Những nguyên tắc cơ bản nhưng không kém phần quan trọng của một profile trên LinkedIn

Tin tức

| 09 tháng 7 2021

| bởi CTW.vn

image

Hãy tối ưu hóa profile của bạn! Bạn sẽ muốn một profile đầy đủ thông tin và kể được câu chuyện của mình trước khi bắt đầu kết nối, đăng tải và tương tác có mục đích. Một khi bạn bắt đầu tăng cường hoạt động của mình và chủ động xuất hiện trên bản tin của những người liên hệ, bạn sẽ nhận thấy lượt xem profile của mình và số lượng yêu cầu kết nối sẽ tăng lên. Vì vậy, hãy đảm bảo profile của bạn chứa đựng thông tin mà bạn muốn người khác xem và dĩ nhiên chúng đại diện cho bạn thật hiệu quả!

Cấp độ All-Star

Hãy phấn đấu để đạt cấp độ All-Star! Xem profile của bạn và kéo xuống mục “Your dashboard” (Trang tổng quan của bạn) nằm dưới phần “About” và “Featured sections”. Bạn sẽ thấy một công cụ đo cấp độ: 

  • “Beginner” (người mới bắt đầu)
  • “Intermediate” (trung cấp)
  • Hay thậm chí là huy hiệu “All-star”

Nếu chưa thấy huy hiệu, hãy tiếp tục điền vào các phần còn thiếu trên profile cho đến khi bạn nhận được nó!

Những profile đạt cấp độ All-Star có khả năng nhận được yêu cầu kết nối và thông báo về cơ hội việc làm cao hơn 40%. LinkedIn cũng sẽ có xu hướng hiển thị profile của bạn nhiều hơn trên kết quả tìm kiếm. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đang chứng tỏ rằng bạn đã dành thời gian để điền đầy profile của mình và là một thành viên tích cực của cộng đồng LinkedIn. Ngoài ra, khi profile của bạn đầy đủ, mọi người có thể biết rõ bạn là ai và tại sao họ nên kết nối với bạn. Tôi thường nhận được các yêu cầu kết nối không có ảnh, không có dòng tiêu đề, không có mô tả kinh nghiệm làm việc và (và không có cả ghi chú yêu cầu kết nối). Đừng để profile của bạn cũng giống như vậy - một profile mà người khác phải thắc mắc mỗi khi bạn liên hệ hoặc gửi yêu cầu kết nối.

Ảnh chân dung

Mặc dù bạn chụp ảnh chân dung của mình chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng hãy cố gắng tránh những thứ như ánh sáng kém, kính râm, mũ (trừ khi nó là thứ đặc thù cho ngành nghề/ công việc của bạn), những người khác trong ảnh/ ảnh gia đình, v.v. Mục đích của ảnh chân dung chính là để nhận dạng, có như vậy thì khi một trong các mối liên hệ của bạn nhìn thấy bạn tại một sự kiện (dù là trực tuyến hoặc trực tiếp), bạn cũng sẽ trông giống như trên ảnh! Tôi không thể kể xiết có biết bao nhiêu lần tại các sự kiện kết nối, chúng tôi đã có thể bỏ qua những câu chào xã giao bởi người đó đã nhận ra tôi hay profile của tôi. Và chúng tôi chỉ cần tìm hiểu nhau rõ hơn, thậm chí sau đó đã trở thành bạn bè của nhau! Ảnh đại diện của bạn cũng chào đón mọi người đến với profile của bạn, vì vậy hãy nghĩ xem nó có đang làm tốt vai trò của mình hay chưa.

Tiêu đề

Tiêu đề là một trong những mục yêu thích của tôi. Ở dòng tiêu đề, hãy trả lời các câu hỏi bạn là ai và tại sao mọi người nên kết nối với bạn. Dòng tiêu đề của bạn không nhất thiết phải là chức danh công việc và tên công ty hiện tại bạn làm việc. Chắc chắn là bạn có thể điền như vậy, nhưng bạn cũng có thể điền nhiều ký tự hơn trên dòng tiêu đề của mình. Hãy xem xét và cân nhắc những điều này nhé!

Nếu bạn đang là sinh viên:

  • Sinh viên HR tại Đại học A | Chủ tịch Câu lạc bộ SHRM (hoặc bất kỳ loại hình hoạt động nào bạn tham gia trong khuôn viên trường/ các vị trí trong câu lạc bộ)
  • Sinh viên chưa tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học A | Thực tập sinh Tài chính tại Công ty B (nếu bạn có công việc hoặc thực tập, đừng quên liệt kê nhé!)

Nếu bạn là một chuyên gia:

  • Tổng quát viên HR tại Công ty A (nếu bạn không muốn thêm gì khác vào dòng tiêu đề của mình, hãy cân nhắc việc thêm nhiều tuyên bố giá trị của bản thân hơn ở nội dung bên dưới)
  • Tổng quát viên HR tại Công ty A chuyên về tuyển dụng, phúc lợi và đào tạo
  • Tổng quát viên HR có kinh nghiệm trong việc nhìn ra các ứng viên chủ động và trải nghiệm của đội ngũ nhân viên. (Bạn không cần phải đề cập đến tên công ty của mình trong dòng tiêu đề! Bạn có thể đề cập đến điều bạn đang làm hoặc tập trung làm ở vị trí của mình. Đặc biệt nếu bạn là người đang tìm việc - hãy tập trung tiêu đề vào vị trí bạn đang tìm kiếm và những điểm mạnh cũng như kỹ năng bạn có cho vai trò lý tưởng đó!)

Nếu bạn là một chuyên gia và muốn thêm các cộng đồng khác mà bạn tham gia:

  • Chuyên gia HR tại Công ty A | Thành viên HĐQT tại Tập đoàn B | Cố vấn trại tại trại hè C

Thực sự thì các tùy chọn là vô hạn. Profile của bạn có thể bao gồm công việc, kỹ năng, công việc tình nguyện, giáo dục hay bất cứ điều gì phù hợp nhất mà bạn cần làm nổi bật tùy vào từng thời điểm. Và bạn luôn có thể thay đổi nó. Tôi thay đổi profile vài tháng một lần. Tôi hy vọng điều này đã giúp bạn suy nghĩ thấu đáo hơn một chút về những gì bạn có thể thêm vào profile! Hãy nhớ profile của bạn nên thể hiện bạn là một người toàn diện chứ không  phải chỉ cần tập trung vào công việc.

Vị trí

Các mạng lưới mối liên hệ, nhà tuyển dụng của bạn (và các chuyên gia khác có tài khoản premium) đang thu hẹp kết quả tìm kiếm của họ và lọc theo vị trí địa lý. Ví dụ, nếu bạn thiết lập một vị trí quá chung chung như “Việt Nam” thì cơ hội bạn được tìm thấy sẽ rất thấp. Hãy thử “Cần Thơ, Việt Nam”. Sử dụng vị trí hiện tại bạn đang ở hoặc vị trí bạn đang tìm việc/ dự định chuyển đến.

Giới thiệu

Viết phần "giới thiệu" của bạn ở ngôi thứ nhất! Bạn có thể sử dụng ngôi “tôi”. Phần giới thiệu sẽ cho những người kết nối với bạn biết về tính cách, tiếng nói và câu chuyện của bạn.

Kinh nghiệm

Hãy dùng các gạch đầu dòng như trong sơ yếu lý lịch. Bắt đầu các gạch đầu dòng của bạn bằng những từ mạnh mẽ như “sáng tạo, thiết kế, dẫn dắt”. Và đừng quên viết về tác động của bạn đối với mỗi nhiệm vụ/dự án và kết quả đầu ra, chứ không chỉ đơn thuần là liệt kê một danh sách. Các đoạn văn dông dài trong phần “kinh nghiệm” sẽ khiến người đọc khó tập trung và bỏ lỡ một số thông tin quan trọng.

Ví dụ:

Thay vì viết: “Có kinh nghiệm đào tạo 10 nhân viên mới”

Hãy viết: “Có kinh nghiệm đào tạo 10 nhân viên mới, nhờ đó mà ... Cải thiện trải nghiệm khách hàng, không làm giảm chất lượng dịch vụ khách hàng ngay cả trong giờ cao điểm.” Hãy chứng minh rằng bạn hiểu cách bạn đang tác động và kết nối những nhiệm vụ/ trách nhiệm của bạn với các mục tiêu lớn hơn của công ty.

Tùy chỉnh địa chỉ URL của profile của bạn

Bạn sẽ nhận ra địa chỉ URL của profile của mình dài do bao gồm một số chữ cái hay chữ số ngẫu nhiên! Nhưng sẽ chỉ mất một vài cú nhấp chuột để tùy chỉnh địa chỉ URL của bạn. Đặc biệt là khi bạn định sử dụng link profile trên LinkedIn của mình cho sơ yếu lý lịch, danh thiếp hay chữ ký trên email thì việc điều chỉnh lại địa chỉ URL là bắt buộc!

"Cách tùy chỉnh địa chỉ URL của profile LinkedIn" - Sử dụng trung tâm hỗ trợ LinkedIn

Tôi khuyên bạn nên xóa tất cả các dấu gạch ngang “-” và nếu tên người dùng bạn muốn đã được người khác sử dụng trước, hãy cân nhắc thêm chữ viết tắt hoặc một số ở cuối, chẳng hạn như hermionegranger9.

Kỹ năng

Phần kỹ năng sẽ nằm ở vị trí cuối trong profile của bạn. Một số khách hàng của tôi đã thêm vào danh sách 5 kỹ năng cách đây không lâu để hoàn tất quá trình đạt được huy hiệu All-Star, nhưng họ lại chưa từng xem lại nó. Hoàn toàn có thể lý giải tầm trọng của việc điền đầy đủ phần kỹ năng. Thứ nhất, đặc biệt là khi bạn đang tích cực tìm kiếm một công việc mới, LinkedIn sẽ cố gợi ý cho bạn những công việc phù hợp với profile và bộ kỹ năng của bạn. Vì vậy, nếu bạn có profile không rõ ràng hoặc chỉ có một vài kỹ năng được liệt kê, LinkedIn sẽ không thể cung cấp các đề xuất phù hợp nhất. Thứ hai, khi các nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên trên LinkedIn, họ có xu hướng tìm kiếm các kỹ năng! Một trong những khách hàng gần đây của tôi đã thêm kỹ năng “thu hút nhân tài” và “quản lý hiệu suất” trong sơ yếu lý lịch của cô ấy nhưng lại chưa thêm chúng vào phần kỹ năng trong profile trên LinkedIn. Hãy thường xuyên nhìn nhận lại phần kỹ năng của bản thân và điền thêm bất kỳ điều gì vào profile mỗi khi bạn học và đạt được các kỹ năng mới!

Nếu đã hoàn thành những điều cơ bản trên thì profile của bạn đã được tối ưu hóa và bạn đã sẵn sàng kết nối, lên bài và tương tác có chủ đích!

Tham khảo thêm bài viết: Những điều nhà tuyển dụng tìm kiếm trong hồ sơ LinkedIn

Lược dịch bởi CanThoWork.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan