20 kỹ năng đang được săn đón nhất trong thị trường việc làm ngày nay

Thị trường việc làm

| 04 tháng 12 2020

| bởi CTW.vn

image

Thị trường việc làm liên tục thay đổi và các nghề nghiệp sử dụng công nghệ ngày càng trở nên phổ biến. Bất kể bạn chọn lĩnh vực nào, việc có một số kỹ năng nghề nghiệp nhất định có thể tăng khả năng thành công của bạn. Việc xác định những kỹ năng đang được nhà tuyển dụng săn đón nhất có thể giúp bạn trong lúc lựa chọn con đường sự nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét một số kỹ năng hiện đại có giá trị trong xu hướng việc làm nhất hiện nay để bạn có thể phát triển thêm song song với quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Các kỹ năng cần thiết và đang được nhà tuyển dụng săn đón nhất trong quá trình tìm kiếm nhân tài

Để thúc đẩy sự nghiệp của bạn tiến về phía trước, bạn sẽ cần phải theo đuổi các kỹ năng được săn đón theo nhu cầu thực tế để mở rộng kiến ​​thức và năng lực của bản thân và tạo sự khác biệt so với các ứng viên khác. Để đảm bảo bạn vẫn là một ứng viên cạnh tranh trên thị trường lao động, dưới đây là một số kỹ năng được săn đón nhất mà bạn nên quan tâm phát triển:

1. Điện toán đám mây (Cloud computing)

Các kỹ năng về điện toán đám mây đang có nhu cầu cao do ngày càng có nhiều công ty chuyển các chức năng kinh doanh sang điện toán đám mây (Cloud) — mạng lưới máy chủ từ xa toàn cầu. Các kỹ sư đám mây là những người chịu trách nhiệm phát triển và quản lý các hệ thống điện toán đám mây này để người dùng cuối có thể dễ dàng lưu trữ tệp và sao lưu dữ liệu của họ.

Điện toán đám mây yêu cầu các kỹ năng kỹ thuật để thực hiện chuyển dịch, di dời dữ liệu, cũng như khả năng thương lượng các điều khoản với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, đảm bảo an ninh dữ liệu và thực hiện các phương pháp tốt nhất trong suốt quá trình.

2. Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence)

Do ngày càng có nhiều công ty muốn đơn giản hóa quy trình làm việc và thu thập dữ liệu sâu sắc trong khi giảm thiểu chi phí, nên các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial intelligence) và Học máy (machine learning) đang rất được săn đón. Những chuyên gia này thường chịu trách nhiệm cho sự phát triển của AI. Họ xây dựng, thử nghiệm và triển khai các mô hình AI, cũng như duy trì cơ sở hạ tầng AI cơ bản của tổ chức. Nếu muốn phát triển những kỹ năng này, bạn sẽ cần có nền tảng vững chắc về thiết kế phần mềm, thống kê, mã hóa, kỹ thuật và các lĩnh vực tương tự.

3. Kỹ năng lãnh đạo trong bán hàng (Sales leadership)

Doanh số bán hàng suy cho cùng chính là điều giúp hầu hết các công ty tạo ra lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc có kinh nghiệm lãnh đạo kinh doanh hay bán hàng sẽ mang lại cho bạn cơ hội trong nhiều ngành nghề khác nhau. Khả năng lãnh đạo trong kinh doanh là khả năng hoàn thành các giao dịch mua bán và huấn luyện những người khác. Các nhà lãnh đạo bán hàng xuất sắc là người có chiến lược, người có cái nhìn tổng thể về một vấn đề để xác định những điều cần cải thiện và các lĩnh vực có cơ hội nâng cao doanh thu. Các đặc điểm chính của các nhà lãnh đạo bán hàng có hiệu suất cao bao gồm kỹ năng giao tiếp xuất sắc, khả năng tạo động lực, có định hướng để đạt được thành tựu và kỹ năng huấn luyện và xây dựng đội nhóm.

4. Kỹ năng phân tích (Analysis)

Các công ty tìm kiếm những nhân viên giỏi điều tra, phân tích vấn đề và tìm ra giải pháp lý tưởng một cách hiệu quả và kịp thời. Đó là lý do tại sao những người có kỹ năng phân tích tốt được săn đón trong nhiều ngành nghề. Kỹ năng phân tích liên quan đến khả năng hiểu và phân tích một vấn đề hoặc tình huống và đưa ra quyết định về những hành động cần thực hiện tiếp theo. Phát triển kỹ năng này không chỉ giúp cải thiện công việc mà còn giúp bạn đạt được các mục tiêu của công ty.

Bạn có thể đã sử dụng các kỹ năng phân tích trong công việc hàng ngày. Chẳng hạn như: Động não, nhận diện được kiểu mẫu, diễn giải dữ liệu, quan sát, đặt giả thuyết,tổng hợp thông tin mới và đưa ra quyết định dựa trên nhiều yếu tố và lựa chọn có sẵn đều yêu cầu sử dụng các kỹ năng phân tích.

5. Kỹ năng dịch thuật (Translation)

Với việc ngày càng nhiều công ty tạo ra nội dung bản địa hóa ở các thị trường toàn cầu, bạn có thể thấy ngày càng có nhiều cơ hội làm việc với tư cách là phiên dịch viên. Nếu bạn muốn trở thành một phiên dịch viên thành công, bạn cần phải thông thạo cả ngôn ngữ đang được bạn dịch (ngôn ngữ nguồn) và ngôn ngữ bạn đang dịch sang (ngôn ngữ đích). Bạn cũng phải quen thuộc với sự khác biệt về văn hóa giữa quốc gia hoặc các quốc gia mà ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích được sử dụng. Một cách để tăng tốc kỹ năng dịch thuật của bạn là dành thời gian hoặc sống ở một quốc gia sử dụng ngôn ngữ mà bạn dự định sẽ dịch.

6. Lập trình phát triển ứng dụng di động (Mobile app development)

Ngành công nghiệp phát triển ứng dụng di động tiếp tục phát triển khi các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng trở thành trung tâm giao tiếp và công việc. Sự phát triển của các doanh nghiệp  và công nghệ đã nổi lên với một tốc độ vô cùng ấn tượng, dẫn đến nhu cầu tăng cao về nguồn nhân lực có kinh nghiệm phát triển ứng dụng.

Phát triển ứng dụng di động là một tập hợp các quy trình và thủ tục liên quan đến việc lập trình và tạo ra các ứng dụng hoặc phần mềm được thiết kế cho các thiết bị di động vận hành nhanh. Nếu muốn tìm hiểu cách phát triển ứng dụng dành cho thiết bị di động, bạn sẽ cần một vài kỹ năng đặc thù, chẳng hạn như viết mã (coding) và một chút kỹ năng thiết kế đồ họa (graphic design). Vì ứng dụng dành cho thiết bị di động rất phổ biến, bạn có thể tìm thấy rất nhiều hướng dẫn hoặc chỉ dẫn để viết ứng dụng. Bạn có thể xem các chương trình đào tạo về mã hóa để bắt đầu các kỹ năng phát triển ứng dụng.

7. Kỹ năng quản lý con người (People management)

‘Kỹ năng quản lý con người’ tốt là nói về việc xây dựng và củng cố các mối quan hệ, giữ cho nhóm đi đúng hướng, tạo động lực phù hợp, hiểu nhu cầu của từng người trong nhóm và giúp những người khác đạt được mục tiêu của họ.

Quản lý con người bao gồm việc sử dụng cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Nếu bạn chưa từng đảm nhiệm vị trí quản lý trước đây nhưng đang muốn thử sức, hãy cố gắng tập trung vào việc cải thiện các khía cạnh về kỹ năng mềm , chẳng hạn như đối phó với căng thẳng trong công việc, giao tiếp rõ ràng và đồng cảm với các thành viên nhóm. Phát triển những kỹ năng này sẽ giúp bạn chứng minh rằng bạn có thể quản lý thành công một nhóm.

8. Sản xuất video (Video production)

Khả năng quay, chỉnh sửa và sản xuất video là một kỹ năng hiện đại có giá trị. Mặc dù việc sản xuất video thường yêu cầu đào tạo chuyên sâu hơn, bạn không cần phải trở lại trường đại học để học những kiến ​​thức cơ bản. Bạn có thể học chỉnh sửa video tại nhà với máy ảnh, máy tính, máy thu âm (micro) tốt và phần mềm chỉnh sửa video. Nhiều chuyên gia sử dụng các ứng dụng có trả phí, nhưng bạn cũng có thể chọn từ một số chương trình ứng dụng miễn phí nếu chỉ mới bắt đầu.

9. Sản xuất âm thanh (Audio production)

Tương tự như video, sản xuất âm thanh đang trở thành một kỹ năng có giá trị hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi phát thanh, âm nhạc và giải trí là những ngành phổ biến nhất cần tối ưu hóa kỹ năng sản xuất âm thanh, bạn cũng có thể tìm được việc làm trong các công ty lớn sản xuất tài liệu tiếp thị và quảng cáo của riêng họ. Trong khi sản xuất âm thanh thường đòi hỏi nhiều khóa đào tạo chuyên sâu, vẫn có nhiều tài nguyên trực tuyến có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về những nền tảng cơ bản. Những gì bạn cần là một máy tính, một máy thu âm (micrô) tốt cũng như phần mềm để ghi âm và chỉnh sửa để bắt đầu.

10. Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX design)

Thiết kế trải nghiệm người dùng (User experience design) là chìa khóa giúp thế giới kỹ thuật số tiếp cận mọi người. Ngày càng có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực này. Việc tham gia vào ngành công nghiệp đầy hứa hẹn này đòi hỏi các kỹ năng và các khóa đào tạo phù hợp để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng cao. Nếu bạn muốn có được lợi thế khi trau dồi kỹ năng thiết kế trải nghiệm người dùng (UX), bạn có thể đăng ký vào một chương trình cấp bằng trực tuyến, và theo dõi các chuyên gia về trải nghiệm người dùng (UX) hoặc xây dựng mạng lưới các mối quan hệ trên mạng xã hội.

11. Tiếp thị SEO/SEM (SEO/SEM marketing)

Nhiều công ty đang nhận ra tầm quan trọng của tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) và thường xuyên tìm kiếm những người có kỹ năng tối ưu hóa tiếp thị bằng công cụ tìm kiếm  để tăng khả năng hiển thị và sự hiện diện của trang web công ty. Kỹ năng công nghệ này đang có nhu cầu rất lớn vì những lý do dễ thấy như: khả năng hiển thị tăng lên có nghĩa là nhiều lưu lượng truy cập vào trang web hơn và lưu lượng truy cập trang web nhiều hơn dẫn đến sự gia tăng chuyển đổi từ lượt ghé thăm sang khách hàng, số khách hàng và doanh thu.

12. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)

Các công ty thuộc mọi loại hình và quy mô đang ngày càng tận dụng blockchain — công nghệ làm nền tảng cho tiền điện tử như bitcoin — để giảm chi phí, chênh lệch dòng tiền và thời gian xử lý giao dịch. Blockchain giúp các công ty phối hợp với nhau và thực hiện các giao dịch suôn sẻ mà không bị các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác can thiệp.

13. Thiết kế Công nghiệp (Industrial design)

Thiết kế Công nghiệp là lĩnh vực chuyên nghiệp liên quan đến thiết kế các sản phẩm chuyên nghiệp, chẳng hạn như ô tô và điện thoại thông minh, được hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới sử dụng. Hầu hết các sản phẩm đều trải qua rất nhiều lần thiết kế lại trước khi đưa ra thị trường. Những lần làm lại sản phẩm này thường liên quan đến một số quyết định về thiết kế và chức năng. Đây là giai đoạn các nhà tuyển dụng cần tìm đến một nhà thiết kế công nghiệp. Các nhà thiết kế công nghiệp tập trung vào chức năng và hình thức của một sản phẩm, mặc dù họ cũng sẽ tham gia vào nhiều thứ khác trong quá trình phát triển.

14. Sáng tạo (Creativity)

Sáng tạo là một trong những kỹ năng quan trọng mà bạn có thể phát triển ở nơi làm việc. Sáng tạo có nghĩa là bạn có khả năng nghĩ ra những cách mới để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng thách thức và giải quyết vấn đề. Cách suy nghĩ này có thể giúp các công ty đi theo hướng hiệu quả hơn. Vì vậy, những nhân viên sáng tạo vô cùng quý giá đối với một công ty.

Bạn có thể phát triển các kỹ năng tư duy sáng tạo thông qua việc giải trí, tự nhận thức về các giả định của bản thân và giải các câu đố. Các hoạt động giải trí bao gồm bất cứ điều gì thư giãn và không được định hình trước, chẳng hạn như đi bộ hoặc đọc sách. Nếu bạn biết một người có khả năng sáng tạo cao, hãy cố gắng đề nghị phỏng vấn hoặc học việc với họ trong vài ngày để học hỏi thêm. Điều này có thể giúp bạn học cách tự sáng tạo hơn.

15. Hợp tác (Collaboration)

Hầu hết mọi loại công việc đều yêu cầu ít nhất một mức độ làm việc nhóm nhất định. Điều này làm cho Kỹ năng hợp tác trở thành một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực nghề nghiệp chuyên nghiệp. Hợp tác là làm việc với những người khác để sản xuất hoặc tạo ra một cái gì đó. Kỹ năng này cho phép bạn tương tác với những người khác một cách hiệu quả và có năng suất.

Xây dựng sự hợp tác có nghĩa là xây dựng lòng tin. Những người xây dựng lòng tin một cách hiệu quả biết cách tiếp nhận quan điểm đa chiều, quản lý thứ tự ưu tiên từ mọi thành viên và nhanh chóng đáp ứng kỳ vọng với tư cách là thành viên đáng tin cậy của nhóm. Sự hợp tác thành công đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau và tinh thần hợp tác. Các công ty thường tìm kiếm những nhân viên làm việc hiệu quả như một phần của nhóm và sẵn sàng cân bằng lợi ích cá nhân với mục tiêu chung của nhóm.

16. Khả năng thích ứng (Adaptability)

Khả năng thích ứng rất quan trọng vì khi công nghệ liên tục phát triển, những công ty áp dụng các quy trình tiên tiến thường là công ty có thể duy trì vị thế cạnh tranh trong ngành của họ. Các công ty đang tìm kiếm những nhân viên có thể thể hiện kỹ năng thích ứng mạnh mẽ và trở thành những người lãnh đạo công ty.

Khả năng thích ứng có nghĩa là có thể thay đổi để đạt được thành công. Nhân viên trong vai trò lãnh đạo thường phải quản lý các tình huống bất thường mà không có bất kỳ hướng dẫn rõ ràng nào. Họ phải học cách dựa vào phán đoán của bản thân và tự tin đưa ra những quyết định khó khăn. Nếu bạn là người tiếp thu nhanh, điều đó có nghĩa là bạn biết cách thích ứng. Bạn có thể cải thiện kỹ năng thích ứng bằng cách thử những điều mới mẻ hoặc rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

17. Kỹ năng quản lý thời gian (Time management)

Giống như các kỹ năng mềm khác, kỹ năng quản lý thời gian — chẳng hạn như sắp xếp thứ tự ưu tiên, lập lịch trình, quản lý nhiệm vụ và ủy quyền (hay phân quyền) — đang được săn đón. Quản lý thời gian có nghĩa là làm việc hiệu quả. Các công ty trong mọi ngành đều tìm kiếm những nhân viên có thể tận dụng tối đa thời gian của họ cho công việc.

Nếu bạn có thể quản lý tốt thời gian của bản thân, bạn có thể dễ dàng làm việc hiệu quả hơn và có nhiều khả năng sẽ hoàn thành các dự án trước thời hạn. Phát triển kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp bạn tập trung vào các nhiệm vụ nhạy cảm về mặt và giảm bớt thời gian lãng phí.

18. Khả năng thuyết phục (Persuasion)

Khả năng thuyết phục tại nơi làm việc đòi hỏi khả năng khiến người khác đồng ý với một cam kết, tuân theo một quy trình hoạt động hoặc mua một sản phẩm hay dịch vụ. Các công ty đặc biệt coi trọng kỹ năng thuyết phục ở nhân viên của họ vì chúng có thể ảnh hưởng lớn đến một số khía cạnh tại nơi làm việc có thể giúp tăng năng suất.

Mặc dù khả năng thuyết phục thường là một đặc điểm tính cách bẩm sinh, nhưng chắc chắn nếu được đào tạo đúng cách, bạn sẽ cải thiện được khả năng thuyết phục của bản thân. Bạn có thể tham gia vào các chương trình thực tập bán hàng giúp bạn hoàn thiện khả năng thuyết phục.

19. Báo chí kỹ thuật số (Digital journalism)

Các kỹ năng báo chí kỹ thuật số đang có nhu cầu cao cho nhiều vị trí mà trước đây đòi hỏi một người phải hiểu rõ các kỹ năng báo cáo thông thường như viết, phỏng vấn và nghiên cứu. Trong khi các nhà báo vẫn được yêu cầu nghiên cứu và đưa tin, họ sẽ cần cung cấp thông tin cập nhật qua mạng xã hội, cũng như chụp và chỉnh sửa ảnh và video trước, trong và sau khi gửi báo cáo tin tức.

20. Diễn hoạt / Vẽ hoạt hình (Animation)

Nhu cầu tuyển họa sĩ diễn hoạt (vẽ hoạt hình) ngày càng tăng do sự phát triển của nhu cầu về hiệu ứng hình ảnh trong phim truyền hình, phim điện ảnh, trò chơi điện tử và các cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Kỹ năng diễn hoạt (vẽ hoạt hình) thường được yêu cầu đối với các vị trí nghề nghiệp kỹ thuật và sáng tạo, chẳng hạn như kỹ sư phần mềm máy tính, nghệ sĩ đa phương tiện, nhà thiết kế đồ họa và nhà phát triển web.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan