Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn việc làm

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và tham dự phỏng vấn

| tháng 11 25 2020

| bởiCTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
image

Ấn tượng đầu tiên đóng một vai trò quan trọng trong cách nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn dưới tư cách là một ứng viên. Những gì bạn nói trong phần đầu của cuộc phỏng vấn có thể tạo ra sự khác biệt trong kết quả cuối cùng — theo hướng tốt hoặc hướng xấu. Bạn sẽ không muốn trở thành người vụng về và thiếu kỹ năng xã hội. Thay vào đó, bạn sẽ muốn chứng tỏ rằng bản thân đủ chuyên nghiệp và thành thạo kỹ năng giao tiếp để trở thành một tài sản có giá trị của công ty nếu được tuyển dụng.

Một số nhà quản lý tuyển dụng thậm chí có thể đưa ra quyết định từ chối một ứng viên dựa trên ấn tượng xấu ban đầu. Ví dụ, những hành động như đến muộn hoặc liên tục kiểm tra điện thoại trong suốt cuộc phỏng vấn, có thể khiến người quản lý tuyển dụng nhận thấy ứng viên không có khả năng trong việc giữ cam kết, đáp ứng đúng thời hạn, tập trung, và theo đuổi công việc - những phẩm chất không hề tốt trong mắt nhà tuyển dụng .

Lưu ý quan trọng: Những điều nhỏ nhặt có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong giai đoạn này của quá trình tìm kiếm việc làm. Đó là lý do tại sao việc chú ý đến cách cư xử khi phỏng vấn và suy nghĩ kỹ lưỡng về cách bạn sẽ giới thiệu bản thân trong cuộc phỏng vấn việc làm là rất quan trọng.

Xem lại các bước đơn giản sau đây  cho việc giới thiệu bản thân, với các ví dụ về những việc cần làm và cần nói, nhờ đó bạn có thể tạo ấn tượng tích cực với những người bạn gặp trong suốt quá trình tuyển dụng.

1. Nói gì khi đến buổi phỏng vấn?

Hãy chuẩn bị để giới thiệu sơ lược với người chào đón bạn. Khi bạn đến địa điểm phỏng vấn, hãy giới thiệu bản thân với lễ tân bằng cách nêu rõ tên của bạn và lý do bạn đến đó.

Ví dụ:“Tên tôi là Trần A. Tôi có một cuộc phỏng vấn với anh/chị Nguyễn B lúc 2 giờ chiều.” Hoặc “Tôi là Trần A , và tôi có hẹn với anh/chị Nguyễn B lúc 10 giờ sáng.

Hãy tỏ ra lịch sự và tôn trọng trong lần tiếp xúc đầu tiên tại công ty. Nhiều nhà quản lý tuyển dụng sẽ hỏi nhân viên lễ tân ấn tượng của họ về ứng viên. Nếu bạn cư xử một cách thô lỗ hoặc bất lịch sự, bạn có thể tự đẩy bản thân khỏi cuộc tìm kiếm việc làm thậm chí trước khi bạn được gặp nhà quản lý tuyển dụng.

2. Nói gì khi gặp nhà quản lý tuyển dụng

Bạn có thể phải đợi vài phút trước khi tới giờ hẹn. Sau đó, bạn sẽ được lễ tân dẫn đến phòng phỏng vấn, hoặc người quản lý tuyển dụng sẽ ra đón bạn ở khu vực lễ tân. Dù đã có hẹn trước, nhưng hãy dành thời gian giới thiệu bản thân để người phỏng vấn biết bạn là ai.

Hãy đứng lên (nếu bạn đang ngồi) và, tùy vào giới tính của bạn và người phỏng vấn, bạn có thể đề nghị bắt tay họ ngay cả khi người phỏng vấn không đưa tay ra trước. Có một cái bắt tay hay một lời chào hỏi lịch sự trong phần giới thiệu là một phép lịch sự cần thiết.

Hãy nói với người phỏng vấn rằng bạn rất vui mừng khi được gặp họ, mỉm cười và giao tiếp bằng mắt.

Ví dụ: Tôi là Lê C, rất vui được gặp anh/chị.

Tránh những lỗi phỏng vấn thường gặp như mất tập trung hoặc ăn mặc không phù hợp. Và nếu bạn biết rằng bản thân dễ bị căng thẳng khi phỏng vấn, hãy phòng tránh điều này bằng cách nghiên cứu thật kỹ về công ty, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn và rèn luyện tư duy tích cực.

Để tránh lòng bàn tay đổ mồ hôi, hãy ghé qua nhà vệ sinh trước khi phỏng vấn, rửa sạch và lau khô tay. Nếu điều đó không khả thi, hãy dùng khăn giấy để lau khô tay trước giờ hẹn.

3. Giữ cho phần giới thiệu của bạn ngắn gọn và súc tích

Bạn sẽ có cơ hội để giới thiệu kỹ hơn về bản thân trong cuộc phỏng vấn. Nhiều nhà quản lý tuyển dụng sẽ bắt đầu một cuộc phỏng vấn với một câu hỏi mở như "Hãy cho tôi biết đôi điều về bạn." Cốt lõi của câu trả lời nên tập trung vào các yếu tố chính trong nền tảng của bạn để có thể thể hiện sự vượt trội của bạn ở vị trí công việc mà bạn đang phỏng vấn. Hãy sáng tạo ra một bài giới thiệu ngắn gọn và luyện tập trước để cảm thấy thoải mái khi mô tả bản thân.

Phân tích kỹ lưỡng công việc trước khi phỏng vấn, để bạn có thể chỉ ra những sở thích, kỹ năng, kinh nghiệm và phẩm chất cá nhân giúp bạn đáp ứng hoặc đạt trên mức yêu cầu của công việc và công ty.

Hãy xem lại câu trả lời cho các câu hỏi “cho tôi biết đôi điều về bạn” và tìm hiểu những cách tốt nhất để làm nổi bật các kỹ năng, kinh nghiệm và cá tính của bạn mà không cần chia sẻ quá nhiều thông tin hoặc chiếm quá nhiều thời gian phỏng vấn quý giá.

4. Tập trung vào năng lực của bạn

Phần giới thiệu của bạn phải đủ ngắn gọn để thu hút sự hứng thú của người phỏng vấn. Nhìn chung, một đoạn tóm tắt nhanh về các năng lực hoặc bằng cấp hấp dẫn nhất của bạn là đủ. Bạn cũng có thể đề cập đến một vài thông tin ngoài lề công việc nhưng vẫn phản ánh được tính cách của bạn, chẳng hạn như việc bạn là một vận động viên trượt tuyết, đã từng biểu diễn tại các câu lạc bộ hài kịch hoặc sưu tầm tranh ảnh từ châu Phi.

Mục tiêu của bạn là kết nối bản thân với người phỏng vấn, cũng như thể hiện rằng bạn đủ tiêu chuẩn cho công việc và sẽ là một nhân viên mới tuyệt vời.

Đây là cơ hội để bạn ‘quảng cáo’ bản thân với nhà quản lý tuyển dụng, vì vậy hãy tận dụng nó.

Tất nhiên, những lời đầu tiên của bạn nên thể hiện sự nhiệt tình đối với công việc và tổ chức. Tuy nhiên, đừng làm quá hay dành quá nhiều thời gian để nói về bản thân. Người phỏng vấn có lịch trình làm việc và quỹ thời gian phỏng vấn có hạn, nên hãy giới thiệu bản thân thật ngắn gọn để bạn có thể tiếp tục với các câu hỏi tiếp theo.

5. Chuẩn bị sẵn sàng cho các câu hỏi tiếp theo

Người phỏng vấn có thể dựa vào phần giới thiệu của bạn để đưa ra nhiều câu hỏi hơn, vì vậy, điều quan trọng phải nhớ là cần mở rộng những điều bạn đã nhắc tới trong phần giới thiệu.

Hãy chuẩn bị cung cấp các ví dụ cụ thể về cách thức và khía cạnh mà bạn đã tối ưu hóa những nguồn lực có sẵn để thành công trong công việc, hoạt động tình nguyện, hay các dự án học thuật cũng như các sáng kiến cải thiện hiệu quả công việc khác. Một cách để đưa ra các câu trả lời chi tiết là sử dụng kỹ thuật trả lời phỏng vấn STAR để mô tả những thành tích và thành tựu của bạn.

Bạn cũng nên chuẩn bị để đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn. Chuẩn bị một danh sách đã qua sàng lọc, gồm các câu hỏi bạn muốn biết về công việc và công ty mà bạn có thể hỏi người phỏng vấn. Hãy sử dụng cuộc phỏng vấn không chỉ như một cơ hội để làm nổi bật trình độ năng lực của bạn mà còn để xác định xem liệu công việc và nhà tuyển dụng này có phù hợp với bạn và mục tiêu nghề nghiệp của bạn hay không.

6. Hãy luôn nhớ rằng cách cư xử là vô cùng quan trọng trong các cuộc phỏng vấn việc làm

Bất kể công việc bạn đang ứng tuyển là gì, bạn sẽ phải cư xử thật chuyên nghiệp trong suốt quá trình cũng như mọi giai đoạn của cuộc phỏng vấn, từ chào hỏi người phỏng vấn đến cảm ơn sau cuộc phỏng vấn.

Xem lại các bí quyết về phép xã giao trước, trong và sau cuộc phỏng vấn việc làm để đảm bảo rằng bạn để tâm đến cách cư xử của bản thân. Hãy chắc chắn rằng bạn biết những gì cần nói, những gì cần mang theo, cách trả lời cũng như đặt câu hỏi một cách lịch sự và chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt nhất có thể.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan