Bộ phận Nhân sự – Phần 2: Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP)

Hành chính - Nhân sự

| 22 tháng 9 2020

| bởi CTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
Khái niệm về HRBP

Chắc hẳn rất có nhiều bạn thắc mắc về công việc Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP - Human Resource Business Partner) vì nó mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây và cũng ít phổ biến và chỉ có ở những công ty lớn (thường quy mô khoảng 500 người trở lên).

Vì sao công ty lại cần vị trí này?

Thông thường, do mô hình hoạt động kinh doanh của công ty lớn và phức tạp, mỗi bộ phận chuyên trách có số lượng nhân sự khá đông và thậm chí các nhánh kinh doanh (business) đôi khi rất ít liên quan với nhau, nên cần Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP - Human Resource Business Partner) để đi sâu đi sát với “quần chúng”, làm cầu nối giữa Nhân viên các bộ phận / nhánh kinh doanh (business) với các nhóm chức năng của bộ phận Nhân sự (HR) như Tuyển dụng, Đào tạo, C&B,… và triển khai hiệu quả hơn các chiến lược, hoạt động nhân sự cho từng khối kinh doanh (business).

Vai trò của HRBP là gì?

Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP - Human Resource Business Partner) có thể xem là Quản lý nhân sự (HR Manager) của nhánh kinh doanh (business) mà họ phụ trách, tức là họ chịu toàn bộ trách nhiệm về mặt Nhân sự với Giám đốc kinh doanh (Business Leader) của nhánh kinh doanh đó.

Vai trò quan trọng nhất của Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) với nhánh kinh doanh (business) là tối ưu hoá năng lực của nhân sự thuộc nhánh kinh doanh (business) mà họ phụ trách. Để làm được việc này Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) bắt buộc phải có được 2 quyền cơ bản sau:

  1. Lập và quản lý ngân sách nhân sự của nhánh kinh doanh (business) / bộ phận phụ trách;
  2. Cùng tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Bộ phận để hiểu rõ tính chất công việc, tình hình hoạt động kinh doanh của nhánh kinh doanh (business).

Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) mà không được trao 2 quyền này thì thường chỉ xử lý các vấn đề mang tính chất sự vụ hành chánh.

Vai trò quan trọng nhất của Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) là am hiểu sâu sắc nhu cầu, chiến lược của nhánh kinh doanh (business) để kết hợp với các bộ phận chức năng của bộ phận Nhân sự (HR) và triển khai hiệu quả hơn, phù hợp hơn chiến lược Nhân sự, giúp tối đa hoá nguồn nhân lực của nhánh kinh doanh (business).

Chính vì vậy, Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) giữ vai trò rất quan trọng trong việc phân tích công việc, thiết lập lộ trình phát triển nghề nghiệp, xác định năng lực nội tại, tiềm năng của từng Nhân viên cũng như hiểu rõ nhu cầu phát triển của các bạn để từ đó xây dựng và thực thi các chương trình đào tạo phát triển phù hợp với mục tiêu chiến lược của nhánh kinh doanh (business).

Bản chất của HRBP là gì?

Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) đúng nghĩa sẽ không làm tuyển dụng, không làm đào tạo hay lo về tiền lương và phúc lợi,... Nhưng, họ làm rất nhiều các công việc của Nhân sự Phát triển tổ chức (OD - Organizational Development).

Họ không trực tiếp đi tìm ứng viên nhưng họ là người sẽ giúp Chuyên viên tuyển dụng (Recruiter) hiểu rõ vị trí công việc cần tuyển chính xác sẽ làm gì, yêu cầu chi tiết như thế nào, công việc này có gì thu hút / thú vị, người như vậy có thể tìm ở đâu,...

Họ sẽ cùng Quản lý tuyển dụng (Hiring Manager) giúp Chuyên viên tuyển dụng (Recruiter) đánh giá sự phù hợp của ứng viên với văn hoá của công ty cũng như văn hóa và phong cách làm việc của sếp.

Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) sẽ không làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ thuê ngoài (agency) để triển khai lớp học hay các chương trình đào tạo / huấn luyện (coaching), nhưng họ là người hiểu rõ nhất nhân viên bộ phận mà họ đang phụ trách sẽ cần bổ sung kiến thức / kỹ năng gì, lộ trình phát triển nghề nghiệp như thế nào,…

Mô hình HRBP ra sao?

Ở Việt Nam, hiện có 2 mô hình Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) phổ biến:

  1. Phụ trách theo chức năng bộ phận: 
    • Ví dụ: HRBP cho bộ phận Bán hàng (Sales), HRBP cho khối sản xuất, HRBP cho khối Kỹ thuật hay Công nghệ thông tin (Technical / IT).
    • Mô hình này có vẻ phổ biến nhiều hơn ở Việt Nam. Ví dụ một số công ty: Unilever, Prudential, Tiki, Sendo,…
  2. Phụ trách theo nhánh kinh doanh (business) hay các công ty con:
    • Mỗi HRBP sẽ phụ trách một nhánh kinh doanh (business) của Tập đoàn hay tổng công ty (Corporate) 
    • Ví dụ một số công ty: VNG, Scommerce,…
Công việc thường ngày của HRBP là gì?
  • Tham gia các cuộc họp cùng với Đơn vị kinh doanh (BU - Business Unit), có khi phải làm cùng với bộ phận đó (HRBP cho Sales thì đi bán hàng, HRBP cho Sản xuất thì đi xuống nhà máy,…)
    • Để thực sự hiểu được Đơn vị kinh doanh (BU) đang làm gì, có khó khăn gì và cung cấp những góc nhìn chiến lược về mặt Nhân sự (HR) để Giám đốc đơn vị kinh doanh đó (BU Leader) có thêm cơ sở lập kế hoạch chiến lược kinh doanh, ra các quyết định.
    • Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) còn giúp Giám đốc đơn vị kinh doanh (BU Leader) lập kế hoạch và quản lý ngân sách nhân sự hàng năm.
  • Phối hợp với các nhóm chức năng của Bộ phận nhân sự (HR) để phân tích công việc, nhu cầu đào tạo phát triển, thiết kế lộ trình phát triển nghề nghiệp cho từng vị trí / cá nhân.
    • Sau khi được thống nhất và Giám đốc đơn vị kinh doanh (BU Leader) thông qua thì tiến hành thực thi, theo dõi và báo cáo kết quả.
    • Công việc này khá quan trọng vì các chương trình từ các nhóm chức năng đưa xuống cần được thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với từng Đơn vị kinh doanh (BU).
  • Các công việc của Nhân sự Phát triển tổ chức (OD - Organizational Development):
    • Xây dựng / tái cơ cấu tổ chức cho Đơn vị kinh doanh (BU), phối hợp với Bộ phận Nhân sự Phát triển tổ chức (OD - Organizational Development) để xây dựng hệ thống cấp bậc công việc (Job level) / Chức danh công việc (Job title), lộ trình phát triển nghề nghiệp và phát triển đội ngũ kế thừa.
    • Mỗi lần thay đổi chức danh, cơ cấu tổ chức như vậy thì có một việc khá mất thời gian là cập nhật thông tin lên hệ thống, rất nhiều bạn Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) ngán ngẩm việc này vì sự thay đổi xảy ra rất nhiều và có khi phải sử dụng những hệ thống, phần mềm cũ kỹ từ công mẹ (thường đối với Công ty global) đưa về.
  • Phối hợp với Bộ phận Nhân sự Phát triển tổ chức (OD - Organizational Development) / Bộ phận Tiền lương và Phúc lợi (C&B - Compensation & Benefits): 
    • Thiết kế Hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) và tiến hành hướng dẫn đánh giá định kỳ. Sau khi có kết quả thì xây dựng chính sách khen thưởng theo từng thời điểm.
    • Ở đây quy trình, công cụ, biểu mẫu thường là từ các team chức năng Nhân sự (HR) đưa xuống, Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) chỉ điều chỉnh cho phù hợp nếu thấy cần thiết và sau đó là triển khai cho các Nhân viên ở Đơn vị kinh doanh (BU) mà họ đang phụ trách thực hiện, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên để họ làm đúng, làm đủ.
  • Quan sát, trò chuyện, lắng nghe và tiếp nhận tất cả các thông tin của Nhân viên (dĩ nhiên bạn phải được tin tưởng) để hiểu rõ nhu cầu, những khó khăn của từng người từ đó tư vấn, hỗ trợ họ vượt qua và phát triển xa hơn.
  • Thực hiện các báo cáo nhân sự của Đơn vị kinh doanh (BU) hàng tháng hoặc theo nhu cầu
Cơ hội phát triển sự nghiệp HRBP tại Việt Nam

Tuy vậy, hiện tại, ở Việt Nam, vai trò Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) chưa thực sự phát huy triệt để. Một phần do còn hạn chế chưa được trao 2 quyền như đã đề cập bên trên. Một phần do phải tập trung giải quyết nhu cầu cấp thiết của nhánh kinh doanh (business) là tuyển dụng và giải quyết quan hệ lao động.

Để làm Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP), ứng viên tiềm năng thường phải có kinh nghiệm Nhân sự tổng hợp (HR General) từ 4- 5 năm và phải thực sự mạnh một mảng nào đó trong Nhân sự (HR).

Còn khi chưa đủ kinh nghiệm (dưới 3 năm) thì nếu có làm chức danh Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) thì công việc cũng chủ yếu là giải quyết một trong 2 nhu cầu: tuyển dụng hoặc quan hệ lao động, vì vậy cũng không có nhiều cơ hội tiếp cận và học hỏi thực sự trong mảng Nhân sự chiến lược kinh doanh (HRBP) .

Xem tiếp Phần 3:  Tuyển dụng

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan