Tố chất và kỹ năng của một Phiên dịch viên

Dịch vụ - Chăm sóc khách hàng

| 12 tháng 8 2021

| bởi CTW.vn

image
Phiên dịch viên là làm gì?

Nghề phiên dịch, nói 1 cách đơn giản là chuyển ngữ, đưa ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác bằng hình thức nói. Người phiên dịch tốt có nhiều khả năng thăng tiến trong công việc chứ không chỉ dừng lại ở nghề nghiệp phiên dịch viên. Ví dụ, bạn có thể làm trợ lý cho Tổng Giám đốc, thư ký cho Hội đồng Quản trị. Phiên dịch 1 thời gian, bạn sẽ hiểu rất rõ về công ty, khi đó, những vị trí cao hơn nằm ngay trong tầm tay bạn.

Những tố chất nhà tuyển dụng đề cao khi tuyển phiên dịch viên

Đa số người ta vẫn quan niệm rằng, cứ thông thạo ngoại ngữ là đã có thể làm phiên dịch mà không hiểu hết những đòi hỏi của nó. Ngoại ngữ mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là 1 nhóm với nhiều tiêu chí khác nữa, quan trọng không kém. 

1. Sử dụng tiếng mẹ đẻ nhuần nhuyễn

Nhiều người sẽ cảm thấy thật bất ngờ khi đây là yêu cầu tiên quyết nhưng sự thật đúng như vậy. Muốn trở thành phiên dịch giỏi, bạn rất cần phải sử dụng thành thạo tiếng Việt để diễn đạt ý kiến thật trong sáng, xuôi tai, mượt mà và truyền đạt thật chính xác cái “hồn Việt”.

Để rèn luyện cho mình phẩm chất này, bạn hãy dành nhiều thời gian để đọc sách, cả tác phẩm văn học trong nước lẫn nước ngoài và các tác phẩm văn học dịch. Các hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, thói quen, địa lý… cũng là hết sức cần thiết. Hãy đọc thật nhiều nguồn tài liệu, nắm bắt, cập nhật nhiều loại thông tin.

2. Trí nhớ tốt, phản xạ nhanh, xử lý tình huống linh hoạt và khả năng phán đoán tốt

Nghe một đoạn nói dài và dịch lại đã là việc làm không đơn giản. Nghe và dịch theo ngay lập tức lại càng khó. Vì thế, bạn cần trí nhớ để nhớ những gì đã nghe và khả năng phán đoán, cần linh hoạt để chủ động hơn trong các tình huống không mong đợi.

3. Cầu thị, chu đáo và có trách nhiệm trong công việc

Như hàng trăm nghề khác, làm phiên dịch cần luôn cần sự chu đáo. Hãy kiểm tra từng chi tiết trước khi vào cuộc và khi đã nhận việc, cần có trách nhiệm đến cùng đồng thời không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức.

Phiên dịch viên cũng cần có những chuẩn đạo đức hay quy tắc ứng xử riêng. Chuẩn đạo đức này chú trọng tới sự trung thành, khách quan của người phiên dịch. Thái độ của người dịch không thiên vị đối với các bên đối thoại và nhất là không được thêm thắt, bình luận, nhận xét hay thể hiện thái độ của cá nhân người phiên dịch vào lời dịch. Tránh trường hợp người phiên dịch quên mất vai trò, vị trí mà đứng ra tranh luận như một người trong cuộc.

4. Khả năng tổ chức công việc tốt

Điều này rất quan trọng, nhất là khi bạn là freelancer – người làm nghề phiên dịch tự do. Lịch làm việc không nên quá dày, dành thời gian chuẩn bị thích hợp, liên hệ với bên yêu cầu để biết thêm thông tin, tài liệu cần thiết, yêu cầu riêng của họ. Hãy nắm bắt chính xác thời gian, biết phần việc của mình bắt đầu và kết thúc khi nào, đối tác cùng dịch (đặc biệt là khi dịch cabin), chủ động tiếp xúc trước với người nói nếu có điều kiện để làm quen với phong cách ngôn ngữ, cách phát âm của họ…

Một số yêu cầu khác khi làm phiên dịch viên
  • Sở hữu ít nhất 2 nền tảng ngôn ngữ
  • Diễn đạt ngôn ngữ trôi chảy, lưu loát, mạch lạc nhất
  • Có sức khỏe: Rất quan trọng vì nghề này đòi hỏi sự tập trung cao độ, tuyệt đối. Nhiều phiên dịch viên cabin cho hay 1 tháng không thể đi làm liên tục được mà phải phân bố, sắp xếp lịch dịch hợp lý, nếu không sẽ rất dễ bị đau đầu, căng thẳng, stress, kiệt sức.
  • Có kiến thức văn hóa, xã hội, chính trị,… sâu rộng của những quốc gia đang sử dụng ngôn ngữ phiên dịch.
  • Có kiến thức chuyên ngành: Để tránh những tai nạn khi bạn không đủ hiểu, hiểu sâu về ngành, mảng đó khiến sự kiện, hội thảo bị gián đoạn.
  • Có kỹ năng tốc dịch, phản xạ: Có đầu óc ghi nhớ, xử lý, tư duy, tóm ý rất nhanh vì bạn phải vừa nghe, vừa nói cùng 1 lúc, hay miệng nói, mắt đọc tài liệu.
  • Phán đoán có cơ sở (educated guess, đối lập với wild guess – đoán mò): Biết được cuộc hội thoại sắp đi về đâu, bài trình bày sắp nói về vấn đề gì, do đó, bạn phải có kiến thức rất rộng. “Câu nói chưa kết thúc, tại sao lại biết nó sẽ kết thúc như vậy?”, điều này nghe có vẻ rất mơ hồ, không thực hiện được nhưng hoàn toàn là sự thật nếu bạn từng trải qua nhiều cuộc hội thảo, nhiều đề tài, quen với cách trình bày của nhiều người, tóm gọn lại chính là sự tích lũy vốn kinh nghiệm dày dặn.
  • Đạo đức nghề nghiệp cao: Tuyệt đối trung thành và khách quan với sự thật nội dung phiên dịch, tôn trọng ngữ nghĩa của phát ngôn.
  • Không được dịch bừa: Nếu chưa hiểu rõ vấn đề hay ý kiến phát biểu thì im lặng và tìm cách bổ sung ngay sau đó. Phiên dịch viên cabin có lợi thế là tiết kiệm thời gian. Nếu truyền tải được 80% hàm ý của người nói thì công việc coi như đã thành công.
  • Vận dụng trí nhớ ngắn hạn: Đối với dạng hội nghị cấp trung trở lên, ý thường dài và khó nhớ, người dịch cần phải luyện thêm khả năng vận dụng trí nhớ ngắn hạn, khả năng rút gọn thông tin, chỉ lưu và nhớ ý chính, sau đó chuyển mã ngôn ngữ ý chính đó là đã đạt yêu cầu nhưng phải bảo đảm chính xác các dữ liệu quan trọng như thời gian, địa điểm, số liệu.
Một số kỹ năng phiên dịch chủ chốt

Dù bạn có lựa chọn để trở thành một thông dịch, biên dịch hay phiên dịch viên đi chăng nữa thì các công việc này đều là những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao hiện nay. Tuy vậy, để trụ được với nghề lại là điều không hề đơn giản. Chính vì vậy mà kỹ năng phiên dịch được xem là yếu tố giúp bạn hoàn thiện hơn.

1. Ngoại ngữ và hệ thống hóa ngôn ngữ

Với một phiên dịch viên thì đây chắc chắn là kỹ năng quan trọng nhất không thể thiếu bên cạnh kinh nghiệm phiên dịch. Việc hội nhập về nhiều mặt lĩnh vực ngành nghề như văn hóa, kinh tế, chính trị … ngày càng được các quốc gia chú trọng nên để diễn đạt chuẩn ý , đúng thông điệp phải cần tới việc thành thạo sử dụng hệ thống đa ngôn ngữ.

Bạn nên nhớ mỗi quốc gia đều sẽ có những văn phong, trình bày riêng nên kỹ năng ngôn ngữ càng cần phải vững. Từ đó, bạn mới có thể nêu được thông điệp bằng cách diễn đạt vốn từ linh hoạt, tương ứng chứ không phải theo cảm tính.

2. Truyền đạt thông điệp

Kỹ năng này yêu cầu người phiên dịch phải luôn rèn luyện, học hỏi liên tục để não bộ có thể đảm đương vai trò song song trong các cuộc hội thoại gồm lắng nghe thông tin từ người này, nắm rõ ý nghĩa câu từ để truyền đạt sang cho người kia bằng ngôn ngữ của họ mà không mất đi ý nghĩa, thông điệp.

3. Sử dụng máy tính

Ngày nay, để giải quyết các nhu cầu cá nhân và công việc thì chúng ta đều cần phải có ít nhất một hoặc nhiều hơn các thiết bị thông minh, đặc biệt là máy vi tính. Công việc của phiên dịch viên cũng vậy nên những kỹ năng máy tính văn phòng sẽ thuận tiện cho bạn trong việc xử lý công việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức.

4. Lắng nghe và quan sát

Để truyền tải đúng thông tin,thái độ từ người nói thì phiên dịch viên cần tập trung quan sát hành động của họ. Sẽ có nhiều câu từ, ngữ pháp, tiếng lóng mà bạn hoàn toàn không thể thấy trong tài liệu hay sách vở hướng dẫn. Thay vào đó, bạn sẽ nhận ra được nhiều điều hay khi quan sát người bản xứ nói.

5. Tra cứu thông tin

Không phải phiên dịch viên sẽ biết hết các câu từ khi phiên dịch. Đôi khi, họ vẫn sẽ vấp phải những từ ngữ chưa được nghe qua bao giờ. Muốn giải quyết vấn đề đó thì phiên dịch viên cần có rèn luyện kỹ năng tra cứu thông tin qua Internet mà không ảnh hưởng gián đoạn công việc.

Một số kỹ năng phiên dịch hỗ trợ

Như bạn đã biết thì phiên dịch viên là cầu nối trung gian giúp các ngôn ngữ trở nên hòa hợp hơn. Do vậy, chất lượng phiên dịch luôn gặp nhiều áp lực vô hình trong suốt các buổi hội thoại, trao đổi. Ngoài việc trau dồi các kỹ năng chính thì bạn cũng nên lưu ý tới những kỹ năng hỗ trợ khác như:

1. Ngôn ngữ chuyên ngành

Công việc của một phiên dịch không chỉ ở việc biết ngoại ngữ mà còn yêu cầu bạn đáp ứng được trong các bối cảnh ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Mỗi chuyên ngành sẽ cần tiêu chuẩn của người phiên dịch biết sử dụng tốt ngôn ngữ của ngành đó một cách chuyên nghiệp hơn.

2. Nắm rõ các nền văn hóa trên thế giới

Từng đất nước sẽ có những ngôn ngữ, văn hóa riêng nên sự hiểu biết về các nền văn hóa cũng là một kỹ năng cần có của phiên dịch viên. Nhằm tránh các mâu thuẫn về văn hóa trong các buổi hội thoại trao đổi thì phiên dịch nên chọn lựa câu từ, ngữ pháp để phù hợp cho từng nước.

3. Tác phong chuyên nghiệp

Dù là trong lĩnh vực, ngành nghề nào thì chuyên nghiệp trong thái độ, lời nói, hành động … luôn là điều tất yếu. Hãy thể hiện cho đối tác, khách hàng của bạn thấy sự chuyên nghiệp của bản thân thông qua các mặt như đúng giờ, bảo mật thông tin, ngôn ngữ sắc sảo, khả năng am hiểu văn hóa, tác phong và thái độ lịch sự.

Chưa hết, giả sử thế này, khách hàng yêu cầu bạn đi dịch cabin nhưng bất thần, cabin bị hư, bạn phải bước ra sân khấu và nói với diễn giả. Nếu hôm đó bạn mặc 1 chiếc áo thun, bạn sẽ mất điểm ngay lập tức. Nói để thấy rằng, thói quen chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ hình thành nên 1 phiên dịch viên chuyên nghiệp. Hãy luôn giữ phong cách tốt, lúc nào cũng phải chỉn chu nhé!

4. “Tinh thần thép”

Để làm nghề lâu dài, bạn phải lưu ý 2 điểm trọng tâm gồm chuẩn bị thật chu đáo và rèn luyện thật kiên trì bằng cách thực hành. Có như thế, bạn mới quen dần được với áp lực. Sự chuẩn bị chu đáo chiếm 90% thành công của nghề phiên dịch. Chuẩn bị từ đâu? Từ ngay giảng đường Đại học, bạn phải học tiếng Anh thật giỏi và sớm có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Nguồn bài viết
Cố vấn việc làm

Bạn cần được cố vấn việc làm và tìm việc, hãy click vào đây

Ngoài ra, để luôn được cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất, hãy tham gia vào nhóm 𝗭𝗮𝗹𝗼 của 𝗖𝗮𝗻𝗧𝗵𝗼𝗪𝗼𝗿𝗸.𝘃𝗻 cho từng lĩnh vực:

Bài viết liên quan