Chấp nhận hoặc từ chối lời mời làm việc

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và tham dự phỏng vấn

| tháng 11 13 2020

| bởiCTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
image

Sau khi đã trải qua các bước viết sơ yếu lý lịch hay CV, tiến hành các cuộc phỏng vấn thu thập thông tin, nộp hồ sơ ứng tuyển, viết thư ứng tuyển và chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn, bạn đã nhận được một lời mời làm việc. Xin chúc mừng!

Thật không may, việc tìm kiếm việc làm của bạn vẫn chưa kết thúc. Hôm nay, chúng tôi sẽ xem xét các bước bạn cần làm khi quyết định có nên chấp nhận một lời mời làm việc hay không, và làm thế nào để phản hồi với nhà tuyển dụng.

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ lại

Không cần phải đưa ra quyết định ngay lập tức. Đó là một việc hoàn toàn có thể chấp nhận được khi yêu cầu có thêm một chút thời gian để xem xét lời mời làm việc và cân nhắc những ưu điểm và khuyết điểm của lời mời làm việc đó. Dưới đây là một số câu hỏi để bạn tự hỏi bản thân khi quyết định có nhận một công việc hay không:

  • Bạn có thể hình dung việc bản thân hạnh phúc khi làm việc tại tổ chức này không? Hãy suy nghĩ kỹ về văn hóa công ty. Đây có phải là môi trường văn phòng mà bạn muốn làm việc không? Nếu bạn cần sự linh hoạt về giờ giấc làm việc, công ty này có cho phép như vậy hay không? Cùng với sự linh hoạt, hãy suy nghĩ kỹ về thời gian di chuyển. Nếu công việc này đòi hỏi bạn phải di chuyển thường xuyên hoặc nhiều ngày, hãy chắc chắn rằng bạn sẵn sàng dành thời gian để di chuyển cho công việc.
  • Bạn cảm thấy thế nào về phong cách quản lý của người chủ sử dụng lao động? Nếu bạn nhận thấy bất kỳ cảnh báo nguy hiểm nào về nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn, hãy thận trọng khi chấp nhận lời mời làm việc. Hãy suy nghĩ kỹ về kiểu người bạn thích làm việc cùng và liệu bạn có thể thấy bản thân hạnh phúc khi làm việc lâu dài cho người này hay không.
  • Có cơ hội thăng tiến không? Nếu bạn có mục tiêu nghề nghiệp dài hạn, hãy xem liệu những mục tiêu này có thể thực hiện được tại công ty này không. Dùng cảm nhận chủ quan của bạn xem có bao nhiêu người được thăng chức trong nội bộ công ty. Kiểm tra xem công ty có lịch sử phát triển song hành với việc giữ chân nhân viên lâu dài hay không. Nếu nhân viên công ty liên tục nghỉ việc hoặc bị sa thải, trong khi bạn đang tìm kiếm một vị trí lâu dài, bạn có thể không muốn nhận công việc này.
  • Bạn có hài lòng với mức lương được đề nghị không? Đảm bảo rằng bạn đang được trả công xứng đáng và có đủ tiền để thanh toán các hóa đơn cũng như các chi phí khác dựa  trên mức lương đó. Hãy đọc kỹ những phần còn lại của sự trả công, bao gồm quyền lợi về sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, kỳ nghỉ dài ngày hoặc du lịch công ty, thời gian nghỉ ốm và các đặc quyền khác nhau. Nếu bạn không hài lòng với lương và các phúc lợi đó, hãy tìm hiểu xem nhà tuyển dụng có sẵn sàng thương lượng thêm hay không.
  • Bạn có nhận được lời đề nghị nào tốt hơn không? Bạn cũng có thể thấy bản thân đang phải cân nhắc nhiều lời mời làm việc cùng một lúc. Hãy xem qua danh sách các câu hỏi này và suy nghĩ về ưu điểm và nhược điểm của từng công việc để giúp bạn đưa ra quyết định.

Nếu bất kỳ câu hỏi nào trong số này vẫn chưa được trả lời, bây giờ là lúc để hỏi nhà tuyển dụng. Nếu bạn có thắc mắc về văn hóa công ty, hãy hỏi xem bạn có thể ghé thăm văn phòng một lần nữa hay nói chuyện với một trong những nhân viên của họ để cảm nhận về một ngày làm việc điển hình ở công ty sẽ như thế nào.

Chấp nhận một lời mời làm việc

Nếu bạn quyết định chấp nhận một lời mời làm việc, bạn sẽ muốn phản hồi nhà tuyển dụng ngay lập tức. Bắt đầu với một cuộc điện thoại, sau đó là một lá thư chấp nhận bằng văn bản, là phương pháp chuyên nghiệp nhất để chấp nhận một vị trí việc làm.

Hãy đảm bảo hiểu rõ tất cả các chi tiết về công việc trước khi nhận việc. Nếu bạn đang thương lượng về bất kỳ thay đổi nào đối với lời đề nghị, hãy đảm bảo rằng cả bạn và nhà tuyển dụng đều đồng ý với những thay đổi đó trước khi chấp nhận công việc.

Khi bạn đã chấp nhận công việc, hãy nói điều đó với bất kỳ ai khác mà bạn đã gặp tại văn phòng trong cuộc phỏng vấn.

Cách từ chối một lời mời làm việc

Nếu cuối cùng bạn quyết định rằng công việc đó không phù hợp hoặc bạn nhận được một lời đề nghị tốt hơn (hoặc đơn giản là lời đề nghị không đủ tốt), bạn sẽ phải chính thức từ chối lời đề nghị đó. Hãy cho nhà tuyển dụng biết ngay lập tức. Tốt nhất là gọi điện thoại và sau đó gửi thư gợi nhắc và theo sát (follow up).

Khi từ chối một lời đề nghị, mục tiêu chính là duy trì mối quan hệ tích cực với tổ chức. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn có thể sẽ làm việc với công ty đó lần nữa. Nhắc lại sự đánh giá cao của bạn về thời gian mà nhà tuyển dụng đã dành ra để phỏng vấn bạn.

Khi giải thích lý do tại sao bạn không chấp nhận lời đề nghị, hãy trung thực nhưng ngắn gọn. Nếu bạn không thích người quản lý hoặc môi trường văn phòng, chỉ cần nói, "Tôi không nghĩ rằng bản thân phù hợp với vị trí này." (“I do not believe I am a good fit for the position.”) Nếu bạn chấp nhận một công việc khác, chỉ cần nói, "Tôi đã chấp nhận một đề nghị khác phù hợp nhất với mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân của tôi." (“I accepted another offer that fits my professional and personal goals best.”)

Nếu bạn đã cố gắng thương lượng nhưng không nhận được những gì bạn muốn, bạn cũng có thể thành thật. Bạn chỉ cần đơn giản nói rằng, "Do chúng ta không thể thương lượng được lời đề nghị này nên tôi sẽ phải từ chối nó." (“Due to the fact that the offer is non-negotiable, I will have to decline.”) Tránh tỏ ra tiêu cực, và không đi vào chi tiết.

Kết thúc bức thư phản hồi của bạn bằng cách cảm ơn nhà tuyển dụng và chúc công ty tiếp tục phát triển và thành công (wish the company continued success).

Sau khi bạn từ chối lời mời làm việc, hãy gửi thư điện tử (email) cho bất kỳ ai khác mà bạn đã kết nối tại tổ chức đó để cập nhật thông tin và cảm ơn họ vì sự giúp đỡ của họ.

Nguồn bài viết
Bài viết cùng chủ đề “30 ngày tìm kiếm công việc mơ ước”
Bài viết liên quan