Mô tả công việc của phòng kế toán và các vị trí kế toán trong doanh nghiệp

Tài chính - Kế toán

| 05 tháng 3 2021

| bởi CTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
Chức năng của phòng Kế toán trong doanh nghiệp

Chức năng:

  • Thực hiện những công việc về nghiệp vụ chuyên môn tài chính kế toán theo đúng qui định của Nhà nước về chuẩn mực kế toán, nguyên tắc kế toán ….
  • Theo dõi, phản ánh sự vận động vốn kinh doanh của Công ty dưới mọi hình thái và cố vấn cho Ban lãnh đạo các vấn đề liên quan.
  • Tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc (BTGĐ) về chế độ kế toán và những thay đổi của chế độ qua từng thời kỳ trong hoạt động kinh doanh.
  • Cùng với các bộ phận khác tạo nên mạng lưới thông tin quản lý năng động, hữu hiệu.
  • Tham gia xây dựng Hệ thống Quản lý Chất lượng, Hệ thống Quản lý Mội trường và Hệ thống Quản lý Trách nhiệm Xã hội.

Nhiệm vụ:

  • Ghi chép, tính toán, phản ánh số hiện có, tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn; quá trình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn của Công ty.
  • Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch thu chi tài chính việc thu, nộp, thanh toán, kiểm tra việc giữ gìn và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời những hiện tượng lãng phí, vi phạm chế độ, quy định của Công ty.
  • Phổ biến chính sách chế độ quản lý tài chính của nhà nước với các bộ phận liên quan khi cần thiết.
  • Cung cấp các số liệu, tài liệu cho việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra và phân tích hoạt động kinh tế tài chính, phục vụ công tác lập và theo dõi kế hoạch. Cung cấp số liệu báo cáo cho các cơ quan hữu quan theo chế độ báo cáo tài chính, kế toán hiện hành.
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho BTGĐ Công ty.
Lựa chọn vị trí việc làm kế toán như thế nào?

Có nhiều vị trí việc làm như vậy trong lĩnh vực kế toán vừa là cơ hội để những người có bằng cấp, chứng chỉ "tha hồ" chọn, cũng vừa khiến mọi người bối rối vì khó quyết định đâu là vai trò mình thực sự phù hợp và muốn làm.

  • Cách tốt nhất để chọn việc làm kế toán là căn cứ vào năng lực và định hướng của bản thân.
    • Ví dụ, bạn học trung cấp hoặc cao đẳng kế toán hoặc học kinh tế nhưng có chứng chỉ kế toán thì có thể bắt đầu từ kế toán thanh toán kho, kế toán thanh toán hoặc kế toán nội bộ. Trong khi đó, những ai có bằng đại học hoặc thạc sĩ thì sẽ chọn theo hướng khác như kế toán thuế, kế toán tổng hợp và nhanh thăng tiến lên kế toán trưởng, v.v.
  • Dĩ nhiên, để có quyết định cuối cùng, bạn phải hiểu về các vị trí kế toán, sự khác nhau giữa chúng và các yêu cầu của nhà tuyển dụng. 
    • Mọi lựa chọn nghề nghiệp đều được đưa ra dựa trên nhu cầu của bản thân và cơ hội trên thị trường lao động. Nếu bạn không hiểu thì rất khó để biết cái gì phù hợp với mình.
  • Cuối cùng, một số người chọn vị trí việc làm ngành kế toán dựa trên mức thu nhập.
    • Đều là kế toán nhưng các vai trò cụ thể khác nhau sẽ có lương khác nhau, do đó, nếu bạn có bằng cấp, trình độ và kinh nghiệm thì chắc chắn bạn có nhiều lựa chọn hơn, miễn sao để bạn hài lòng nhất. Trên thực tế, các vị trí như kế toán thuế, kế toán công nợ, kế toán nội bộ cho công ty lớn thì có nhiều cơ hội thăng tiến hơn kế toán kho, ...

Có rất nhiều công ty còn có các vị trí liên quan đến ngành kế toán như giám đốc tài chính, người chuyên quản lý các hoạt động tài chính của doanh nghiệp hay kế toán quỹ, kế toán thuế và giá thành, kế toán vật tư, kiểm toán viên... Với rất nhiều những vị trí công việc khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu cũng như mức độ cần thiết của công ty sẽ có những chức danh khác nhau, chính vì thế khi các bạn có nhu cầu tìm việc làm ngành kế toán thì hãy tìm hiểu chi tiết về những vị trí và xem mình phù hợp với vị trí nào nhất để ứng tuyển nhé.

Hiện nay có rất nhiều các công ty doanh nghiệp tuyển việc làm kế toán, tuyển kế toán thanh toán, kế toán kho, kế toán thu chi... chính vì thế các bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm môi trường làm việc phù hợp với khả năng của mình. Hơn nữa, hãy xác định cụ thể nghề kế toán, được gì và mất gì để có quyết định sự nghiệp đúng đắn cho bản thân. Đồng thời các bạn có thể tạo CV xin việc kế toán trực tuyến trên các trang hỗ trợ tuyển dụng để nhà tuyển dụng có thể thấy được thông tin của mình nếu thích hợp họ sẽ liên hệ đến bạn.

Kế toán trưởng

Vị trí kế toán trưởng là vị trí chủ chốt của phòng kế toán tại các doanh nghiệp hoặc công ty. Với vị trí này người làm việc phải giỏi và có kiến thức chuyên môn của kế toán trưởng, công việc chủ yếu là tổ chức kế toán, lên kế hoạch chiến lược phù hợp cho công việc và bàn giao cho cấp dưới. Chỉ đạo và kiểm kê, đánh giá tài sản và kiểm soát hợp đồng, nguồn thu của doanh nghiệp.Công việc của kế toán trưởng cũng rất nhiều, chính vì thế những người đảm nhận vị trí này cần có kinh nghiệm cũng như kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc sao cho hợp lý nhất.

Nhiệm vụ cụ thể của kế toán trưởng:

  • Tổ chức hệ thống kế toán của doanh nghiệp để tiến hành ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong hoạt  động vận doanh của Cty, trên cơ sở không ngừng cải tiến tổ chức bộ máy và tuân thủ Pháp lệnh kế toán thống kê.
  • Thiết lập đầy đủ và gửi đúng hạn các báo cáo kế toán, thống kê và quyết toán theo qui định của Nhà nước và Điều lệ Công ty.
  • Hoạch định, tổ chức, kiểm tra, duy trì và đổi mới theo hướng hiệu quả các nghiệp vụ kế toán quản trị.
  • Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thi hành kịp thời các chế độ, thể lệ tài chính, kế toán do Nhà nước ban hành cho các cấp thừa hành thuộc hệ thống kế toán – thống kê .
  • Kiểm tra việc bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán.
  • Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, xây dựng đội ngũ kế toán viên của Công ty.
  • Thực hiện quản lý hoạt động ngân sách của doanh nghiệp.
  • Hoạch định và đưa ra những quyết định tài chính ngắn hạn.

Tiêu chuẩn để làm vị trí kế toán trưởng:

  • Trình độ học vấn: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán
  • Trình độ chuyên môn: Có bằng kế toán trưởng
  • Trình độ ngoại ngữ: Tiếng anh trình độ C trở lên
  • Kinh nghiệm thực tế: Tối thiểu 2 năm trở lên
  • Yêu cầu khác: Am hiểu lĩnh vực quản trị, ngoại giao. Giỏi trong các lĩnh vực của kế toán, tài chính, thống kê

Mức lương trung bình của kế toán trưởng:

Mức lương trung bình của một kế toán trưởng vào khoảng 15 triệu đến 30 triệu tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp. Kế toán trưởng doanh nghiệp thương mại hay doanh nghiệp sản xuất, xây dựng...

Kế toán tổng hợp

Kế toán tổng hợp là người phụ trách hầu hết tất cả những mảng liên quan đến công việc kế toán của doanh nghiệp. Từ vấn đề hướng dẫn nhân viên kế toán hay đào tạo nghiệp vụ kế toán cho những người mới. Thu thập và xử lý dữ liệu, những chứng từ liên quan và kết hợp giải đáp thắc mắc, hạch toán và theo dõi cũng như quản lý công nợ, các khoản chi tiêu và giám sát số liệu sản phẩm rõ ràng.

Công việc của nhân viên kế toán tổng hợp có phần bận rộn bởi phải ôm đồm rất nhiều thứ. Thường những doanh nghiệp nhỏ họ chỉ tuyển một vị trí kế toán tổng hợp là có thể lo chu toàn nhất cho tất cả công việc hay các vụ liên quan đến tài chính.

Nhiệm vụ cụ thể của vị trí kế toán tổng hợp:

  • Kiểm tra đối chiếu số liệu giữa các đơn vị nội bộ, dữ liệu chi tiết và tổng hợp.
  • Kiểm tra các định khoản các nghiệp vụ phát sinh.
  • Kiểm tra sự cân đối giữa số liệu kế toán chi tiết và tổng hợp
  • Kiểm tra số dư cuối kỳ có hợp lý và Khớp đúng với các báo cáo chi tiết.
  • Hạch toán thu nhập, chi phí, khấu hao,TSCĐ,công nợ, nghiệp vụ khác, thuế GTGT và báo cáo thuế khối văn phòng CT, lập quyết toán văn phòng cty.
  • Theo dõi công nợ khối văn phòng công ty, quản lý tổng quát công nợ toàn công ty. Xác định và đề xuất lập dự phòng hoặc xử lý công nợ phải thu khó đòi toàn công ty.
  • In sổ chi tiết và tổng hợp khối văn phòng, tổng hợp công ty theo qui định.
  • Lập báo cáo tài chính theo từng quí, 6 tháng, năm và các báo cáo giải trình chi tiết.
  • Hướng dẫn xử lý và hạch toán các nghiệp vụ kế toán.
  • Tham gia phối hợp công tác kiểm tra, kiểm kê tại các đơn vị cơ sở.
  • Cải tiến phương pháp hạch toán và chế độ báo cáo.
  • Thống kê và tổng hợp số liệu kế toán khi có yêu cầu.
  • Cung cấp số liệu Cho Ban Giám Đốc hoặc các đơn vị chức năng khi có yêu cầu.
  • Giải trình số liệu và cung cấp hồ sơ, số liệu  cho cơ quan thuế, kiểm toán, thanh tra kiểm tra theo yêu cầu của phụ trách phòng KT-TV.
  • Kiến nghị và đề xuất biện pháp khắc phục cải tiến
  • Lưu trữ dữ liệu kế toán theo qui định.

Tiêu chuẩn để làm vị trí công việc kế toán tổng hợp:

  • Trình độ: Tốt nghiệp Cao đẳng trở lên thuộc ngành kế toán,kiểm toán, tài chính.
  • Có năng lực nghiệp vụ kế toán, có khả năng tổng hợp, nắm vững chế độ kế toán.
  • Tự tổ chức, sắp xếp và xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ được phân công .
  • Biết tổng hợp và phân tích báo cáo. Thi hành nhiệm vụ chính xác và đúng qui định.
  • Có kiến thức cơ bản về công nghệ quy trình sản xuất trong công ty
  • Sử dụng máy vi tính thành thạo (phần mềm excel, phần mềm kế toán).

Mức lương trung bình của kế toán tổng hợp:

Mức lương trung bình của kế toán tổng hợp từ 10 triệu đến 20 triệu tùy theo quy mô và loại hình doanh nghiệp.

Kế toán công nợ

Kế toán công nợ là vị trí với những công việc liên quan đến các khoản công nợ phải thu hay phải chi trả khách. Nhân viên kế toán công nợ với công việc thống kê và lập danh sách các khoản công nợ cụ thể của công ty, sắp xếp và hẹn thời gian chi trả đúng thời gian quy định cũng như đáp ứng đúng hợp đồng để đảm bảo làm việc uy tín, chuyên nghiệp của công ty. Với chức danh kế toán công nợ này, bạn cần thực hiện nhiệm vụ do kế toán trưởng hay các kế toán viên cấp cao hơn bàn giao.

Nhiệm vụ cụ thể của kế toán công nợ trong một doanh nghiệp:

  • Nhận hợp đồng kinh tế của các bộ phận:
    • Kiểm tra nội dung, các điều khoản trong hợp đồng có liên quan đến điều khoản thanh toán.
    • Thêm mã khách hàng, mã nhà cung cấp mới vào Solomon đối với các khách hàng mới
    • Sửa mã trên đối với khách hàng, nhà cung cấp có sự chuyển nhượng hoặc thay đổi
    • Vào mã hợp đồng trong Phần mềm quản lý Tài chính Kế toán để theo dõi theo từng hợp đồng của từng khách hàng
  • Nhận đề nghị xác nhận công nợ với khách hàng, nhà cung cấp
  • Xác nhận (Release) hoá đơn bán hàng, chứng từ thanh toán
  • Kiểm tra công nợ:
    • Khách hàng mua hàng theo từng đề nghị và dựa trên hợp đồng nguyên tắc bán hàng đã ký, kiểm tra giá trị hàng mà khách hàng muốn mua, hạn mức tín dụng và thời hạn thanh toán mà công ty chấp nhận cho từng khách hàng.
    • Khách hàng mua hàng theo hợp đồng kinh tế đã ký, kiểm tra về số lượng hàng, chủng loại hàng hoá, phụ kiện đi kèm, giá bán, thời hạn thanh toán.
    • Kiểm tra chi tiết công nợ của từng khách hàng theo từng chứng từ phát sinh công nợ, hạn thanh toán, số tiền đã quá hạn, báo cho bộ phận bán hàng, cán bộ thu nợ và cán bộ quản lý cấp trên
    • Kiểm tra chi tiết công nợ của từng nhà cung cấp, từng bộ phận theo từng chứng từ phát sinh công nợ phải trả, hạn thanh toán, số tiền nợ quá hạn, số tiền PP và báo cho các bộ phận mua hàng và cán bộ quản lý cấp trên
  • Liên lạc thường xuyên với các bộ phận/ Cán bộ quản trị hợp đồng về tình hình thực hiện hợp đồng.
  • Theo dõi tình hình thanh toán của khách hàng, khi khách hàng trả tiền tách các khoản nợ theo hợp đồng, theo hoá đơn bán hàng.
  • Theo dõi tình hình thực hiện các hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ trong và ngoài nước của các bộ phận.
  • Đôn đốc và trực tiếp tham gia thu hồi nợ với các khoản công nợ khó đòi, nợ lâu, và các khoản công nợ trả trước cho nhà cung cấp đã quá thời hạn nhập hàng hoặc nhận dịch vụ
  • Lập bút toán kết chuyển công nợ hàng hoá, dịch vụ với các Chi nhánh/công ty
  • Định kỳ làm xác nhận công nợ với các chi nhánh/công ty
  • Lập bút toán điều chỉnh tỷ giá và các điều chỉnh liên quan của các bộ phận, khách hàng, nhà cung cấp
  • Kiểm tra báo cáo công nợ trên soft.
  • Lập báo cáo công nợ và công nợ đặc biệt
  • Lập thông báo thanh toán công nợ
  • Lập báo cáo tình hình thực hiện các hợp đồng, thông tin chung về công nợ.
  • Kiểm tra số liệu công nợ để lập biên bản xác nhận công nợ với từng khách hàng, từng nhà cung cấp.
  • Công nợ tạm ứng của cán bộ công ty/CN:
    • Hàng ngày, theo dõi hạn thanh toán tạm ứng và nhắc thanh toán khi đến hạn chi tiết theo từng đối tượng, bộ phận
    • Hàng tuần, thông báo danh sách tạm ứng chung và danh sách tạm ứng từng lần quá hạn đến từng đối tượng, bộ phận.
    • Cuối năm, xác nhận nợ các khoản tạm ứng với từng cán bộ, bộ phận.
Kế toán công nợ

Kế toán thuế là vị trí tương đối quan trọng và hầu hết không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có đăng ký sản xuất và kinh doanh thì cần đóng thuế cho nhà nước, việc này được kế toán thuế thực hiện. Việc tính toán thuế, xác định rõ được những khoản thuế phù hợp để nộp cũng như đáp ứng đúng yêu cầu của pháp luật.

Nhiệm vụ cụ thể của kế toán thuế:

  • Trực tiếp làm việc cơ quan thuế khi có phát sinh .
  • Kiểm tra đối chiếu hóa đơn GTGT với bảng kê thuế đầu vào , đầu ra của từng cơ sở.
  • Kiểm tra đối chiếu bảng kê khai hồ sơ xuất khẩu
  • Hằng tháng lập báo cáo tổng hợp thuế GTGT đầu ra của toàn Công ty, phân loại theo thuế suất .
  • Hằng tháng lập báo cáo tổng hợp thuế GTGT đầu vào của toàn Công ty, theo tỉ lệ phân bổ đầu ra được khấu trừ .
  • Theo dõi báo cáo tình hình nộp ngân sách , tồn đọng ngân sách, hoàn thuế của Cty .
  • Cùng phối hợp với kế toán tổng hợp đối chiếu số liệu báo cáo thuế của các cơ sở giữa báo cáo với quyết toán .
  • Lập hồ sơ ưu đãi đối với dự án đầu tư mới , đăng ký  đơn vị phát sinh mới hoặc điều chỉnh giảm khi có phát sinh.
  • Lập hồ sơ hoàn thuế khi có phát sinh .
  • Lập báo cáo tổng hợp thuế theo định kỳ hoặc đột xuất  (nhóm thuế suất, đơn vị cơ sở).
  • Kiểm tra hóa đơn đầu vào (sử dụng đèn cực tím) đánh số thứ tự để dễ truy tìm , phát hiện  loại hóa đơn không hợp pháp thông báo đến cơ sở có liên quan .
  • Hằng tháng đóng chứng từ báo cáo  thuế của cơ sở  ,toàn Cty .
  • Kiểm tra báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thuế để báo cáo cục thuế .
  • Lập bảng kê danh sách lưu trữ, bảo quản hóa đơn thuế GTGT VCNB theo thời gian, thư ùtự số quyển không để thất thoát, hư hỏng.
  • Kiểm tra đối chiếu biên bản trả ,nhận  hàng để điều chỉnh doanh thu báo cáo thuế kịp thời khi có phát sinh .
  • Cập nhật  kịp thời các thông tin về Luật thuế ,soạn thông báo các nghiệp vụ qui định của Luật thuế có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty  để cơ sở biết thực hiện.
  • Lập kế hoạch thuế giá trị gia tăng ,thu nhập  doanh nghiệp, nộp ngân sách
  • Yêu cầu chấp hành nguyên tắc bảo mật.
  • Cập nhật thep dõi việc giao nhận hoá đơn (mở sổ giao và ký nhận).
  • Theo dõi tình hình giao nhận hoá đơn các đơn vị cơ sở.
  • Hằng tháng, quý, năm, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong kỳ.
  • Cập nhật và lập giấy báo công nợ các đơn vị cơ sở.

Tiêu chuẩn để làm vị trí công việc kế toán thuế:

  • Trình độ Đại học kinh tế.
  • Am hiểu Luật thuế GTGT, các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT

Mức lương trung bình của kế toán thuế:

Mức lương trung bình của nhân viên kế toán thuế theo thống kê vào khoảng 8 triệu - 15 triệu.

Kế toán tiền mặt, tiền gửi ngân hàng (Kế toán ngân hàng)

Nhiệm vụ cụ thể của nhân viên kế toán ngân hàng:

  • Kiểm tra tính đúng đắn các nội dung ghi trên séc và viết phiếu thu séc với những séc hợp lệ.
  • Lập bảng kê nộp séc, trình ký, đóng dấu để nộp ra ngân hàng
  • Kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của đề nghị thanh toán và lập lệnh chi tiền, uỷ nhiệm chi, công văn mua ngoại tệ (đối với lệnh chi ngoại tệ)... và nộp ra ngân hàng.
  • Kiểm tra đơn xin bảo lãnh ngân hàng của các bộ phận khi có nhu cầu phải bảo lãnh của ngân hàng
  • Lập hồ sơ bảo lãnh tại các ngân hàng.
  • Chuyển hồ sơ cho kế toán trưởng và chủ tài khoản ký.
  • Nộp hồ sơ cho ngân hàng
  • Theo dõi tình hình thực hiện các bảo lãnh tại các ngân hàng
  • Lập hồ sơ vay vốn ngân hàng, trả nợ vay ngân hàng theo quy định của ngân hàng và mục đích của từng lần vay.
  • Chuyển hồ sơ cho kế toán trưởng và chủ tài khoản ký.
  • Chuyển giao hồ sơ cho ngân hàng và theo dõi tình hình nhận nợ và trả nợ vay ngân hàng.
  • Chuẩn bị hồ sơ mở L/C.
  • Theo dõi tình hình mở thanh toán, ký hậu vận đơn gốc, bảo lãnh các LC
  • Nhận chứng từ từ các ngân hàng, sắp xếp theo nội dung
  • Kiểm tra chứng từ báo nợ, báo có, báo vay, báo trả vay của các ngân hàng.- Định khoản, vào máy các chứng từ tiền gửi, ký cược, ký quỹ, tiền vay ngân hàng.
  • In bảng kê, ký người lập bảng kê, chuyển cho người kiểm soát
  • Sau khi hồ sơ được kiểm tra, đóng file lưu trữ.
  • Kiểm tra số dư các tài khoản ngân hàng và làm bút toán chênh lệch tỷ giá các tài khoản ngân hàng.
  • In phiếu kế toán, ký người lập và chuyển cho kế toán trưởng ký và lưu trữ.
  • Kiểm tra số dư tiền gửi các ngân hàng để xem tăng giảm của tiền gửi ngân hàng, báo cáo cho trưởng phòng để kiểm soát và thực hiện kế hoạch dòng tiền
  • Nộp tiền ra ngân hàng để phục vụ các hoạt động của công ty
  • Theo dõi để thực hiện các công việc đã yêu cầu và giải đáp các khúc mắc của phía ngân hàng

Tiêu chuẩn để làm vị trí kế toán ngân hàng:

  • Trình độ học vấn: Tốt nghiệp Đại học
  • Trình độ chuyên môn: Kế toán
  • Trình độ ngoại ngữ: Tiếng Anh - Trình độ B trở lên
  • Kinh nghiệm thực tế: Có ít nhất 01 năm làm kế toán chuyên nghiệp
  • Yêu cầu khác:
  • Cẩn thận, hiểu biết các thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt, bảo lãnh, vay vốn,  các nguyên tắc thu phí, lãi vay ngân hàng, hiểu biết về nghiệp vụ ngoại thương và thanh toán quốc tế.
  • Khả năng giao tiếp tốt

Mức lương trung bình của nhân viên kế toán ngân hàng:

Mức lương trung bình của một nhân viên kế toán ngân hàng vào khoảng từ 7->15 triệu

Kế toán kho

Nhiệm vụ cụ thể của kế toán kho:

  • Lập chứng từ nhập xuất, chi phí mua hàng, hoá đơn bán hàng và kê khai thuế đầu vào đầu ra.
  • Hạch toán doanh thu, giá vốn, công nợ.
  • Theo dõi công nợ, lập biên bản xác minh công nợ theo định kỳ (hoặc khi có yêu cầu), nộp về PKT-TV
  • Tính giá nhập xuất vật tư hàng nhập khẩu, lập phiếu nhập xuất và chuyển cho bộ phận liên quan.
  • Lập báo cáo tồn kho, báo cáo nhập xuất tồn
  • Kiểm soát nhập xuất tồn kho
  • Thường xuyên: kiểm tra việc ghi chép vào thẻ kho của thủ kho, hàng hoá vật tư trong kho được  sắp xếp hợp lý chưa, kiểm tra thủ kho có tuân thủ các quy định của công ty. Đối chiếu số liệu nhập xuất của thủ kho và kế toán.
  • Trực tiếp tham gia kiểm đếm số lượng hàng nhập xuất kho cùng thủ kho, bên giao, bên nhận nếu hàng nhập xuất có giá trị lớn hoặc có yêu cầu của cấp có thẩm quyền
  • Tham gia công tác kiểm kê định kỳ (hoặc đột xuất). Chịu trách nhiệm lập biên bản kiểm kê, biên bản đề xuất xử lý nếu có chênh lệch giữa sổ sách và thực tế, nộp về PKT-TV.
  • Nộp chứng từ và báo cáo kế toán theo quy định.

Tiêu chuẩn để làm vị trí kế toán kho:

  • Trình độ: Tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp trở lên.
  • Hiểu biết về nghiệp vụ kế toán, chế độ kế toán.
  • Cần mẫn , có trách nhiệm với công việc.
  • Thi hành nghiệp vụ chính xác và đúng quy định.
  • Sử dụng máy vi tính thành thạo (phần mềm excel, phần mềm kế toán).

Mức lương trung bình của kế toán kho:

Mức lương trung bình của vị trí kế toán kho vào khoảng 6 triệu đến 9 triệu.

Kế toán bán hàng

Vị trí Kế toán bán hàng được nhiều người lựa chọn, đây là vị trí có công việc chính như một nhân viên kế toán. Cũng tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ của công ty mà nhân viên kế toán sẽ được nhận công việc cụ thể khác nhau. Đối với những công ty lớn có riêng vị trí kế toán bán hàng thì công việc chính là xác định đơn hàng, cập nhật đơn giá hàng, xuất hàng, nhập hàng, thay đổi giá cả hay tất cả những vấn đề liên quan đến hàng bán ra, hàng tồn kho đều được lưu trữ cụ thể và kết hợp với bộ phận nhân viên bán hàng để đem lại hiệu quả công việc cao.

Nhiệm vụ cụ thể của kế toán bán hàng:

  • Công việc trong ngày
    • Thực hiện việc cập nhật giá, sản phẩm mới vào phần mềm quản lý kế toán.
    • Tính thuế GTGT của hàng hóa bán ra
    • Theo dõi và thực hiện việc tính tỷ lệ chiết khấu cho khách hàng.
    • Làm báo giá sản phẩm, soạn hợp đồng cho khách hàng khi cần.
    • Tập hợp các hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong ngày.
    • Ghi nhận thông tin để làm các các loại thẻ ưu đãi cho khách hàng (thẻ VIP…)
    • Nhập các số liệu bán hàng, mua hàng vào phần mềm kế toán.
    • Kiểm tra – đối chiếu các số liệu về mua bán hàng hóa trên phần mềm quản lý kế toán với số liệu thống kê trong kho và công nợ.
    • Thống kê công nợ và thực hiện việc đốc thúc công nợ của khách hàng.
  • Công việc cuối ngày
    • Cuối mỗi ngày làm việc, tiến hành vào bảng kê chi tiết các hóa đơn bán hàng – tính tổng giá trị hàng hóa đã bán ra, tính thuế Giá trị gia tăng (nếu có) trong ngày.
    • Đối chiếu với thủ kho/ kế toán kho về số liệu hàng xuất – hàng tồn.
    • Thực hiện việc tổng hợp số liệu bán hàng – mua hàng, báo cáo quản lý/ trưởng bộ phận kế toán.
  • Công việc khác
    • Quản lý chứng từ, sổ khách liên quan đến hoạt động bán hàng của doanh nghiệp.
    • Cập nhật, quản lý thông tin khách hàng
    • Hỗ trợ công việc cho kế toán tổng hợp.
    • Định kỳ làm báo cáo bán hàng theo yêu cầu của quản lý doanh nghiệp.
    • Thực hiện các công việc khác khi được cấp trên yêu cầu.

Mức lương trung bình của kế toán bán hàng:

Mức lương nhân viên kế toán bán hàng hiện nay dao động trong khoảng 4 – 8 triệu đồng/ tháng – tùy thuộc vào các yếu tố như: quy mô doanh nghiệp, năng lực ứng viên và mặt bằng lương của địa phương đó… Để làm tốt công việc của một nhân viên kế toán bán hàng, ứng viên ngoài việc phải thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng – cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt để thuyết phục – chăm sóc khách hàng…

Kế toán tiền lương

Để đảm nhiệm được công việc của một nhân viên kế toán tiền lương, bạn cần nắm được thông tin về lương, phụ cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến phụ cấp của người lao động; tìm hiểu các khoản thu nhập chịu thuế và không chịu thuế, các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân; biết cách tính và khai báo các khoản phụ cấp, thu nhập, các mức khấu trừ trước khi trả lương; tìm hiểu về tỷ lệ trích nộp các khoản theo lương mới nhất…

Nhiệm vụ cụ thể của kế toán tiền lương:

  • Quản lý, theo dõi việc chấm công của người lao động
    • Lập các bảng chấm công theo quy định của doanh nghiệp.
    • Theo dõi và đảm bảo việc chấm công của người lao động được thực hiện đầy đủ, chính xác.
  • Quản lý việc tạm ứng lương
    • Xây dựng các mức tạm ứng lương cho người lao động: theo % lương tháng hoặc giá trị tiền riêng.
    • Lập các bảng tạm ứng lương công ty và phiếu tạm ứng lương nhân viên.
    • Tiếp nhận thông tin tạm ứng và tính tạm ứng lương cho người lao động theo yêu cầu.
    • Quản lý thông tin về các đợt tạm ứng lương trong tháng của người lao động.
  • Hạch toán, tính lương và các khoản trích theo lương
    • Xây dựng thang bảng lương cho từng đối tượng lao động dựa trên thông tin nhân viên.
    • Định kỳ thực hiện việc tính lương cho các nhóm đối tượng lao động dựa trên bảng chấm công, các khoản thưởng, phụ cấp và các khoản khấu trừ theo quy định của doanh nghiệp. (Thuế thu nhập cá nhân, Bảo hiểm xã hội,...)
    • Đưa bảng tính các đợt tạm ứng lương trong tháng vào bảng lương cuối kỳ để tính lương thực nhận cho người lao động
    • Thực hiện việc cập nhật những thông số tính thu nhập mới khi người lao động được thăng chức – tăng lương.
    • Quản lý các khoản thu nhập ngoài lương để quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
    • Thực hiện việc thanh toán lương cho người lao động theo định kỳ.
  • Các công việc khác
    • Làm các báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo định kỳ.
    • Lập các biểu mẫu báo cáo bảo hiểm xã hội.
    • Làm các báo cáo định kỳ về tiền lương; BHXH; BHYT; kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm của kế toán tiền lương.
    • Phối hợp các bộ phận liên quan làm các báo cáo phân tích tình hình biến động số lượng, chất lượng lao động.
    • Lưu trữ các dữ liệu kế toán theo quy định của doanh nghiệp.
    • Thực hiện các công việc khác khi được cấp trên phân công.
Nguồn bài viết
Cố vấn việc làm

Bạn cần được cố vấn việc làm và tìm việc, hãy click vào đây

Ngoài ra, để luôn được cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất, hãy tham gia vào nhóm 𝗭𝗮𝗹𝗼 của 𝗖𝗮𝗻𝗧𝗵𝗼𝗪𝗼𝗿𝗸.𝘃𝗻 cho từng lĩnh vực:

Bài viết liên quan