Cách để hiểu rõ văn hóa công ty

Kỹ năng lãnh đạo, quản lý

| 26 tháng 3 2021

| bởi CTW.vn

image

Bạn đã sẵn sàng nhìn lại văn hóa của công ty chưa? Việc đánh giá văn hóa có thể khiến bạn hài lòng, nhưng cũng có thể không. Dù việc đánh giá này sẽ cho biết hiện tại công ty bạn đang mang đến cho nhân viên môi trường làm việc như thế nào, nhưng bạn cũng nên biết rằng đặc điểm văn hóa là thứ đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó.

Để thay đổi và cải thiện văn hóa, cũng như để văn hóa công ty tạo ra được giá trị, bạn cần phải nhìn thấu và hiểu rõ văn hóa hiện có của công ty. Dù tốt hay xấu, văn hóa ấy cũng sẽ giúp bạn hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp, hoặc cũng có thể là không.

Tuy nhiên, bạn sẽ chỉ nhận được câu trả lời cho đến khi bạn dành thời gian đánh giá văn hóa hiện có ở công ty của bạn. Giờ là lúc bắt tay vào thực hiện bước đầu tiên.

Khó khăn, thách thức khi đánh giá văn hóa trong nội bộ công ty

Để mọi người có thể đánh giá và hiểu được văn hóa của chính mình thật sự rất khó. Bởi vì những biểu hiện văn hóa hầu như khó nhìn thấy, mà chúng được thể hiện qua các công việc thường nhật của mọi người. Việc đánh giá văn hóa công ty cũng giống với việc cố gắng dạy ai đó cách buộc dây giày. Bạn đơn giản chỉ là thực hiện hành động này trong vô thức.

Vì khi bạn đã tự buộc dây giày mỗi ngày trong nhiều năm liền, sẽ thật khó để mô tả lại cách buộc cho một người khác.

Lưu ý: Do đó, sự quen thuộc hoàn toàn của bạn với môi trường xung quanh, tương tác của đồng nghiệp, sự dẫn dắt các cuộc họp, tương tác của các thành viên trong đội nhóm và các đồ vật trong văn phòng cũng như phòng làm việc khiến bạn phải xem xét lại và nhìn nhận môi trường làm việc của mình ở một khía cạnh khác.

Cách quan sát văn hóa hiện tại của công ty

Có rất nhiều cách giúp bạn có được một bức tranh tổng quan về văn hóa hiện tại của công ty. Để tiến hành đánh giá văn hóa công ty, bạn phải:

1. Cố gắng trở thành một người quan sát khách quan trong quá trình làm việc thực tế của nhân viên trong công ty.

Hãy quan sát nhân viên và sự tương tác của họ trong tổ chức với góc nhìn của một người ngoài cuộc. Cứ thử tưởng tượng bạn là một nhà nhân loại học đang quan sát, nghiên cứu một nhóm người bạn chưa từng gặp trước đây.

Hãy tự hỏi những câu như:

  • Mọi người tương tác với nhau thế nào? 
  • Có xảy ra mâu thuẫn không? Mâu thuẫn được giải quyết như thế nào? 
  • Lãnh đạo cấp cao tương tác với các quản lý cấp trung và nhân viên như thế nào? 
  • Các quản lý cấp trung tương tác với nhân viên cấp dưới như thế nào?

2. Chú ý cảm xúc 

Cảm xúc là biểu hiện của các giá trị. Mọi người sẽ không kích động hay buồn bực nếu điều gì đó không thực sự quan trọng với họ. Vì vậy, hãy rà soát, kiểm tra các mâu thuẫn, xung đột một cách chặt chẽ. Mọi người trông có vẻ hưởng ứng, hợp tác, phấn khích, hạnh phúc, thân thiện, nóng nảy hay muốn rút lui? Họ có mỉm cười và tương tác với bạn khi bạn đi ngang qua bàn làm việc của họ không?

3. Quan sát các đồ vật ở nơi làm việc của nhân viên.

Mọi người có xu hướng trưng bày các đồ vật cũng như vật dụng trên bàn làm việc hay treo trên tường. Hãy quan sát không gian làm việc chung cũng như cách bài trí nội thất. Chúng có tương hỗ hay bài trừ nhau không? Trong một công ty nọ, khi các chuyên viên tư vấn đang đi qua lại các phòng làm việc, họ nhận thấy nổi bật lên một không gian làm việc trống rỗng: không ảnh gia đình, không cây cối, không đồ trang sức, không phụ kiện trang trí để bàn hay đồ chơi.

Quan trọng:  Chủ tịch công ty đã thông báo mật cho các chuyên gia tư vấn đến thăm rằng ông sẽ đóng cửa công ty vào đầu tháng tới và không muốn để nhân viên của mình biết. Nhưng các chuyên gia lại nói với ông rằng thực ra các nhân viên đều đã biết sự việc. Những khu làm việc trống không là minh chứng cho điều này. Các nhân viên đã đem những thứ quan trọng về nhà.

4. Tìm cái không có ở nơi làm việc.

Khi bạn quan sát và tương tác với nhân viên, hãy để ý những thứ không được đề cập tới. Nếu không ai đề cập đến điều gì đó mà bạn cho là quan trọng (ví dụ như khách hàng hoặc dự kiến tăng trưởng doanh số), đó sẽ là một thông tin hữu ích và thú vị. Nó sẽ giúp bạn hiểu được văn hóa công ty. Điều gì bạn muốn có trong cuộc trò chuyện giữa các nhân viên nhưng họ lại chẳng nói gì cả? Họ kể những câu chuyện gì?

Đánh giá văn hóa công ty của bạn

Bạn có thể đánh giá văn hóa công ty hiện tại của mình theo một số cách. Đánh giá văn hóa này có thể bao gồm việc đi bộ quan sát xung quanh, thực hiện các cuộc phỏng vấn với nhân viên hoặc sử dụng một công cụ hỗ trợ đánh giá văn hóa.

1. Thực hiện một chuyến “tham quan văn hóa”:

Có một cách để quan sát văn hóa trong tổ chức của bạn là đi dạo quanh tòa nhà và các văn phòng để quan sát, xem xét một số biểu hiện thực tế về văn hóa.

  • Không gian được phân bổ như thế nào? Văn phòng được đặt ở đâu?
  • Bao nhiêu không gian được dùng và dùng cho ai? Mọi người được bố trí chỗ làm việc ở đâu?
  • Những gì được ghi trên bảng thông báo hoặc được dán hay treo trên tường?
  • Những gì được bài trí trên bàn làm việc hoặc trong các khu vực khác của tòa nhà? Trong các khu vực làm việc nhóm hay trên các tủ?
  • Các khu vực chung được sử dụng như thế nào?
  • Mọi người viết gì cho nhau? Điều gì được đề cập trong bản ghi nhớ hoặc email? Giọng điệu của những tin nhắn là gì (trang trọng hay không trang trọng, dễ chịu hay thù địch, v.v.)? Mọi người thường giao tiếp với nhau như thế nào? Việc giao tiếp được viết ra hay bằng lời nói?
  • Bạn thấy các nhân viên tương tác với nhau như thế nào? Bao nhiêu cảm xúc được thể hiện trong sự tương tác đó?

Bí quyết: Đây chỉ là một số câu hỏi bạn cần trả lời khi quan sát và đánh giá văn hóa công ty. Thường xuyên có những chuyến “tham quan văn hóa” để quan sát văn hóa công ty trong quá trình làm việc thực tế. Sẽ đến thời điểm bạn có thể đánh giá và cảm nhận những khác biệt một cách tinh tế theo thời gian.

2. Thực hiện những buổi “phỏng vấn văn hóa”:

Có một cách khác để hiểu văn hóa của công ty bạn là phỏng vấn các nhân viên theo từng nhóm nhỏ. Trong những buổi phỏng vấn này, điều không kém phần quan trọng là quan sát các hành vi và cách tương tác của nhân viên cũng như lắng nghe họ nói gì về văn hóa.

Vì văn hóa rất khó để giải thích hay diễn đạt, cách để thu được nhiều thông tin nhất là đặt những câu hỏi gián tiếp. Sau đây là những ví dụ về những câu hỏi gián tiếp mà bạn có thể hỏi trong một buổi “phỏng vấn văn hóa”.

  • Bạn sẽ nói gì về công ty mình cho một người bạn sắp bắt đầu làm việc ở đây?
  • Điều bạn muốn thay đổi nhất ở công ty là gì?
  • Ai là “người hùng” của công ty? Vì sao vậy?
  • Bạn sẽ nói gì về công ty của mình khi bạn đang đóng vai trò người tuyển dụng và ứng viên là bạn bè hoặc người quen?
  • Bạn yêu thích đặc điểm hiện có nào ở công ty?
  • Những kiểu người nào sẽ khó thành công trong công ty của bạn?
  • Câu hỏi yêu thích để hỏi một ứng viên cho một vị trí công việc nào đó trong công ty bạn là gì?

3. Những bài “khảo sát văn hóa”:

Những bài khảo sát trên giấy do những người trong công ty thực hiện cũng có thể cung cấp nhiều thông tin về văn hóa công ty. Điều quan trọng là phải tạo hay chọn lọc bài khảo sát bằng cách sử dụng những thông tin thu thập được trong quá trình “tham quan văn hóa” cũng như các buổi “phỏng vấn văn hóa”.

Bạn có thể mua hoặc tùy chỉnh thiết kế một bài khảo sát. Một bài khảo sát có sẵn có thể chứa những câu hỏi thú vị, và đôi khi những câu hỏi có thể sẽ không liên quan đến công ty của bạn cho lắm. Tuy nhiên, vì những bài khảo sát có sẵn như thế này đã được một số công ty, tổ chức khác ứng dụng hiệu quả, nên có thể nói rằng các câu hỏi là đáng tin cậy và đã được xác thực.

Kết luận

Đây là những cách mà bạn có thể quan sát cũng như hiểu được văn hóa công ty của mình. Kết quả đánh giá văn hóa công ty sẽ cho bạn biết những gì cần được cải thiện nhiều hơn, giảm thiểu đi, dừng thực hiện hay nên bắt đầu lại. Bên cạnh đó, kết quả này sẽ giúp xác nhận tính hiệu quả của văn hóa mà công ty bạn hiện có hoặc có thể là động lực để bạn thay đổi văn hóa công ty của mình.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan