàng có thể chạy đến máy ATM gần nhất để rút tiền trước khi đến quầy thu ngân. Khi khách hàng thực hiện thanh toán, tôi sẽ xin lỗi họ vì sự bất tiện này và cũng cảm ơn họ đã thông cảm.

8. Bạn nhận thấy đâu là điểm mạnh (ưu điểm) lớn nhất của bản thân?

Điều họ muốn biết: Người phỏng vấn muốn biết liệu điểm mạnh của bạn có phù hợp với nhu cầu của công ty hay không. Trong câu trả lời của bạn, hãy nhấn mạnh các kỹ năng liên quan sẽ mang lại lợi ích cho công ty và giúp bạn trong công việc.

Câu trả lời mẫu: 
Có kỹ năng giao tiếp tốt có nghĩa là tôi có thể làm việc tốt với các thành viên khác trong nhóm và cũng rất thoải mái khi tương tác với khách hàng. Tôi có xu hướng nghĩ mình là một con người nhân văn và hướng đến con người, tôi thực sự thích tương tác với khách hàng và giúp họ tìm thấy các mặt hàng mà họ đang kiếm.

9. Tại sao khách hàng lại mua sắm tại cửa hàng này?

Điều họ muốn biết: Người phỏng vấn muốn đánh giá mức độ hiểu biết của bạn về thương hiệu của công ty và trải nghiệm mua sắm mà công ty đang tìm cách cung cấp cho khách hàng. Đây là cơ hội để bạn thể hiện sự hiểu biết của bản thân về công ty thông qua các nghiên cứu mà bạn đã làm trước đó. Vì vậy, nếu bạn đã ghé thăm cửa hàng và nhận thấy điều gì đó có ý nghĩa, hãy chia sẻ nó trong câu trả lời của bạn.

Câu trả lời mẫu: 
Tất cả là vì trải nghiệm. Ví dụ, cửa hàng chi nhánh của công ty tại quê tôi, luôn thắp nến thơm. Các chi nhánh khác của công ty mà tôi đã từng ghé thăm thì luôn có trang trí hoa tươi. Các nhân viên luôn vui vẻ chào hỏi tôi và đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa cho tôi. Không ai có vẻ như họ đang cố gắng tìm mọi cách bán hàng cho tôi. Tôi nghĩ rằng, khách hàng thích tận hưởng từng giây phút trải nghiệm khi dừng chân tại Công ty ABC như một sự đãi ngộ, từ giây phút đầu tiên đến khi rời khỏi cửa  hàng.

10. Một khách hàng trở nên giận dữ với bạn và yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với cấp trên (người quản lý) của bạn. Bạn sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

Điều họ muốn biết: Không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. Người phỏng vấn muốn đánh giá khả năng đối phó với một tình huống căng thẳng của bạn.

Câu trả lời mẫu: 
Khi nói chuyện với khách hàng, tôi luôn cố gắng tỏ ra đồng cảm và thực sự thấu hiểu và khắc phục vấn đề. Nhưng đôi khi, vẫn có một số vấn đề không thể khắc phục được hay khách hàng đang ở trong tâm trạng thực sự tồi tệ. Nếu một khách hàng yêu cầu nói chuyện với cấp trên hay người quản lý của tôi, tôi sẽ đồng ý và cũng xin lỗi vì không thể giải quyết tình hình. Sau đó, tôi sẽ gọi người quản lý nhanh nhất có thể và giải thích tình huống để người quản lý của tôi có thể sẵn sàng đối phó với khách hàng. Sau đó, tôi sẽ yêu cầu người quản lý cho ý kiến ​​phản hồi để tìm cách tôi có thể làm để tránh lặp lại tình huống tương tự trong tương lai.

Các câu hỏi phỏng vấn về bạn
  • Ai là người sếp tốt nhất của bạn? Tại sao?
  • Bạn thấy sự nghiệp của bạn ra sao vào 5 năm tới?
  • Thành tựu lớn nhất mà bạn đã đạt được là gì?
  • Câu hỏi phỏng vấn về dịch vụ chăm sóc khách hàng
  • Dịch vụ (chăm sóc) khách hàng là gì?
  • Một khách hàng muốn thanh toán số tiền khoảng 300.000 đồng bằng tiền lẻ từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng. Bạn có chấp nhận không?
  • Một khách hàng muốn trả lại một gói thực phẩm đã tháo bao bì và dùng hết một nửa. Bạn sẽ làm gì?
  • Một đồng nghiệp đang cư xử thô lỗ với khách hàng. Bạn sẽ làm gì?
  • Bạn phát hiện ra một trong những đồng nghiệp đang tặng hàng hóa miễn phí cho bạn bè của người ấy. Bạn sẽ làm gì?
  • Nếu một khách hàng bỏ đi mà không trả tiền sử dụng máy pha cà phê tự động, bạn sẽ làm gì?
  • Điều gì là quan trọng nhất — một sản phẩm tốt hoặc dịch vụ thân thiện, nhanh chóng?
Câu hỏi tham khảo về toán học

Khi bạn được hỏi các câu hỏi toán học tại một cuộc phỏng vấn việc làm trong ngành bán lẻ, người phỏng vấn muốn biết rằng bạn có các kỹ năng toán học cơ bản hay không. Bạn nên tìm hiểu các bí quyết để giúp bạn biết cách tự tin trả lời các câu hỏi về toán học trong cuộc phỏng vấn việc làm.

Sau đó, hãy thực hành các câu trả lời của bạn bằng cách xem qua danh sách các câu hỏi phỏng vấn về toán học phổ biến dành cho nhân viên bán lẻ như bên dưới.

  • Tổng số tiền mua hàng của khách hàng là 139.500 đồng. Khách hàng đưa cho bạn một tờ 100.000 đồng và một tờ 50.000 đồng. Bạn sẽ trả tiền thừa lại cho khách hàng đó bao nhiêu? 
  • Nếu một chai nước ngọt có giá 9.900 đồng, thì ba chai có giá là bao nhiêu? Giá của chúng là bao nhiêu khi cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng?
  • Mỗi bình cà phê chứa được 6 tách. Chúng tôi thường bán 10 tách cà phê sau mỗi 15 phút. Bạn sẽ cần bao nhiêu bình cà phê để pha trong hai giờ cao điểm của cửa hàng chúng ta?
  • Bánh khoai tây chiên được khuyến mại còn nửa giá. Bình thường, bánh khoai tây chiên có giá là 11.900 đồng. Vậy giá đã giảm 50% là bao nhiêu?
  • Một khách hàng mua hàng giá 27.000 đồng và đưa cho bạn một tờ 50.000 đồng. Bạn sẽ trả lại cho khách hàng bao nhiêu tiền thừa?
  • 55 x 20 =
  • 24 - 48 =
  • 62 + 28 + 14 + 36 =
  • 82,20 - 53,66 =
  • 15 x 7% =
  • 8,50 x 4% =
  • 19 x 15% =
Cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn việc làm trong ngành bán lẻ

Trong một cuộc phỏng vấn việc làm trong ngành bán lẻ, mục tiêu của người phỏng vấn là hiểu được tính cách và phong cách làm việc của bạn. Điều đó sẽ giúp họ xem liệu bạn có phù hợp với công ty hay không.

Bí quyết: Hãy trả lời các câu hỏi về bản thân một cách trung thực, nhưng cũng lưu ý tạo ấn tượng tốt nhất có thể với người phỏng vấn.

Bạn cũng có thể sẽ nhận được các câu hỏi xoay quanh khả năng phục vụ khách hàng, vì công việc bán lẻ liên quan đến việc tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày. Hãy tìm cách thể hiện rằng bạn sẽ ưu tiên khách hàng và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng (ngay cả khi đó khách hàng thích mặc cả hay khó tính).

Cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn việc làm trong ngành bán lẻ

Người phỏng vấn sẽ tìm kiếm những ứng viên phù hợp với cửa hàng của công ty. Nếu bạn có thể, hãy dành thời gian đến cửa hàng trước khi phỏng vấn. Quan sát cách nhân viên ở đó tương tác với khách hàng là một cách để thu thập nhiều thông tin bổ ích.

Lưu ý: Bạn nên hiểu biết về các sản phẩm được bán trong cửa hàng. Bạn cũng nên hình thành cảm nhận và có hiểu biết về thương hiệu của công ty.

Hãy truy cập trang web của cửa hàng và đọc thông tin trong mục “Giới thiệu”, đồng thời hãy tìm kiếm các tài khoản mạng xã hội của công ty để hiểu thêm về công ty.

Hoạt động tìm hiểu và nghiên cứu này, cùng với quá trình chuẩn bị cách phản hồi của bạn cho các câu hỏi phỏng vấn phổ biến trong ngành bán lẻ, sẽ giúp bạn thành công trong cuộc phỏng vấn.

Các câu hỏi để đặt ra cho người phỏng vấn

Một trong những câu hỏi bạn có thể được hỏi khi phỏng vấn cho công việc trong ngành bán lẻ là "Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi hay không?". Hãy nhớ rằng phỏng vấn diễn ra theo cả hai chiều và đặt câu hỏi ngược lại cho người phỏng vấn là cơ hội để kiểm tra sự phù hợp của công việc với bạn.

Chuẩn bị sẵn một danh sách các câu hỏi mà bạn muốn xác nhận hoặc làm rõ các yêu cầu công việc, lịch trình làm việc, tính linh hoạt của công việc và bất kỳ điều gì khác có thể giúp bạn quyết định xem bạn có muốn công việc đó hay không nếu bạn được nhận lời mời làm việc.

  • Anh / chị mong đợi tôi sẽ làm việc bao nhiêu giờ mỗi tuần?
  • Các ca làm việc điển hình của vị trí công việc này ra sao?
  • Công ty có bắt buộc làm việc cuối tuần  hoặc ca đêm hay không?
  • Giờ làm việc và lịch làm việc được sắp xếp như thế nào?
  • Số giờ làm việc sẽ thay đổi hàng tuần hay giữ nguyên?
  • Thời gian cao điểm nhất trong ngày là vào những thời điểm nào?
  • Ngày cao điểm nhất ở đây là vào lúc nào?
  • Anh / chị xếp lịch làm việc của mọi người như nhau, chủ yếu theo số giờ làm việc hàng tuần hay thời gian làm việc của mỗi người khác nhau hoàn toàn khác nhau?
  • Anh / chị có tính tăng lương cho giờ làm vào các ngày lễ hay không?
  • Lịch trình làm việc được thông báo trước bao lâu?
  • Có bao nhiêu cộng tác viên bán hàng cùng làm việc một lúc tại cửa hàng?
  • Có người quản lý giám sát cửa hàng trong tất cả các ca làm việc hay không?
  • Ai là người sắp xếp, trưng bày sản phẩm?
  • Mặt hàng bán chạy nhất của công ty là gì?
  • Có tiền hoa hồng khi bán được sản phẩm hay không?
  • Việc đánh giá hiệu suất làm việc được thực hiện bởi quản lý cửa hàng hay quản lý khu vực?
  • Công ty có chính sách khuyến mại nội bộ hay không?
  • Cửa hàng này có bao nhiêu nhân viên toàn thời gian?
  • Anh / chị nhận xét thế nào về không khí làm việc giữa các nhân viên tại cửa hàng / cửa hiệu / cửa tiệm này?
  • Anh / chị kỳ vọng mức tăng trưởng của công ty là bao nhiêu trong 5 năm tới?
  • Tôi sẽ là làm việc theo nhóm hay chủ yếu làm việc độc lập?
  • Tôi sẽ có cơ hội phỏng vấn với người quản lý của vị trí này chứ?
  • Anh / chị có thể giúp tôi mô tả một ngày làm việc điển hình ở vị trí này được không?
  • Anh /chị nhận xét phong cách quản lý của công ty như thế nào?
  • Tôi có cơ hội phát triển khi làm việc cho công ty không hay không?
  • Anh / chị thích điều gì nhất khi làm việc ở đây?
  • Anh / chị kém thích điều gì nhất khi làm việc ở đây?
  • Anh / chị có mong muốn thay đổi bất cứ điều gì ở cửa hàng hay từ phía công ty hay không?
  • Nếu tôi được tuyển vào vị trí này, anh / chị muốn tôi bắt đầu làm việc khi nào?
  • Anh / chị đang phỏng vấn bao nhiêu ứng viên cho vị trí này?
  • Cửa hàng có quy định về trang phục hay không? Tôi nên mặc như thế nào khi đi làm?
  • Khi nào thì tôi sẽ nhận được phản hồi về kết quả tuyển dụng từ anh / chị?

Bí quyết: Danh sách này có rất nhiều câu hỏi! Bạn không cần phải hỏi tất cả. Hãy lựa chọn những điều quan trọng đối với bạn. Chỉ hỏi những câu hỏi chưa được giải quyết trong cuộc phỏng vấn.

Cách tạo ấn tượng tốt nhất trong cuộc phỏng vấn
  • LỰA CHỌN TRANG PHỤC PHÙ HỢP: Để có thể để lại ấn tượng tốt đẹp cho người phỏng vấn về bạn, hãy bắt đầu bằng cách ăn mặc chuyên nghiệp. 
  • DUY TRÌ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC: Khi người phỏng vấn chào bạn, hãy mỉm cười và bắt tay đúng mực. Bạn nên thể hiện sự lạc quan và tràn đầy năng lượng trong suốt buổi phỏng vấn. Cả hai đặc điểm này đều là những đặc điểm được kỳ vọng ở nhân viên làm việc trong ngành bán lẻ.
  • CHUẨN BỊ SẴN SÀNG CHO CUỘC PHỎNG VẤN: Hãy chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn, tức là bạn phải có kiến ​​thức cơ bản về công ty và các sản phẩm của công ty, cũng như luyện tập cách trả lời của bạn cho các câu hỏi phỏng vấn điển hình ở trên.
Bài viết liên quan